Nhiều trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM tự chủ, sinh viên nghĩ gì?

11/11/2020 10:44 GMT+7

Nhiều sinh viên lo lắng về mức học phí sẽ tăng cao khi thêm 3 trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thực hiện tự chủ tài chính từ năm học tới.

Tháng 7 vừa qua, cuộc họp Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM đã chính thức thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động của 3 trường ĐH thành viên gồm: Bách khoa, Công nghệ thông tin,  Kinh tế - Luật. Thông tin này tạo ra nhiều tranh luận trong sinh viên của ĐH này.
Năm 2021, 3 trường ĐH thành viên trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thực hiện tự chủ. Theo đó cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo… sẽ được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, nhiều sinh viên lại lo lắng vì mức học phí mà các bạn sẽ chi trả.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói về tự chủ đại học

“Trường ĐH Bách Khoa là mơ ước của sinh viên”

Đa phần sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM lo ngại về mức học phí dự kiến khoảng 25 triệu đồng/năm trong năm 2021.

Thí sinh thi vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tra cứu điểm thi

Hà Ánh

Nguyễn Hồng Anh (năm 4, ngành xây dựng) chia sẻ: “Hiện tại, một học kỳ của mình khoảng 6 triệu đồng và trường chia thành hai đợt đóng, chính sách này giúp sinh viên và phụ huynh có thể xoay sở được. Trong khi đó, một số môn đại cương bắt đầu tăng số tín chỉ, tăng số tiết mà đa phần sinh viên gặp rắc rối ở các môn đó. Hiện tại, học phí để học lại khoảng hơn 500.000 đồng/tín chỉ. Mặc dù tự chủ tài chính với cơ sở vật chất tốt sẽ giúp sinh viên có động lực để học tập tốt hơn nhưng như vậy sẽ khiến sinh viên mang áp lực vì sợ rớt môn và lại đóng thêm khoản tiền khá cao để học lại”.
Tạ Vinh Hạnh (năm 3, khoa điện) cho rằng tự chủ sẽ giúp trường có nguồn kinh tế để phục vụ cho việc nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị. “Tuy nhiên, trường cần thực hiện từng bước, từng đợt vì với mức học phí 25 triệu đồng/năm là hơi cao so với hiện tại. Việc đẩy mức học phí lên nhanh sẽ gây khó khăn cho những bạn có mơ ước hoặc nhu cầu vào học ở ngôi trường này. Đa phần sinh viên là dân tỉnh, tụi mình chọn Trường ĐH Bách khoa một phần vì học phí ổn nên gia đình và mình có thể chi trả được”, Hạnh nói.
Có chính sách học bổng và hỗ trợ đi cùng lộ trình tăng học phí
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, cho biết từ năm 2021, trường dự kiến sẽ thực hiện tự chủ. Hiện nay đề án đã được ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt và đang chờ Hội đồng trường thông qua trước khi áp dụng chính thức. Theo đó, học phí sinh viên khóa 2021 dự kiến sẽ tăng đến khoảng 25 triệu đồng/năm cho chương trình đại trà (gấp đôi mức thu hiện nay). “Đồng thời với lộ trình tăng học phí, trường đang chuẩn bị các chính sách học bổng và hỗ trợ, chương trình cho sinh viên vay học phí để học tập”, ông Thắng chia sẻ.
Hà Ánh
Dù học hệ chất lượng cao, điều kiện gia đình cho phép để chi trả thêm học phí nếu trường thực hiện tự chủ nhưng Phạm Quốc Hậu (năm 1, ngành kỹ thuật cơ điện tử) lại không ủng hộ việc tự chủ của trường. “Bách khoa là ngôi trường mơ ước của nhiều sinh viên, một số bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng lực học rất tốt lựa chọn ngôi trường này không chỉ vì bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy mà còn vì học phí trường không quá cao. Việc tăng như vậy sẽ làm nhiều bạn từ bỏ ước mơ của mình. Bản thân mình may mắn vì có gia đình hỗ trợ, còn những bạn khác lại gặp nhiều vấn đề về kinh tế, mình không muốn vì chuyện kinh tế mà khiến các bạn đánh mất ước mơ và động lực”, Hậu tâm sự.

Bách khoa là ngôi trường mơ ước của nhiều sinh viên, một số bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng lực học rất tốt lựa chọn ngôi trường này không chỉ vì bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy mà còn vì học phí trường không quá cao

Phạm Quốc Hậu (sinh viên năm 1, ngành kỹ thuật cơ điện tử,  Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) 

Cũng là sinh viên năm nhất hệ chất lượng cao, N.T.M.L (ngành kỹ thuật hóa học) cho rằng sinh viên chỉ cần phòng học có quạt, có bàn ghế và giảng viên là đủ. “Với mình, cơ sở vật chất hiện tại của Bách khoa là rất ổn. Nếu tụi mình muốn có thêm các điều kiện hỗ trợ học tập khác như phòng thí nghiệm, tiếp xúc thực tế… thì tụi mình sẽ chủ động tìm cơ hội”, M.L chia sẻ.

“Mong trường phát triển tốt hơn về chất và lượng”

Theo đề án trình lên Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường  ĐH Kinh tế - Luật đề xuất mức học phí dự kiến là 20,5 triệu đồng/năm từ khóa 2021 và tăng dần lên.
Là sinh viên Trường Kinh tế - Luật, Nguyễn Loan (năm 4, ngành tài chính - ngân hàng) ủng hộ việc tự chủ của trường. “Mặc dù Kinh tế - Luật tự chủ tài chính nhưng mức học phí vẫn thấp so với các trường bạn. Tự chủ sẽ giúp trường có kinh phí để xây dựng thêm các tòa nhà khác, nâng cao cơ sở vật chất để phục vụ tốt nhất cho việc học của sinh viên. Từ đó tụi mình sẽ có hứng thú hơn ở việc học và chất lượng giảng dạy của giảng viên cũng được nâng cao hơn”, Nguyễn Loan chia sẻ.
Cùng quan điểm với Loan, Trịnh Đăng Khoa, sinh viên năm 3 Trường  ĐH Công nghệ thông tin, một trong 3 trường sẽ tự chủ vào năm 2021, cho rằng tự chủ là cách để sinh viên và nhà trường tiếp cận được nhiều phương pháp giảng dạy mới, học tập được nhiều mô hình mới và áp dụng được nhiều kỹ thuật mới vào từng ngành học. “Mặc dù tự chủ sẽ làm mức học phí tăng lên nhưng là phục vụ cho sinh viên và giữ chân các giảng viên giỏi. Nhà trường có rất nhiều chính sách học bổng để hỗ trợ sinh viên, nếu các bạn gặp khó khăn trong vấn đề học phí có thể trình bày với trường”, Khoa chia sẻ.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tranh thủ học ở dãy hành lang tự học của trường (Ảnh: Thanh Dung)

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tự học ở dãy hành lang của trường

Ảnh: Thanh Dung

Nguyễn Loan chia sẻ thêm: “Có thể việc thay đổi học phí một cách đột ngột làm nhiều bạn không quen nhưng chúng ta nên ủng hộ nhà trường vì mục đích cuối cùng của tự chủ là phục vụ cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường học tập tốt nhất. Nếu tự chủ, mình mong trường phát triển tốt hơn về chất và lượng để sinh viên cảm thấy số tiền mà mình bỏ ra rất xứng đáng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.