Nhiều phương thức đóng học phí không dùng tiền mặt

Bích Thanh
Bích Thanh
13/09/2019 08:29 GMT+7

Để đáp ứng nhu cầu của nhiều phụ huynh tại TP.HCM, trong năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục thành phố có nhiều phương thức đóng học phí không dùng tiền mặt.

Mô hình trường học không dùng tiền mặt

Theo chỉ thị thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2019 - 2020, UBND TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT triển khai hiệu quả các mô hình và giải pháp đổi mới, trong đó có mô hình trường học không dùng tiền mặt.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay đây là một trong những nội dung của mô hình trường học thông minh, nằm trong tổng thể phát triển thành phố thông minh mà TP.HCM đang xây dựng và thực hiện.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho biết năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại VN. Thực hiện quyết định trên, ngành giáo dục TP.HCM xây dựng mô hình trường học không sử dụng tiền mặt thể hiện qua hai hình thức: phụ huynh thanh toán học phí thông qua dịch vụ ngân hàng và học sinh sử dụng thẻ học đường thông minh để đóng học phí, các khoản phí khác và chi trả các dịch vụ phục vụ học tập…
Ông Lê Hoài Nam cũng cho hay đến năm 2014, mô hình đã thực hiện thí điểm. Thời gian đầu chỉ có một số trường thực hiện song song hình thức tiền mặt và không tiền mặt. Đến nay đã có hơn 300 trường THCS, THPT thực hiện cả 2 hình thức của mô hình nói trên. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho biết học sinh mới chỉ dùng thẻ học đường thông minh để điểm danh và đọc sách mà chưa dùng vào việc thanh toán phí.

Không ấn định theo bất cứ dịch vụ ngân hàng nào

Theo ông Lê Hoài Nam, đến năm học 2019 - 2020, thực hiện theo chỉ thị, Sở GD-ĐT sẽ triển khai các văn bản và các giải pháp để thực hiện sao cho đồng bộ, hiệu quả. Để giảm áp lực về nhân sự, thời gian, công sức, phụ huynh có thể lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp như ủy thác thanh toán tự động, chuyển khoản qua internet banking, cổng thông tin học đường, máy POS tại trường, tại ngân hàng, tại ATM, ví điện tử… Lãnh đạo ngành giáo dục cũng khẳng định các phương thức thanh toán không ấn định theo bất cứ dịch vụ ngân hàng nào, phụ huynh học sinh có quyền chủ động lựa chọn dịch vụ.
Ông Nam cho biết thêm sau thời gian thí điểm hoàn chỉnh cho học sinh khối 7 Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8) sử dụng thẻ học đường thông minh với các giải pháp đồng bộ như sử dụng thanh toán học phí, các khoản chi trong nhà trường, thẻ điểm danh, thẻ thư viện, thẻ xe buýt…, trong năm học mới Sở sẽ hoàn thiện hạ tầng cơ sở để thí điểm cho học sinh toàn trường. Sau đó, dần dần tiến tới triển khai trong các trường học để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt.

Ý kiến

Đóng học phí bằng tiền mặt như cực hình
Con tôi học tại Trường tiểu học Cao Bá Quát, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Tôi xin đóng học phí qua tài khoản mà không cho. Vì thế mỗi lần đóng tiền học phí như một cực hình, phụ huynh chen chúc nhau. Phụ huynh phản ánh nhiều lần về việc này vẫn không được, trong khi phụ huynh chúng tôi hiện giờ từ tiền nước, tiền điện… đều đóng qua chuyển khoản, chỉ mỗi tiền học phí cho con không đóng được. Những điều này ngược với chủ trương của UBND TP.HCM khuyến khích thanh toán không tiền mặt.
Một phụ huynh tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM
Tiện lợi hơn rất nhiều
Tôi thấy tiền điện, nước, dịch vụ, mua sắm… tất cả đều có thể thanh toán bằng thẻ, chỉ cần một chiếc điện thoại di động hoặc máy tính có kết nối mạng là trong tích tắc giải quyết xong. Vì thế, việc đóng học phí cho con không cần phải đến trường đưa tiền mặt, quả thật rất tiện lợi cho phụ huynh. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa không phải đi rút tiền mặt.
Nguyễn Thị Phương Nga 
(phụ huynh Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Không còn cảnh xếp hàng chờ đợi
Cứ mỗi lần có phiếu học phí của con là tôi lại nghĩ bụng thôi để từ từ hãy đóng vì thời gian đầu rất nhiều phụ huynh đến xếp hàng chờ đợi; có khi nửa tiếng mới xong. Công việc của tôi lại rất bận nên ngại cảnh chờ đợi đó. Vì thế có nhiều tháng tôi quên luôn việc đóng học phí cho con, để con bị cô giáo nhắc nhở. Tôi rất ủng hộ việc đóng tiền mà không cần phải đến tận trường. Tốt nhất là bằng hình thức chuyển khoản cho nhanh gọn.
Nguyễn Mỹ Hương 
(xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai)
Nên để tùy phụ huynh
Tôi thấy có nhiều phụ huynh không xài internet banking hoặc thậm chí không có tài khoản ngân hàng thì việc đóng học phí bằng chuyển khoản cũng không tiện lắm. Nhất là ở vùng nông thôn, ngân hàng có khi cách trường cả chục cây số. Vì vậy nên linh hoạt bằng cách để phụ huynh lựa chọn hình thức đóng.
Hồ Quỳnh Chi 
(phụ huynh Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM)
Mỹ Quyên (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.