Những người thầy trong trái tim tôi: Thầy cô tôi ngày xưa

Ai cũng có thầy cô giáo của mình. Và đứa trẻ nào cũng có thể kể vanh vách về thầy cô mình với niềm tự hào khôn tả. Ngày đó, chúng tôi nói những lời kính mến về thầy cô mình mỗi buổi sáng đến lớp: 'Em chào thầy ạ!'.

1. Tôi không biết giờ thầy giáo Mạnh bao nhiêu tuổi. Tôi không nhớ. Ở quê, có đứa trẻ nào nhớ được tuổi thầy!
Tôi học vỡ lòng trong một cái làng bé nhỏ ở miền Bắc từ những năm đầu thập niên 60. Thầy giáo Mạnh dạy chúng tôi hồi ấy chắc cũng chẳng qua trường lớp sư phạm nào nhưng tất cả những đứa trẻ tuổi tôi đều học thầy.
Lớp học là đình làng. Đến buổi học mỗi đứa mang ra một cái ghế dùng làm bàn viết. Nhà có ghế đẩu đã đành, nhà không ghế đẩu thì mang cái đòn ra mà làm bàn. Cái đòn thì quá thấp, nên trẻ cứ phải gòm người xuống mà viết. Cây viết lá tre dùng cho đến hết cấp một, đi học cứ kè kè lọ mực. Nhiều hôm mực dây bẩn hết cả quần áo. Nhà tôi trồng mồng tơi, ông anh tôi nhà nghèo thường lấy mồng tơi chín, dã nhỏ, vắt lấy nước làm mực - mực này thì chỉ viết ngay trong buổi học, trông nó tươi hơn cả mực tím!

tin liên quan

Những người thầy trong trái tim tôi
Bất kỳ ai trải qua năm tháng đi học cũng có những thầy, cô để lại ấn tượng không bao giờ phai nhòa. Trong 'trường đời' của mỗi người đôi khi cũng có những người tạo động lực, truyền cảm hứng, đặt một dấn ấn sâu sắc cho ta như một người thầy.
Thầy giáo Mạnh dạy học ăn thóc. Gọi là ăn thóc vì thầy dạy học lấy công. Hình như là công loại một, nắng mưa gì cũng tính, thầy được thôn tính cho một công một buổi dạy. Công lao động nông thôn chỉ ba bốn lạng thóc. Buổi chiều thầy ở nhà hoặc phụ vợ làm ruộng.
Không có lương. Không có lớp học. Không có cả bàn ghế. Nhưng tất cả chúng tôi đều nhớ thầy dù đã hơn 55 năm trôi qua.
2. Làng bên có một thầy giáo. Quê tôi, người ta gọi thầy là Ông Giáo Uẩn. Thầy giáo Uẩn dạy học ở xã bên. Ký ức của tôi về thầy giáo Uẩn là một người chuẩn mực: chuẩn mực về cách ăn mặc, đi đứng đến ăn nói. Nhìn cái cách mà người lớn trong vùng kính cẩn chào mỗi khi thầy đi trên đường đến trường hay từ trường về nhà thì thấy cả xã hội thu nhỏ của một vùng quê Bắc bộ kính trọng thầy cô giáo đến mức độ nào: “Chào Ông Giáo!”, “Ông Giáo lại đi dạy về hả?”, “Hôm nay giời lạnh thế này mà sao ông giáo không nghỉ sớm!”…
Thầy trò ngày xưa nay có dịp gặp mặt KIM HỒNG
3. Hồi tôi học cấp 3 ở Bắc Ninh khi ấy cả huyện chỉ có một trường cấp 3. Thầy cô giáo chủ yếu là từ Hà Nội về dạy. Trường học cách Hà Nội gần 30 km, chiều thứ bảy hằng tuần tôi thường thấy thầy cô xếp hàng đi xe buýt về Hà Nội. Tôi còn nhớ tất cả các thầy cô dạy chúng tôi hồi cấp 3. Cô Thúy dạy văn; vợ chồng thầy Tân (dạy lý), cô Nguyệt (dạy toán); cô Bàng dạy hóa, cô Huyền dạy sử… Tôi còn được học 2 cô giáo miền Nam tập kết đó là cô Lâm dạy văn và cô Khánh dạy hóa.
Tôi được học thầy Nguyễn Tiến Chấn, hiệu trưởng có một tiết học. Thầy dạy thay vì hôm đó cô giáo dạy toán của chúng tôi bệnh. Tôi nhớ thầy vì đó là người thầy mà tôi vô cùng kính trọng - cả đời thầy dành cho giáo dục. Cả khi về hưu, thầy cũng đã tham gia một cách tích cực cho Hội khuyến học Thuận Thành. Có lẽ Thầy là một trong số ít thầy cô khi đã về hưu nhiều năm được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Nhưng tôi kính trọng thầy bởi thầy là một người đặc biệt quan tâm đến học sinh và nhớ hoàn cảnh của từng học sinh trong trường.
Tôi còn nhớ, trong một dịp gặp gỡ thầy cô ở Sài Gòn thầy nhắc từng anh chị có mặt ở làng nào? Con nhà ai? Gia đình có mấy anh chị em học ở cấp 3 Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Tôi nghĩ, ngoài đặc tính nhớ lâu, điều này chỉ có thể có được khi biết quan tâm, yêu thương với học trò. Và đó chính là những điều mà ai đã chọn nghề dạy học đều ghi nhớ.
Bạn đọc có kỷ niệm đẹp, câu chuyện xúc động nào về người thầy của mình... có thể gửi đến chuyên mục Giáo dục của Báo Thanh Niên tại địa chỉ email: tngd@thanhnien.com.vn. Chúng tôi sẽ biên tập và đăng tải trên Báo Thanh Niên. Bài viết được đăng sẽ có nhuận bút. Xin trân trọng cảm ơn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.