Những câu hỏi nóng về giáo dục

20/11/2011 23:54 GMT+7

Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng với 4 bộ trưởng khác sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng với 4 bộ trưởng khác sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Số lượng câu hỏi chất vấn (bằng văn bản) của đại biểu (ĐB) gửi cho Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhiều thứ hai so với các bộ ngành khác. Điều đó chứng tỏ xã hội rất quan tâm đến giáo dục và mong muốn Bộ trưởng có những trả lời thỏa đáng.


Nhiều vấn đề mà các đại biểu quốc hội đặt ra từng được Thanh Niên phản ánh

Dạy thêm - học thêm, lạm thu: cũ mà vẫn mới

ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đặt vấn đề tình trạng thu - nộp, quản lý và sử dụng các nguồn thu ngoài quy định ở các trường mầm non và phổ thông tại nhiều địa phương đang gây bất bình trong nhân dân. Cử tri ở các địa phương đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất nhưng vẫn chưa khắc phục. Cùng với trách nhiệm trực tiếp của chính quyền ở các địa phương thì trách nhiệm của Bộ trưởng đối với vấn đề trên như thế nào? Với tư cách là người đứng đầu của ngành GD-ĐT, Bộ trưởng có biện pháp gì để cùng với các địa phương ngăn chặn và chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm nói trên?

Tương tự, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) cũng đề nghị Bộ trưởng nói về trách nhiệm, những việc đã và sẽ làm để khắc phục tình trạng lạm thu, dạy thêm. Theo ĐB Đạt, “vấn đề lạm thu tiền trường vẫn còn phổ biến và có chiều hướng tăng thêm nhiều khoản thu mới, trong đó có những khoản thu hết sức vô lý”. ĐB Võ Ngọc Thứ (Kiên Giang) nêu thực trạng: Bộ GD-ĐT ban hành quy định dạy thêm và học thêm. Tuy nhiên, việc học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan theo chiều hướng tiêu cực, làm ảnh hưởng đến thời gian tự học, vui chơi của trẻ... Vì sao hệ thống GD-ĐT thực hiện quy định trên chưa nghiêm? Bộ trưởng có giải pháp gì để hạn chế và chấm dứt việc học thêm đang phổ biến như hiện nay?

Chất lượng giáo dục đến mức báo động

ĐB Trần Minh Diệu nhận định: kết quả của các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm vừa qua và kết quả thi môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2011 là những biểu hiện không bình thường về chất lượng dạy học của bậc học phổ thông. Từ đó, ĐB Diệu yêu cầu Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và đưa ra biện pháp khắc phục các vấn đề trên. ĐB Nguyễn Thành Tâm đặt câu hỏi: “Bộ đã làm gì để cải thiện chất lượng, hiệu quả giảng dạy các môn học xã hội trong trường phổ thông, nhất là các môn học lịch sử, giáo dục công dân, đạo đức cho học sinh, khắc phục tình trạng bạo lực học đường, học lệch... cho học sinh?”.

Chất lượng đào tạo ở bậc ĐH cũng là mối quan tâm, lo lắng của nhiều ĐB. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn: Báo cáo của Chính phủ ngày 16.10.2011 cho biết trong năm 2011, các chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tuyển mới ĐH, CĐ tăng 11,6% (kế hoạch là 6,5%). Lý do vì sao tăng nhanh số lượng tuyển sinh như vậy? Nên hay không nên? Nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên đã rất thiếu, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp giải quyết vấn đề này nhằm nâng cao chất lượng của việc đào tạo ĐH và CĐ”.

Hậu quả của việc thành lập trường ào ạt

Việc thành lập, nâng cấp trường ĐH, CĐ với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây cũng là một vấn đề được nhiều ĐB quan tâm.

ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) chất vấn: Bộ cho mở nhiều trường CĐ, ĐH dẫn đến tuyển sinh không đủ chỉ tiêu; có hiện tượng tranh giành nhau bằng nhiều hình thức để thu hút người học; hạ điểm chuẩn quá thấp không đảm bảo chất lượng học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên?

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng: “Trong 10 năm qua quy mô các trường ĐH, CĐ tăng rất nhanh. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tiêu chí xác định quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ ở nước ta. Bộ trưởng có giải pháp như thế nào khi hiện nay, nhiều trường không tuyển đủ sinh viên so với nhu cầu đào tạo của trường và nhiều ngành đào tạo đang có nguy cơ giải thể?”.

Tuệ Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.