Nhiều trường xét tuyển bằng phần mềm riêng

03/08/2015 05:27 GMT+7

Do phần mềm chung của Bộ GD-ĐT nảy sinh không ít trục trặc, nhiều trường ĐH phải sử dụng phần mềm tuyển sinh riêng sau 2 ngày nhận hồ sơ nhằm giúp thí sinh cập nhật thông tin xét tuyển.

Do phần mềm chung của Bộ GD-ĐT nảy sinh không ít trục trặc, nhiều trường ĐH phải sử dụng phần mềm tuyển sinh riêng sau 2 ngày nhận hồ sơ nhằm giúp thí sinh cập nhật thông tin xét tuyển.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngày 2.8
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngày 2.8 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Phần mềm chung xảy ra nhiều lỗi
Trường ĐH Văn Lang nhận được hơn 150 hồ sơ xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia và xuất hiện một vấn đề liên quan đến phần mềm của Bộ. Đó là khi nhập liệu thí sinh (TS) nộp vào một ngành bằng 2 tổ hợp thì phần mềm không cho phép. Theo thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng đào tạo, những trường hợp này hiện phải giữ lại hồ sơ và báo lỗi này cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT.
Cán bộ đào tạo tại một trường ĐH công lập cho biết đến nay trường này và một số trường khác vẫn chưa được cấp tài khoản để đăng nhập vào phần mềm chung của Bộ. Điều này có thể dẫn đến việc một số trường nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT bản sao và đăng nhập thông tin của TS vào phần mềm chung trước, gây thiệt thòi cho các trường chỉ nhận bản chính. Ngoài ra phần mềm của Bộ hiện tại không có mục thể hiện điểm ưu tiên. Nếu đưa dữ liệu lên website các trường thì TS cũng không tính toán trước được số lượng điểm cao so với chỉ tiêu.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM mới nhận được trên 300 hồ sơ sau ngày đầu tiên nhưng chỉ nhập được trên 100 bộ do phần mềm trục trặc. Tương tự, đến cuối ngày 2.8 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận được khoảng 1.300 hồ sơ. Trong ngày 1.8, trường này mới chỉ thử nghiệm việc nhập liệu nhưng do phần mềm mới nên gặp nhiều vấn đề phức tạp, tới trưa 2.8 mới nhập xong khoảng 500 hồ sơ.
Tuy nhiên, cũng có những trường không gặp vấn đề về phần mềm chung. Hiện tại, các trường gặp khó khăn trong việc sử dụng phần mềm chung đã gửi công văn đến Bộ đề nghị hỗ trợ.
Khi nào công khai hồ sơ xét tuyển?
Để tăng cơ hội trúng tuyển, TS nên tham khảo thông tin các trường cập nhật trên website để quyết định tiếp tục nộp hồ sơ ở ngành/trường này hay chuyển qua nơi khác.
Theo quy định của Bộ, các trường sẽ cập nhật danh sách TS xét tuyển 3 ngày/lần. Trước khi bắt đầu quy trình xét tuyển, một số trường ĐH cho biết sẽ cập nhật hằng ngày danh sách TS trúng tuyển tạm thời. Tuy nhiên, sau 2 ngày thu nhận hồ sơ không nhiều trường thực hiện được việc này.
Ở phía nam, ĐH Cần Thơ là trường đầu tiên đưa lên website danh sách TS hoàn thành hồ sơ đăng ký xét tuyển vào sáng 2.8. Theo phần mềm này, TS dễ dàng tra cứu số lượng hồ sơ nộp vào từng ngành cụ thể theo mức điểm từ cao xuống thấp. Đặc biệt, danh sách này tách được số TS đăng ký theo tổ hợp truyền thống và tổ hợp mới để giúp TS biết chính xác chỉ tiêu theo từng loại tổ hợp. PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường sử dụng phần mềm xét tuyển riêng tự động cập nhật thêm TS đăng ký mới ngay khi có TS hoàn thành hồ sơ. Sau ngày đầu tiên trường nhận được khoảng 4.000 hồ sơ của TS đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi.
