Nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành: Giáo viên chủ nhiệm ở đâu khi học trò cần giúp đỡ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
03/04/2019 07:02 GMT+7

Nữ sinh Hưng Yên bị bạn lột đồ, bạo hành dã man hết lần này đến lần khác nhưng giáo viên chủ nhiệm không những không phải là người học sinh tìm đến để chia sẻ, tìm sự gúp đỡ mà còn là người tìm cách 'ém nhẹm' sự việc khiến hậu quả ngày càng trầm trọng.

Mới đây, giữa tâm bão của sự việc, các giáo viên (GV) có kinh nghiệm nhiều năm làm chủ nhiệm ở Hà Nội đã ngồi lại với nhau trong hội nghị chuyên đề về công tác chủ nhiệm (do Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức) để chia sẻ về những cách “chinh phục” được những học sinh (HS) đặc biệt, thay đổi các em bằng chính sự tin yêu của mình.
[VIDEO] Trách nhiệm giáo viên ở đâu khi nữ sinh Hưng Yên bị lột quần áo, bạo hành?

Khi học sinh nổi loạn, dọa tự tử...

4 nữ sinh đánh hội đồng bạn bị buộc nghỉ học 1 tuần
Chiều 2.4, Hội đồng kỷ luật Trường THCS Diễn Hùng và Trường THCS Diễn Kim (H.Diễn Châu, Nghệ An) đã họp và quyết định mức kỷ luật đối với nhóm nữ sinh của trường bắt bạn quỳ gối rồi đánh hội đồng.
Theo đó, 1 học sinh (HS) lớp 8 Trường THCS Diễn Hùng và 3 HS Trường THCS Diễn Kim bị buộc nghỉ học 1 tuần; 1 HS khác đi theo để xem bị khiển trách. Nữ sinh bị đánh là H.T.P.Th (lớp 7, Trường THCS Diễn Hùng) cũng bị khiển trách vì đã loan tin thất thiệt “Tr. có bầu với người yêu” khiến em Tr. nảy sinh mâu thuẫn với Th. nên gọi bạn đánh Th.
K.Hoan
Cô Phan Thị Mười, GVCN lớp 11D7, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết lớp cô chủ nhiệm 34 trò với 34 cá tính khác nhau, nhiều trò có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt. Trong đó có trường hợp một HS bố nghiện cờ bạc và ly thân với mẹ, đến cuối năm lớp 10 thì bố con mất… Hoàn cảnh như vậy nên tính cách của HS ngang tàng, bất cần, hiếu thắng, coi thường người khác.
Dùng hết mọi biện pháp nhưng đâu vẫn vào đó. Rồi cô Mười chọn cách viết thư cho HS này, nhẹ nhàng nói về những thứ quý giá mà con đang có về một gia đình, một mái nhà để đi về, một người mẹ hết mực yêu thương con, về trách nhiệm của một người anh trai cần phải thay người bố đã mất để nuôi dạy em mình... Cô Mười cũng “cam kết” sẽ luôn lắng nghe cậu HS của mình chia sẻ và tìm sự giúp đỡ bất cứ lúc nào… Kết quả là cô đã nhận được lời xin lỗi từ cậu học trò ngang tàng và lời hứa sẽ cố gắng kìm lại sự “nông nổi” của mình.
[VIDEO] Nỗi lòng phụ huynh trong vụ nữ sinh Hưng Yên bị lột quần áo, bạo hành dã man
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, GVCN khối THCS của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, kể về một HS đặc biệt với một thói quen thường trực là “nổi khùng, ăn vạ” khi gặp bất cứ chuyện gì không vừa ý. Có lần một bạn vô tình va vợt cầu lông vào người, thế là HS này dọa tự tử, nói “cả thế giới này không ai yêu con, chỉ có con mèo yêu con”.
Bạn đến xin lỗi thì bắt bạn phải… nhảy từ tầng 2 xuống mới chấp nhận.
Nhiều lần như vậy, cô Lan Hương cho biết có lúc cảm giác bất lực và động viên phụ huynh cho con đi kiểm tra lại sức khỏe và tinh thần trong giai đoạn dậy thì. Kết quả bác sĩ kết luận con bình thường. Cô Hương đành đối mặt với chuyện này bằng cách lựa lúc cậu HS đặc biệt của mình bình tĩnh hơn để tìm cách nói chuyện, lắng nghe và chấp nhận vấn đề của HS, sau đó mới đưa ra ý kiến của mình, khuyên nhủ. “Nếu ngay từ đầu đã phủ nhận vấn đề của con thì chắc chắn con sẽ rất khó nghe lời khuyên nhủ của mình”, cô Hương nói.

