Những thay đổi quan trọng liên quan trực tiếp đến học sinh trong năm học mới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
05/09/2021 09:56 GMT+7

Năm học 2021 - 2022 học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nhiều quy định về kiểm tra, đánh giá học sinh cũng thay đổi.

Các môn học “lần đầu xuất hiện”

Năm học 2021 - 2022 học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 51 của Quốc hội. 
Nếu như tiểu học đã qua 1 năm đổi mới với lớp 1 thì năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với cấp trung học, bắt đầu từ lớp 6, trong đó có những môn học tích hợp lần đầu tiên "xuất hiện".
Hai môn học tích hợp gồm môn lịch sử và địa lý (tích hợp từ 2 môn lịch sử và địa lý trước đây) và môn khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn: vật lý, hoá học, sinh học).
Với môn lịch sử và địa lý, Bộ GD-ĐT hướng dẫn: chương trình môn lịch sử và địa lý bao gồm phân môn lịch sử và phân môn địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và nội dung địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung lịch sử.
Với môn khoa học tự nhiên, theo văn bản của Bộ GD-ĐT, chương trình môn khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng là hoạt động giáo dục bắt buộc lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo Bộ GD-ĐT, chương trình của hoạt động này bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức hoạt động chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ. Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lý, giáo viên đảm nhận việc tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp.

Giáo viên sẽ phải đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng các yêu cầu theo chương trình giáo dục phổ thông mới

T. N

Không còn học sinh tiên tiến, "siết" quy định học sinh giỏi

Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 22 quy định về kiểm tra, đánh giá với học sinh THCS và THPT bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, 5.9, áp dụng bắt đầu với lớp 6 thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có nhiều thay đổi quan trọng.
Thông tư 22 cho phép đánh giá bằng nhận xét với nhiều môn học như: giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Kết quả học tập theo môn học chỉ đánh giá bằng nhận xét theo một trong 2 mức: đạt, chưa đạt.
Đối với các môn học còn lại, kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét với đánh giá bằng điểm số. Nếu Thông tư 58 có quy định về điểm trung bình học các môn để lấy căn cứ xếp loại học lực học sinh trong học kỳ và cả năm, thì ở Thông tư 22, quy định này đã không còn. Điểm trung bình học kỳ và năm học chỉ được tính của riêng cho từng môn học.
Thay vì xếp loại học lực giỏi, khá, trung bình, yếu, kém như Thông tư 58, thì Thông tư 22 đánh giá kết quả học tập của người học theo 4 mức “tốt, khá, đạt, chưa đạt”.
Thông tư mới cũng không còn danh hiệu khen thưởng là học sinh tiên tiến như hiện nay mà chỉ khen thưởng 2 danh hiệu: học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Để được công nhận là học sinh giỏi, học sinh phải có ít nhất 6 môn điểm tổng kết từ 8,0 trở lên thay vì chỉ tính điểm 1 trong 3 môn: toán hoặc tiếng Việt hay ngoại ngữ phải đạt 8,0 như quy định cũ.

Nhiều thay đổi trong kiểm tra, chấm điểm với học sinh trung học

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Thay đổi cách kỷ luật học sinh đã quá lỗi thời

Dự kiến năm học này Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy định mới về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông, thay thế Thông tư 08/TT của Bộ này ban hành từ năm 1988, được xem là đã quá lỗi thời khi áp dụng gần 40 năm qua.
Dự thảo Thông tư mới đã được công bố từ tháng 9.2020 nhưng sau 1 năm vẫn chưa được ban hành quy định chính thức. Bộ GD-ĐT cho biết dự thảo cuối cùng đang được hoàn thiện để có thể ban hành và áp dụng cho năm học 2021 - 2022. 
Một trong những nội dung bị phản ứng gay gắt trong quy định về kỷ luật học sinh trong Thông tư 08/TT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông hiện hành là việc đuổi học học, phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường khi học sinh mắc lỗi, tùy theo mức độ.
Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông sắp ban hành dự kiến sẽ bãi bỏ các quy định này và yêu cầu các cơ sở giáo dục không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là “kỷ luật tích cực” với từng học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.