Nhiều thay đổi tuyển sinh khối ngành sức khỏe

25/01/2018 08:44 GMT+7

Ngày 24.1, trong buổi tư vấn truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên với chủ đề 'Chọn ngành phù hợp: khối ngành y tế - sức khỏe', các chuyên gia đã công bố những thay đổi mới nhất trong tuyển sinh về nhóm ngành này.

Nhiều ngành học mới
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết năm nay trường dự kiến tuyển 800 chỉ tiêu ngành y đa khoa, trong đó 400 dành cho thí sinh (TS) có hộ khẩu TP.HCM và 400 TS hộ khẩu các tỉnh. Lý do là từ năm 2017, trường được chỉ đạo của UBND TP.HCM tuyển sinh trên toàn quốc. Kết quả sơ bộ cho thấy TS hộ khẩu TP.HCM chiếm 1/3, các tỉnh chiếm 2/3. Với 2 nhóm đối tượng riêng sẽ có 2 mức điểm chuẩn khác nhau.
Cũng theo thạc sĩ Hà, trường đang trình UBND TP.HCM đề án xây dựng trường công lập tự chủ tài chính. Trong đó, học phí có thay đổi, nhưng vẫn bám theo Nghị định 86 của Chính phủ. Sở Y tế TP.HCM cũng trình UBND TP.HCM kế hoạch hỗ trợ học phí cho sinh viên có hộ khẩu TP.HCM nhưng ra trường phải tuân theo sự phân công của thành phố.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, chuyên viên Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết hiện nay trường chưa có đề án tuyển sinh chính thức. Dự kiến trường vẫn tuyển sinh như năm 2017. Đó là lấy điểm 3 môn toán - hóa - sinh, xét tiêu chí phụ các môn tùy ngành. Năm nay có điểm mới là trường có thêm ngành dinh dưỡng, đào tạo 4 năm.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết năm nay trường sẽ xét tuyển một số ngành sức khỏe như xét nghiệm y khoa, điều dưỡng, sắp tới sẽ mở ngành dược. Mỗi ngành tuyển 50 chỉ tiêu với nhiều tổ hợp môn. Theo thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, năm nay trường sẽ tuyển thêm ngành mới vật lý y khoa và kỹ thuật y sinh.
Lưu ý tiêu chí phụ và thông tin riêng từng trường
Với những trường lớn, thông thường hằng năm đều phải xét đến tiêu chí phụ vì có số lượng TS đăng ký dự thi lớn. Thạc sĩ Nguyễn Quang Vinh lưu ý TS cần xem đề án tuyển sinh của trường cho kỹ để không mắc sai lầm, dễ tập trung học theo môn hơn. Chẳng hạn, nếu tiêu chí phụ là ngoại ngữ nhưng nếu TS không thi ngoại ngữ thì sẽ rất bất lợi. Năm nay cũng có thay đổi mã ngành nên TS cần ghi cho đúng. Vì vậy, TS cần cập nhật thông tin trên website để khi trường công bố, nắm bắt ngay không bị sai sót khi đăng ký.
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, TS thi vào trường cần nắm rõ một số điểm. Đó là chỉ tiêu xét 2 đối tượng theo hộ khẩu TP.HCM và các tỉnh. Ngành điều dưỡng hiện nay có 150 chỉ tiêu nhưng có các chuyên ngành khác nhau như đa khoa, hộ sinh, gây mê hồi sức. Khi trúng tuyển điều dưỡng, khoa sẽ xét tuyển thêm lần thứ 2 vào các nhóm này. Nếu TS đồng điểm, trường sẽ lần lượt xét theo các tiêu chí phụ như lấy điểm gốc, điểm ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT, điểm trung bình 3 môn lớp 10, 11, 12.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành y tế sử dụng tổ hợp khoa học tự nhiên. Đây là tổ hợp có lợi cho TS. Lưu ý thêm về tổ hợp này, TS sẽ có thêm cơ hội khi nộp hồ sơ xét tuyển.
Thí sinh TP.HCM sẽ có điểm chuẩn thấp hơn ?
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, căn cứ vào đề án tuyển sinh năm 2018 đang chờ phê duyệt, có khả năng điểm chuẩn dành cho TS có hộ khẩu tại TP.HCM sẽ thấp hơn điểm chuẩn cho TS các địa phương khác.
Lý giải điều này, thạc sĩ Hà nói, điều này phụ thuộc vào số lượng TS đăng ký xét tuyển trực tiếp trên tổng chỉ tiêu. Như năm ngoái, trong số 850 chỉ tiêu ngành y đa khoa chỉ có 1/3 TS của TP.HCM. Dù chiếm 50% chỉ tiêu nhưng số lượng TS đăng ký chỉ chiếm 1/3 thì điểm chuẩn sẽ có khả năng thấp hơn số còn lại.
“Tuy nhiên đây không phải chủ trương của trường mà chỉ là sự dự đoán. Căn cứ trên thực tế số lượng TS đăng ký so với chỉ tiêu, hội đồng tuyển sinh trường sẽ xác định mức điểm trúng tuyển cụ thể”, thạc sĩ Hà nói.
Về việc phân tách chỉ tiêu riêng, thạc sĩ Hà cho biết điều này trường đã xin ý kiến UBND TP.HCM. Trường là đơn vị đào tạo nhân lực chủ lực về y tế cho thành phố. Theo nhu cầu nhân lực sắp tới, trường chỉ có thể đáp ứng yêu cầu nếu đảm bảo tuyển đủ 50% chỉ tiêu có hộ khẩu thành phố (400 người/năm). Nếu vẫn tiếp tục tuyển 200 người như năm ngoái là thiếu.
“Trường cần đảm bảo ít nhất 50% chỉ tiêu tuyển sinh là người thành phố để đảm bảo nguồn nhân lực cứng phục vụ cho TP.HCM”, thạc sĩ Hà cho hay.
    Hà Ánh

Nhân lực vẫn thiếu
Theo thạc sĩ Trần Minh Thái, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế TP.HCM, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về nhân lực y tế đến năm 2020. Mục tiêu phải đạt chỉ tiêu 20 bác sĩ/10.000 dân, 35 điều dưỡng/10.000 dân, 32 bác sĩ cơ hữu/trạm y tế. Để đạt mục tiêu, mỗi năm ngành y tế phải bổ sung khoảng 1.000 bác sĩ, trên 1.000 điều dưỡng (hộ sinh và kỹ thuật viên) để bổ sung cho các bệnh viện hiện hữu và những bệnh viện sắp tới được mở rộng, phát triển thêm.
Trên địa bàn TP.HCM sẽ có 3 trường ĐH công lập được đào tạo nhu cầu nhân lực là Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Y Dược TP.HCM, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Riêng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là nguồn lực chính để cung cấp nhân lực cho TP.HCM. Các sinh viên có hộ khẩu TP.HCM sẽ được phân công nhiệm sở 100%. Nhóm sinh viên hộ khẩu tỉnh, nếu có nhu cầu công tác tại TP.HCM, Sở Y tế cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ tùy theo nhu cầu.
Việc phân công nhiệm sở căn cứ vào nhu cầu của bệnh viện. Sinh viên ra trường sẽ được phân công lần lượt theo thứ hạng tốt nghiệp, điểm càng cao cơ hội sẽ nhiều hơn.
Nhu cầu của các bệnh viện hiện nay rất lớn, đặc biệt là ở tuyến cơ sở. Hằng năm, số lượng sinh viên ra trường cung cấp đáp ứng đủ nhu cầu.  
Đ.N


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.