Nhiều ý kiến phản đối 'học phí' thành 'giá dịch vụ đào tạo'

30/05/2018 21:05 GMT+7

Việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị đổi từ 'học phí' thành 'giá dịch vụ đào tạo' đã nhận nhiều ý kiến phản đối từ dư luận.

Theo tiến sĩ Hoàng Đức Bình, Trưởng VPĐD một trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam, nếu bỏ qua cái bất hợp lý về ngôn ngữ mà nhiều người đã chỉ ra, việc đòi chuyển “học phí” thành "giá dịch vụ đào tạo" bất hợp lý đủ điều. Nói về từ, "học phí" chỉ 2 từ, đơn giản, dễ hiểu, tiết kiệm diện tích khi trình bày. Người học thì đã quen, đã dùng bao nhiêu năm, đã đi vào đầu từ em lớp 1 đến người học sau đại học. Cha me, những người trẻ lẫn người già đã biết nó là thứ tiền cần phải đóng cho con khi cho con đi học. Người dân chưa bao giờ phàn nàn hay đứng phản đối trước trường vì học phí công hay tư. Họ có, nếu có thể, liên quan đến thu học phí quá cao, quá bất hợp lý, hoặc vì việc thu các phí ngoài học phí vô tội vạ.

"Học phí" cũng thuận với từ "tuition fee" tiếng Anh phổ biến mà tất cả các trường sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy sử dụng. Dù trường công hay tư cũng chỉ một từ đó. Họ chưa bao giờ chuyển "tuition fee" thành "price of education service" hay "price of educational service" và chắc không ai đủ dũng khí để đề nghị (vì người ta cho là có vấn đề). Dù có chăng nữa, cũng chỉ ở các nghiên cứu hoặc khía cạnh quản lý khi mà người ta đề cập đến việc xác định “học phí (pricing of educational services) cho một chương trình đào tạo.

"Về đơn vị giáo dục, trước hết phải làm quen, tổ chức hướng dẫn cho nhân viên, chuyên viên, thay đổi hàng loạt biểu mẫu, rồi hàng loạt các thủ tục sẽ bị ảnh hưởng chỉ vì cái thay đổi không đâu vào đâu này. Tôi không tin học sinh, phụ huynh hay xã hội nói chung cần mấy cái thay đổi này, cái mà họ cần sự khởi sắc trong chương trình và chất lượng đào tạo. Các cơ sở giáo dục cần giảm tải, giảm sự chi phối quá lớn mà hệ thống giáo dục do Bộ GD-ĐT đang can thiệp quá sâu, để họ có được sự tự chủ hơn trong tổ chức học tập, giảng dạy và nghiên cứu (đối với bậc ĐH và sau ĐH)", tiến sĩ Bình cho biết.

Gửi ý kiến đến Báo Thanh Niên, bạn đọc Long Hà (TP.HCM) cũng cho rằng: “Ở các trạm BOT đã có từ "thu giá". Sắp tới đây, trong nhà trường, người nộp học phí lại nhận biên lai thu giá. Chữ nghĩa tiếng Việt đến là nhức đầu. Muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt kể ra cũng khó nhỉ”.

Ngày 30.5, tại Quốc hội, PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết đa số thành viên tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép trường đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Uỷ ban không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong dự thảo luật. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.