Cô giáo Bùi Mai Trinh, GVCN Trường THPT Nhân Chính, nhớ về N., cậu HS “nổi loạn” mà mình làm chủ nhiệm từ hơn 10 năm trước. Em liên tục bỏ học đi chơi điện tử, tối cũng không về nhà… Mẹ em đến trường khóc với cô giáo.
Cô Trinh tìm hiểu và biết nguyên nhân về sự nổi loạn của cậu HS này là do tình cờ em biết về nguồn gốc của mình, vốn là một em bé bị bỏ rơi tại trạm xá ngay từ lúc mới sinh và đó là cú sốc thực sự với em. “Biết vậy tôi đã gặp gỡ, trò chuyện và tâm tình với em nhiều lần. Tôi phân tích cho em thấy cuộc sống có rất nhiều biến cố, về tình yêu thương của những người tuy không phải ruột thịt nhưng lo lắng cho tương lai của em. Sau đó, như đã tìm thấy điểm tựa tinh thần trong cuộc sống, HS này đã bình tĩnh lại, cố gắng chăm chỉ học tập”, cô Trinh kể.

Phải “là tất cả” của học sinh

[VIDEO] Hiệu trưởng đau đầu vì vụ nữ sinh bị lột quần áo, đánh dã man ở Hưng Yên
Cô giáo Lê Nga Phương, Trường THPT Hồ Tùng Mậu, cho rằng: HS “cá biệt” luôn là nỗi lo sợ đối với GV, đặc biệt là những GV trẻ. Chúng sẽ rút cạn sự kiên nhẫn của bạn, khiến bạn mất kiểm soát, rất dễ trở nên cáu giận, thậm chí khiến bạn mất đi tình yêu với công việc. Nhiều đồng nghiệp chia sẻ với tôi rằng: Họ muốn bỏ nghề khi gặp những HS “bất trị” như thế”. Tuy nhiên, cô Phương cũng sớm nhận ra rằng không một đứa trẻ nào tự nhiên trở nên cá biệt. Luôn có ít nhất một lý do khiến chúng trở nên thù địch với mọi thứ xung quanh. “Việc của chúng tôi là phải tìm được lý do tại sao. Khi đó có nghĩa là bạn đã tìm được chìa khóa mở cửa trái tim của chúng”, cô Phương nói.
Theo cô Lê Nga Phương, với HS cá biệt để GVCN trở thành chỗ dựa của lòng tin, đồng nghĩa với việc bạn phải trở thành tất cả: thay thế cho cha mẹ “đã thiếu vắng” của chúng; là chuyên viên tư vấn tình yêu; là y tá, biết băng bó vết thương nếu chúng lao vào một cuộc ẩu đả, là bác sĩ tâm lý giúp chúng thăng bằng sau những vết thương lòng… Bạn hãy sẵn sàng trả lời chúng bất kể khi nào chúng cần, thậm chí là 1 - 2 giờ sáng. Khi chúng tìm đến bạn cũng là lúc chúng cô đơn nhất, chúng cần một điểm tựa, và bạn hãy trở thành điểm tựa cho chúng...
Còn cô Mai Trinh cho rằng GVCN phải luôn bám sát lớp, thường xuyên quan sát và để ý đến HS để có thể tư vấn, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Cô giáo Đàm Phương Thu, Trường THPT Cầu Giấy, thì cho hay cô sẵn sàng xin lỗi và đón nhận sự góp ý của học trò và những lúc ấy đã chạm được tới trái tim các em. Cô Thu chia sẻ: “Dạy học trò, tôi nhận ra một điều: mình phải luôn biết tự kiểm điểm bản thân và biết nhận lỗi trước học trò. Mỗi một lần tôi nhận lỗi trước học trò của mình, tôi tìm thấy trong ánh mắt học trò của mình một tình cảm thật đặc biệt. Đó là ánh mắt chan chứa tình yêu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.