Những rào cản khi thực hiện 'lấy học sinh làm trung tâm'

22/06/2021 09:28 GMT+7

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 10 vấn đề cần được khắc phục đối với giáo dục và đào tạo, trong đó nhấn mạnh phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực...

Quan điểm lấy học sinh làm trung tâm ngày càng thể hiện rõ hơn trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Tuy vậy, quan điểm này vẫn còn nhiều rào cản như: Đội ngũ nhà giáo chưa được trang bị lý luận về học sinh là trung tâm nên có giáo viên (GV) còn lúng túng khi dạy học; lối dạy học truyền thụ kiến thức một chiều, có thể kèm theo phát vấn vẫn là phổ biến; học sinh đa số vẫn còn thói quen học tập thụ động; GV và học sinh còn nặng tâm lý “ứng thí” dẫn đến dạy thêm, học thêm và coi nhẹ giáo dục về đạo đức, thẩm mỹ, thể chất.
Trong đánh giá thì nương nhẹ để học sinh có lợi khi xét tốt nghiệp, chuyển cấp; Bên cạnh đó, có người sợ rằng nếu lấy học sinh làm trung tâm sẽ hạ thấp vai trò của GV...

Nên xem thành tích học tập phần lớn do học sinh quyết định

Quan điểm học sinh làm trung tâm phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại. Giáo dục nhà trường là một quá trình có mục đích, có kế hoạch, được tiến hành dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của GV. Nhưng xã hội lập ra trường học là vì lợi ích học tập của học sinh chứ không phải vì lợi ích hành nghề của GV. Với tên gọi là “trường học” thì HỌC là chính chứ không phải DẠY là chính.
Cần phải thay đổi quan niệm để thấy rằng thành tích học tập của học sinh do chính học sinh quyết định phần lớn. Nghiên cứu của John Hattie (Úc) năm 2003 chỉ ra rằng thành tích học tập của học sinh do học sinh chiếm 50%, GV đóng góp 30%, gia đình từ 5 - 10%, nhà trường từ 5 - 10%, bạn bè và môi trường từ 5 - 10%. Ở Việt Nam, những nghiên cứu gần đây cho thấy điều tương tự.
Việc dạy học muốn có hiệu quả phải xuất phát từ nhu cầu, động cơ, đặc điểm và điều kiện của người học. Vì vậy phải tiến hành dạy - học trên cơ sở hiểu biết năng lực đã có của học sinh, chú ý đến tư duy của từng em, dạy học phân hóa, không áp đặt theo suy nghĩ của GV. Trong bối cảnh kiến thức nhân loại tăng lên với tốc độ ngày càng cao, đòi hỏi học sinh phải tham gia vào quá trình học tập, không tiếp thu thụ động, mà tích cực suy nghĩ, hoạt động, tìm kiếm, khám phá tri thức, tự kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của mình, tiến tới tự đào tạo và giải quyết vấn đề cuộc sống đặt ra một cách độc lập, sáng tạo.
Vì vậy, không nên xem lấy học sinh làm trung tâm chỉ như là một phương pháp dạy học, mà đây chính là một tư tưởng, một quan điểm dạy học, chi phối cả mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá học sinh.

Học sinh là trung tâm nhưng vai trò giáo viên ngày càng cao

Cần khẳng định rằng, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng đa dạng, phong phú và cao về kiến thức, kỹ năng... do đó, yêu cầu về trình độ, năng lực, vốn hiểu biết của GV ngày càng được nâng lên. Người thầy vừa phải chú ý đến người học, vừa phải chú ý đến điều phải học, đến quá trình học tập. Đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp 4.0, quá trình học tập được cá nhân hóa, dân chủ hóa, học sinh tự xây dựng kế hoạch học tập, có quyền phản biện, phát biểu những ý kiến, có khi khác với thầy nhưng vẫn được tôn trọng. Và như vậy, không chỉ là người học (learner), mà quá trình học tập (learning) cũng là trung tâm cho tất cả các hoạt động dạy học, giáo dục, kiểm tra, đánh giá.
GV không ngừng tự học suốt đời để làm gương cho học sinh. Người thầy phải có khả năng tổ chức, điều khiển mọi hoạt động giúp học sinh học tập tốt. GV sáng tạo là người biết giúp học sinh tiến bộ nhanh chóng trên con đường tự học. GV là người truyền động lực để học sinh vươn lên, không phải chỉ là người truyền đạt tri thức.
Như vậy, quan điểm lấy học sinh làm trung tâm không hề làm giảm vai trò của GV, mà ngược lại vai trò GV ngày càng cao.

Lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội cần hài hòa trong giáo dục

Lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội vẫn luôn luôn là vấn đề của mục tiêu giáo dục và đã xuất hiện hai xu hướng trái ngược nhau: hoặc quá đề cao lợi ích cá nhân người học, dẫn đến trọng tâm hoạt động giáo dục nhằm nâng cao các tỷ lệ học sinh giỏi, tốt nghiệp, đậu đại học, bất chấp về đạo đức, kỹ năng sống, sức khỏe, thẩm mỹ, cho lên lớp cả những học sinh chưa đủ chuẩn kiến thức, kỹ năng. Ngược lại, quá đề cao lợi ích xã hội, chưa đặt đúng mức phát triển nhân cách (phẩm chất, năng lực) của mỗi cá nhân, chưa chú trọng đến năng khiếu, sở trường và nguyện vọng của từng cá nhân học sinh.
Hai xu hướng cực đoan này đều không mang lại hiệu quả đối với giáo dục. Do đó, ngành giáo dục và từng nhà trường cần điều chỉnh theo hướng hài hòa giữa lợi ích cá nhân và xã hội, xây dựng kế hoạch giáo dục vừa đảm bảo yêu cầu chung của chương trình giáo dục quốc gia, địa phương, vừa phù hợp với nhà trường và học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.