Nỗi niềm giáo viên vùng cao

21/11/2015 09:34 GMT+7

So với trước đây, giao thông ở miền núi Quảng Nam đã được cải thiện nhiều phần, đời sống giáo viên cũng được quan tâm hơn... Nhưng, không vì vậy mà những khó khăn của giáo viên vùng cao vơi bớt.

So với trước đây, giao thông ở miền núi Quảng Nam đã được cải thiện nhiều phần, đời sống giáo viên cũng được quan tâm hơn... Nhưng, không vì vậy mà những khó khăn của giáo viên vùng cao vơi bớt.

Cô giáo Nguyễn Thị Mùi trò chuyện với những học sinh của mình - Ảnh: Diệu HiềnCô giáo Nguyễn Thị Mùi trò chuyện với những học sinh của mình - Ảnh: Diệu Hiền
Giáo viên “3 đầu 6 tay”
Do là điểm học lẻ của Trường Tiểu học, THCS xã Tư (H.Đông Giang, Quảng Nam) nên 2 phòng học của thôn Vàu (xã Tư) cùng 2 giáo viên phải dạy lớp ghép.
“Thôn Vàu ở khá xa so với trường, học sinh đi học phải băng qua một ngọn núi nên chúng tôi quyết định lập điểm lẻ tại đây cho các em học sinh tiểu học”, thầy Nguyễn Đăng Thiện, Hiệu trưởng của trường chia sẻ.
Điểm trường chỉ có 45 học sinh nên phải chia thành 2 lớp ghép. Theo đó, giáo viên vừa dạy lớp 1 và lớp 2; tại lớp khác, giáo viên phải dạy lớp 3, 4, 5.
Nhìn cô Nguyễn Thị Mùi, giáo viên có 18 năm “thâm niên” trong nghề với nhiều năm dạy lớp ghép, chuẩn bị cho một buổi lên lớp mới thấy hết được vất vả của giáo viên lớp ghép. Nếu những giáo viên khác thì chỉ cần 1 giáo án thì cô Mùi phải dạy một lúc 3 giáo án của lớp 3, 4, 5.
“Chúng tôi hay đùa nhau giáo viên lớp ghép phải “3 đầu 6 tay” thì mới dạy xuể. Cứ xoay vào tấm bảng này, rồi nhảy qua tấm bảng khác dạy, quần quật đến hết giờ học thì thôi.”, cô Mùi nhoẻn miệng cười dù đang nói về những vất vả của mình.
Quả thật, giáo viên lớp ghép phải thực sự là người dày dạn kinh nghiệm để vừa dạy tiếng Việt, vừa phải biết tiếng Cơ Tu để tâm sự, chia sẻ với học sinh vì không phải em nào cũng thông thạo tiếng Kinh...
Hoa rừng tặng thầy cô ngày nhà giáo
“Là giáo viên vùng cao thì cực rồi, nhất là vào mùa mưa gió lũ lụt, cầu đường sạt lở, sông suối chia cắt khó khăn khi đi lại. Chưa kể, giáo viên còn như người cha, người mẹ theo sát động viên học sinh học tập bởi phụ huynh phần lớn là người dân tộc, hộ nghèo. Với họ, cha mẹ cho con đến trường là tốt lắm rồi, nên gửi trọn con cho thầy cô”, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Đông Giang tâm sự.
Ở đây, con học đến lớp 6, 7 là phụ huynh cho rằng đã đủ chữ. Vì vậy mà sau giờ dạy học, giáo viên phải đến từng nhà khuyên giải phụ huynh để các em không bỏ học giữa chừng. Bù lại, thầy trò ở vùng cao rất đậm tình cảm. Chỉ cần nhìn những cái vòng tay lễ phép, cúi đầu chào thưa mỗi khi gặp thầy cô, cũng đủ để cảm nhận được điều ấy.
“Ở trường, chúng con coi thầy cô như cha mẹ. Không chỉ cho chúng con cái chữ, thầy cô còn dạy chúng con điều hay, lo cho chúng con không bị đói, không bị lạnh... Chúng con yêu quý thầy cô lắm!”, em Lê Thị Diêu, học lớp 9 Trường Tiểu học, THCS xã Tư ngập tràn yêu thương khi nói về thầy cô của mình.
“Cứ đến ngày 20.11, thấy thầy cô trên này là mình chạnh lòng. Họ không có những ngày lễ lớn như thầy cô dưới phố, hay quà cáp gì, chỉ đơn giản là những bông hoa rừng học sinh hái tặng... ”, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Tư tâm tình.
Còn cô giáo Trần Thị Vui, với tuổi nghề 30 năm, công tác hoàn toàn tại các xã vùng cao Quảng Nam thì vui vẻ nói: “Chỉ đơn giản là sự kính trọng, yêu thương của các em, của phụ huynh dành cho chúng tôi; chỉ vậy thôi nhưng chúng tôi được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh, để bỏ lại phía sau mọi khó khăn, tiếp tục gieo chữ cho các em!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.