Trong khi đó, nhiều trường khác cho biết sẽ cố gắng công khai hồ sơ xét tuyển vào từng ngành so với chỉ tiêu theo đúng quy định của Bộ. Đến hết trưa 2.8, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã nhận được gần 800 hồ sơ xét tuyển. Trường này sử dụng phần mềm tuyển sinh riêng, cho phép TS được đăng ký xét tuyển trực tuyến từ trước, chỉ cần in phiếu nộp kèm giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc để xác nhận. Các trường hợp chưa đăng ký trực tuyến, trường bố trí 10 máy tính để TS tự đăng ký và in phiếu ra để nộp. Với cách làm này, trường không cần phải nhập dữ liệu. Tuy nhiên, đại diện trường cho biết sẽ công khai danh sách TS nộp hồ sơ theo quy định của Bộ sau 3 ngày.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng sử dụng phần mềm xét tuyển riêng do phần mềm quản lý thi của Bộ không đáp ứng được đặc thù xét tuyển một số ngành theo phương thức kết hợp học bạ. Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên của trường, cho biết đến trưa qua số lượng hồ sơ nộp về đã lên tới 1.100 bộ và có tới phân nửa TS chưa đăng ký trực tuyến trước đó. Do đó, thay vì sử dụng máy móc, việc đăng ký xét tuyển chuyển qua thực hiện bằng tay và trường vẫn phải bố trí bộ phận kỹ thuật nhập liệu. Ông Đức cho biết trường công khai danh sách này theo quy định 3 ngày/lượt.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết việc nhập liệu bắt buộc phải tiến hành trên phần mềm quản lý thi để trường có thông tin điểm ưu tiên khu vực và đối tượng phục vụ xét tuyển, do vậy chiều 3.8 trường mới công bố được dữ liệu xét tuyển cho TS tham khảo.
Còn Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM mới nhận được 630 hồ sơ. Việc nhập liệu cũng tiến hành sau nên cố gắng công bố thông tin vào trưa 3.8.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến điểm chuẩn
Để giúp TS tránh tối đa rủi ro trượt ĐH trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đưa ra dự kiến điểm chuẩn của từng nhóm ngành.
Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, những mức điểm chuẩn dự báo này dựa trên thống kê số liệu điểm thi kỳ thi THPT quốc gia và điểm chuẩn các năm trước. Điểm chuẩn dự báo sẽ được cập nhật thường xuyên dựa trên tình hình TS đăng ký và sẽ được chốt vào ngày 20.8.
Khác với các năm trước, điểm chuẩn năm nay sẽ được xác định theo thang điểm 10 dựa trên điểm trung bình các môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển có xét tới hệ số môn chính, cộng với điểm ưu tiên. Điểm chuẩn sẽ được xác định cho từng nhóm ngành, không phân biệt giữa các tổ hợp môn thi. Điểm chuẩn dự kiến cụ thể như sau: Các nhóm ngành cơ điện tử, điện - điện tử - tự động hóa, công nghệ thông tin: 8 - 8,5; Các nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, toán - tin, kỹ thuật hóa học - sinh học - thực phẩm - môi trường: 7,5 - 8; Các nhóm ngành kỹ thuật khác: 7 - 7,5; Các nhóm ngành cử nhân công nghệ: 6,5 - 7,5; Các nhóm ngành kinh tế - quản lý: 7 - 7,5; Ngành ngôn ngữ Anh : 6,5 - 7,5; Các chương trình đào tạo quốc tế: 6 - 7.
Công thức tính điểm xét tuyển của TS như sau:
- Đối với các nhóm ngành không có quy định môn chính:

Điểm xét = Tổng điểm 3 môn + điểm ưu tiên

3                           3


- Đối với các nhóm ngành có quy định môn chính:

Điểm xét = Tổng điểm 3 môn (có nhân hệ số môn chính) + điểm ưu tiên

4                                              3

Quý Hiên
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.