Nhìn nhận lại môn lịch sử: Số liệu cần khách quan

14/11/2012 04:36 GMT+7

Khi nói về các cuộc chiến, sách giáo khoa lịch sử đưa số liệu theo cách chỉ nói về tổn hại của phía bên kia. Lẽ ra điều này cần phải nhìn nhận thật khách quan cả hai bên.

Nhìn nhận lại môn lịch sử: Số liệu cần khách quan
Không nên đưa quá nhiều con số không cần thiết vào bài học giáo khoa môn sử trong khi vẫn đang hô hào cần giảm tải - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cân nhắc khi đưa số thương vong

 

Lịch sử là cái đã qua, chúng ta không thay đổi được nhưng tương lai là cái chưa tới, ta có thể tạo dựng được

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Cách đưa như vậy do từ lâu chúng ta ít quan tâm đến việc nói về sự hy sinh của chính mình. Tuy vậy, theo tôi, vẫn cần cân nhắc có nên đưa con số thương vong của cả hai bên sau mỗi trận đánh vào sách giáo khoa (SGK) hay không bởi điều quan trọng nhất của bài học vẫn là mỗi trận đánh mang lại điều gì cho chiến cục.

Chúng ta có thể đưa một vài con số để nói đến quy mô trận đánh, tác động của nó thế nào chứ không nên khơi sâu chuyện thương vong nếu không thực sự cần thiết. Như thế tránh được việc bắt học sinh phải nhớ quá nhiều con số trong khi chúng ta vẫn đang hô hào cần giảm tải. Chẳng hạn khi dạy về việc Hà Nội đánh B52, con số thương vong cần thiết đưa là số máy bay rơi vì điều đó quyết định chiến thắng của ta trong đấu tranh ngoại giao, dẫn đến Hiệp định Paris, tạo tiền đề quan trọng thống nhất đất nước. Cái đó quan trọng hơn bao nhiêu người chết bao nhiêu người bị thương.

Chỉ đưa thương vong của địch là cách tư duy cũ phải bỏ. Thương vong không nói lên tất cả. Có những trận đánh hy sinh rất lớn nhưng mang lại thành tựu rất cao. Có những trận hy sinh không nhiều nhưng cũng không mang lại thay đổi gì quan trọng trong cuộc chiến. Con số chỉ là một mặt của vấn đề mà có lẽ cũng hạn chế con số đi vì học sinh có thể đọc trong sách tham khảo.

Hướng tới sự hòa đồng

Về lâu dài, SGK nên theo xu thế của thế giới là tôn trọng lịch sử nhưng luôn coi lịch sử là điểm tựa. Cho nên các quốc gia có hệ lụy với nhau sau khi xảy ra chiến tranh luôn cần có những cuộc trao đổi về việc viết lịch sử. Ví dụ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội Sử địa Pháp đã ngồi với nhau để rà soát lại SGK. Chúng tôi rà roát để lịch sử vẫn được ghi rõ mà không ảnh hưởng tới việc 2 quốc gia tiếp tục mở rộng quan hệ. Sau cuộc rà soát, SGK vẫn nói rõ về chính sách bóc lột thực dân, vẫn có chiến thắng Điện Biên Phủ. Học sinh Việt Nam vẫn hiểu những mốc lịch sử nhưng không vì thế mà thù ghét người Pháp, nước Pháp. Như thế, nói đúng lịch sử mà vẫn hướng được tới sự hòa đồng.

Lịch sử của chúng ta có đụng độ với nhiều quốc gia khác. Do đó, rất cần phải hướng tới sự hòa hợp. Trong xu hướng hòa nhập với thế giới, yếu tố gì tác động không tích cực tới quan hệ thì ta không nhắc tới. Nói như thế không có nghĩa là ta che giấu lịch sử. Lịch sử là cái đã qua, chúng ta không thay đổi được nhưng tương lai là cái chưa tới, ta có thể tạo dựng được.

Trong một hội thảo về vấn đề này với Nhật Bản, tôi đặt vấn đề cách lấp những hố sâu lịch sử ngăn cách 2 nước. Một là khỏa lấp, san bằng nó bằng sự lãng quên để đến với nhau. Cách thứ hai là vẫn để nguyên nhưng bắc cầu qua, ta vẫn nhìn thấy cái đó mà vẫn nhìn với nhau.

Ý kiến

Còn mang tính hàn lâm

So với SGK lịch sử trước năm 2002, SGK hiện hành được viết khá hơn nhiều cả về hình thức và nội dung: đã giảm nhiều những chi tiết vụn vặt, không cơ bản; lược bớt những diễn biến của các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh hay phong trào cách mạng; giảm đi những số liệu, con số; kiến thức cập nhật hơn… Tuy nhiên, một số bài trong SGK, đặc biệt là phần lịch sử Việt Nam còn mang tính hàn lâm, chưa hấp dẫn người dạy và người học, dung lượng bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. 

GS-TS ĐỖ THANH BÌNH
(Trưởng khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Lịch sử không chỉ có một chiều

Học sinh cần thấy được sự nhiều chiều, khách quan, chân thực hơn các sự kiện lịch sử trong SGK. Cho tới nay SGK hầu như trình bày theo “một chiều”, thật đơn giản hoặc nhiều sự việc nhưng lại quá sơ sài. SGK hầu như chỉ viết về thiệt hại của địch, còn về ta chỉ có những tổn thất do các cuộc khủng bố, tàn sát của kẻ thù. Lịch sử không chỉ có một chiều, vấn đề là chọn lọc và có mức độ phù hợp.

PGS NGUYỄN QUỐC HÙNG
(Tác giả SGK môn lịch sử)

Tuệ Nguyễn (ghi)

Dương Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.