Nữ giáo sư toán thứ 2 VN và lời hứa 'không bao giờ bỏ toán'

20/11/2015 09:08 GMT+7

Nói về giáo sư (GS) toán thứ hai của Việt Nam Lê Thị Thanh Nhàn, GS Nguyễn Tự Cường cho biết khi ông khuyên cô Nhàn không nên làm quản lý để chuyên tâm với toán thì cô khóc và hứa không bao giờ bỏ toán.

Nói về giáo sư (GS) toán thứ hai của Việt Nam Lê Thị Thanh Nhàn, GS Nguyễn Tự Cường cho biết khi ông khuyên cô Nhàn không nên làm quản lý để chuyên tâm với toán thì cô khóc và hứa không bao giờ bỏ toán.

GS Nguyễn Tự Cường và GS Lê Thị Thanh Nhàn trong lễ công bố quyết định và trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tổ chức.GS Nguyễn Tự Cường và GS Lê Thị Thanh Nhàn trong lễ công bố quyết định và trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước tổ chức - Ảnh: Tạ Phương Hòa
Nhận xét về tâm huyết dành cho toán học của học trò GS Lê Thị Thanh Nhàn, GS Nguyễn Tự Cường nói: Theo tôi, phẩm chất quan trọng nhất mà một người làm toán giỏi là phải có năng lực chuyên môn tốt và một sự đam mê với toán học, vì thế khi đánh giá Nhàn tôi cũng căn cứ vào hai tiêu chí đó. Trước đây, tôi có một quy định riêng là chỉ xét nhận những ai đã theo học các bài giảng chuyên ngành của tôi ít nhất nửa năm vào làm nghiên cứu sinh. Nhàn không là ngoại lệ. Nhờ vậy mà tôi đã dễ dàng nhận thấy sự háo hức, thái độ học hành rất tập trung, và cũng rất mạnh dạn đặt câu hỏi khi có vấn đề chưa hiểu rõ. Trong những câu hỏi mà phần nhiều còn "ngờ nghệch" ấy của Nhàn vẫn có những câu buộc tôi phải tốn thời gian suy nghĩ mới trả lời được. Qua những sự việc nho nhỏ này tôi nhận thấy Nhàn có thể sẽ là một nghiên cứu sinh giỏi, có khả năng sáng tạo trong nghiên cứu toán.
* Dù khi ấy cô Nhàn bộc lộ nhiều tố chất nhưng dù sao đó cũng chỉ là “tiềm năng”. Còn để trở thành một nhà khoa học thực thụ, người phụ nữ phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống để tập trung cao độ trong nghiên cứu. Vì thế, GS có ngần ngại khi nhận học trò nữ?
- Quả thật là có ngần ngại. Tôi còn nhớ khi Nhàn và Trinh (chồng Nhàn) lần đầu gặp tôi xin cho Nhàn làm nghiên cứu sinh. Lúc đó tôi rất ngần ngại và đã hẹn với Trinh gặp riêng một buổi khác để nói chuyện. Trong buổi nói chuyện riêng đó tôi đã khuyên Trinh suy nghĩ thật kỹ khi để vợ làm nghiên cứu sinh toán, nhất là về chuyên ngành đại số. Tôi hỏi Trinh có chịu được khi có thể thường xuyên phải ăn cơm khê, sống hay thỉnh thoảng thấy vợ mình thẩn thờ như đang sống trong một thế giới khác hay không. Và thật bất ngờ Trinh đã trả lời tôi "em yêu Nhàn và Nhàn yêu toán, vậy em chấp nhận và làm tất cả để Nhàn được học toán". Lúc đó tôi cảm nhận đây không là một câu trả lời của Trinh cho tôi mà là một tâm sự xuất phát từ trái tim tràn ngập yêu thương của một người chồng, nó cũng giúp tôi bớt ngại ngần để đồng ý cho Nhàn tham dự nghe các bài giảng và seminar của mình và thi nghiên cứu sinh sau đó.
Nhưng Nhàn không phải là trường hợp học trò nữ duy nhất của tôi. Sau Nhàn, tôi còn nhận hướng dẫn cho Nguyễn Thị Hồng Loan - giảng viên Trường ĐH Vinh và Nguyễn Thị Dung - giảng viên Trường Đại hoc Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên.
* Nhưng giờ cô Nhàn không chỉ làm toán mà còn làm thêm “nghề” quản lý, giáo sư nghĩ sao?
- Tôi còn nhớ sau khi bảo vệ luận án không lâu, Nhàn gọi điện cho tôi báo là được cử làm Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên. Tôi có ý khuyên Nhàn không nhận vì sợ Nhàn sẽ không còn thời gian dành cho nghiên cứu toán nữa. Lúc đó Nhàn đã khóc vì đã lỡ nhận quyết định và hứa với tôi sẽ không bao giờ bỏ nghiên cứu toán. Từ đó đến nay, dù đã là Phó hiệu trưởng của Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên, Nhàn vẫn đều đặn có nhiều công trình đăng trên các tạp chí quốc tế có chất lượng cao, vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh và phụ trách nhóm nghiên cứu đang phát triển mạnh về đại số giao hoán ở ĐH Thái Nguyên. Đó không chỉ là minh chứng cho sự say mê, khả năng nghiên cứu của Nhàn mà nó còn làm tôi ngạc nhiên khi một phụ nữ lấy đâu ra đủ năng lượng và nghị lực để có thể làm tốt trên cả hai lĩnh vực dường như trái ngươc nhau: quản lý hành chính và nghiên cứu khoa học. Tôi thật sự vui và tự hào khi có một học trò như thế.
* Cảm ơn GS Nguyễn Tự Cường!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.