Nỗi buồn về văn hóa ứng xử học đường

17/08/2018 10:50 GMT+7

Trường học không chỉ là nơi dạy cho các em học sinh tri thức mà còn là nơi dạy cho các em về nhân cách, đạo đức của con người. Thế nhưng, cùng với thời gian thì nét đẹp về văn hóa ứng xử trong học đường đang dần bị mai một.

Văn hóa ứng xử giữa giáo viên với giáo viên cũng có nhiều chuyện đáng bàn, ứng xử tình thầy trò cũng đang là một dấu hỏi lớn, rồi cả ứng xử giữa phụ huynh học sinh với thầy cô giáo cũng không còn nguyên vẹn như trước. Có lẽ, đây cũng là một trong những nỗi trăn trở nhiều nhất của không ít người khi nghĩ về môi trường giáo dục hiện nay.
Phải nói rằng văn hóa ứng xử trong nhà trường hiện nay có nhiều chuyện khiến chúng ta phải suy ngẫm. Ngay cả những thầy cô giáo là đồng nghiệp với nhau, công tác trong một trường nhưng nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên nam, có những thái độ ứng xử với nhau không đẹp. Nhiều người thầy đáng tuổi cha, chú, tuổi anh mình nhưng nhiều giáo viên trẻ xưng hô rất không có thiện cảm. Trước mặt thì tôi - ông, sau lưng là lão ấy, thằng ấy. Một số lãnh đạo nhà trường còn trẻ tuổi nhưng khi xưng hô với đồng nghiệp cấp dưới của mình toàn nói bằng giọng ngang phè không có chủ ngữ.
Ngày nay chuyện phụ huynh vào trường phản ứng với giáo viên, thưa gửi lên trên không còn là chuyện hiếm nữa. Vẫn biết rằng thầy cô cũng có người nọ, người kia nhưng cách ứng xử như vậy xem chừng vẫn chưa ổn thỏa. Cha mẹ đã tạo cho mình một tấm gương mờ trước mặt con cái về văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Nếu so sánh với nhiều ngành nghề khác, nghề giáo ngày nay được xem là nghề đang chịu nhiều áp lực nhất. Áp lực với thành tích, với đồng nghiệp, với cấp trên, với phụ huynh và thậm chí chịu rất nhiều áp lực với học sinh. Song, điều day dứt nhất của người thầy bây giờ là văn hóa ứng xử của học trò đối với mình. Nhiều em học sinh ngày nay vô cùng ngang ngược với thầy cô giáo đang dạy mình, nhiều em có thái độ thách thức thầy cô.
Thời xưa đi học, người thầy có một vị trí nhất định trong lòng học trò, học trò lễ phép, biết kính trọng thầy. Đi ra đường, học trò bắt gặp thầy, cô là lễ phép chào hỏi… còn bây giờ những chuyện như vậy không còn nhiều...
Xã hội phát triển đi lên, chúng ta đã có sự giao thoa với các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới. Nhưng, trong sự giao thoa ấy chúng ta cũng đã phải tiếp nhận nhiều luồng văn hóa lai căng, tác động đến nhân cách của các em. Ngày nay, các em có thể lên mạng internet tiếp cận các loại văn hóa phẩm không phù hợp với lứa tuổi, thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Chính vì vậy đã làm cho một số em mai một về văn hóa truyền thống, hờ hững với thầy cô và ngay cả cha mẹ mình.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự xuống cấp của đạo đức học sinh là một bộ phận giáo viên chỉ chú trọng đến truyền đạt kiến thức cho các em ở trên lớp mà quên đi giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống cho các em. Nhiều thầy cô chưa làm tốt vai trò của mình, cộng với yếu tố giáo dục gia đình của các bậc phụ huynh chưa được chú trọng. Các bậc phụ huynh vẫn phó mặc việc dạy dỗ của con em mình cho nhà trường. Trong khi nhà trường không thể quản lý các em học sinh suốt cả ngày được.
Văn hóa học đường ngày nay có rất nhiều chuyện đáng bàn. Vì thế, mỗi thầy cô giáo trước tiên phải giữ được hình ảnh của mình trước học trò, phụ huynh. Ngoài việc truyền đạt, gợi mở về kiến thức thì điều cốt yếu phải thường xuyên lồng ghép những bài học, những câu chuyện về đạo đức, nhân cách để giáo dục học trò. Gia đình phải thường xuyên gần gũi, động viên, giáo dục con em mình hướng tới những giá trị cốt lõi về đạo lý. Và đặc biệt, trên các kênh truyền hình, các tờ báo viết cho lứa tuổi học trò cần hạn chế những câu chuyện, những cảnh phim không phù hợp lứa tuổi, nhất là ngôn phong, lời thoại của mỗi nhân vật cần phải chỉn chu, biểu cảm. Bởi thực tế, nhiều ngôn từ trong phim ảnh, trong các tờ báo cho lứa tuổi học trò đã trở thành câu cửa miệng ngoài đời của các em.
Trong nhà trường, sự gương mẫu của thầy cô là điều cần thiết để nêu gương cho học trò. Sự thân ái, trân trọng nhau sẽ giúp cho môi trường giáo dục lành mạnh và thân thiện. Điều quan trọng hơn là sẽ tạo nên được những thế hệ học trò sống biết yêu thương và trách nhiệm hơn trước mọi người và xã hội.
Mời tham gia cộng tác chuyên mục 'Người thầy' trên Báo Thanh Niên
Độc giả thân mến! Người thầy có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của một nền giáo dục và từng cá nhân nói riêng. Nhiều vấn đề trong giáo dục ngày nay rất cần tiếng nói đóng góp của các giáo viên.
Dù ở vị trí nào, dù còn đi dạy hay đã về hưu, với những trải nghiệm của mình trong cuộc đời đi dạy, các thầy cô có thể góp thêm tiếng nói để nền giáo dục ngày càng tốt hơn; để học sinh được dạy dỗ, yêu thương và phát triển nên người.
Từ đó, Báo Thanh Niên mở chuyên mục Người thầy trên Thanh Niên Online địa chỉthanhnien.vn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự cộng tác, hỗ trợ của các thầy cô và bạn đọc khắp mọi miền cho chuyên mục này.
Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Bài sẽ đăng trên báo in hoặc trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết được đăng tải trên mục Thanh niên - Giáo dục của báo in và Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.