Nhiều người 'cưng nựng' quá mức mà không biết mình đang 'xâm hại' trẻ

18/03/2017 13:43 GMT+7

Có nhiều người đã và đang vô tình lạm dụng tình dục trẻ em mà không hề hay biết. Bởi họ chỉ nghĩ đơn giản 'chỉ là cưng nựng trẻ thôi mà'.

Cách thể hiện tình yêu thương cao đẹp
Việc ôm ấp, âu yếm thể hiện tình yêu thương, chia sẻ của cha mẹ với con cái, ông bà/họ hàng với con cháu, người lớn với con trẻ... rất trong sáng, chân thành mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đều từng trải qua, là nét rất đẹp trong cuộc sống. Nó mang lại hạnh phúc cho nhiều người, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người trong suốt cuộc đời nhiều gian nan, thử thách...
Chắc hẳn nhiều người cũng biết ngày 4.12 hằng năm được chọn là Ngày quốc tế ôm nhau (International Free Hugs Day). Mục đích của nó là nhằm khuyến khích con người thể hiện tình yêu thương, sự cảm thông, an ủi, khích lệ người khác qua cái ôm thân mật. Rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ, hằng năm đều có những hành động đẹp hưởng ứng ngày này.
Cần sớm hướng dẫn cho trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục Ảnh: Như Lịch

tin liên quan

Ám ảnh kinh hoàng nạn xâm hại tình dục
Các vụ trẻ em bị, hoặc nghi bị xâm hại tình dục trên cả nước liên tục xuất hiện trong thời gian qua khiến dư luận phẫn nộ, các bậc phụ huynh cảm thấy bất an, lo lắng. 
"Cưng nựng" không đúng, coi chừng là lạm dụng
Việc lạm dụng, xâm hại trẻ hoàn toàn khác với những cách thể hiện tình yêu thương cao đẹp trên. Hậu quả của nó thật khủng khiếp đối với các nạn nhân trẻ em.
Đáng lưu ý là, không ít người vì vô tình mà "cưng nựng" quá mức, không biết rằng điều này bị coi là lạm dụng trẻ.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long (Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM) cho biết có những phụ huynh, anh chị em, người lớn đã và đang vô tình lạm dụng tình dục trẻ em mà họ không hề hay biết.
“Đó là thói quen "cưng nựng" trẻ, đặc biệt là "cưng nựng" ở những bộ phận nhạy cảm của trẻ. Khi trẻ còn nhỏ thì đây là hành vi yêu thương bình thường. Nhưng khi trẻ lên 3 tuổi, ý thức về bản thân của trẻ đã xuất hiện nên người lớn phải hạn chế tối đa hành vi này. Còn nếu lỡ ba mẹ thương trẻ quá và muốn cưng chiều, đụng chạm những bộ phận ấy thì phải được sự đồng ý của trẻ. Và việc phụ huynh cho người lạ (so với trẻ) đụng chạm vào cơ thể của trẻ cũng là hành động vô tình nhưng đã là hành vi lạm dụng trẻ”, ông Long nói.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) thì hướng dẫn phụ huynh về “nguyên tắc bikini”. “Cần dạy con chỗ nào là "vùng bikini" (áo tắm) thì cần che lại, chỗ đó là chỗ riêng tư của con. Nếu ai nhìn chằm chằm, ai chạm vào... có thể là kẻ xấu”, ông Hiếu nói.
Đề cập đến thói quen "cưng nựng", yêu thương “quá mức” của nhiều người, tiến sĩ Hiếu cho rằng nếu "cưng nựng" không đúng dễ rơi vào trường hợp đang lạm dụng trẻ.
“Trong nguyên tắc "bikini" đã xác định đụng chạm những chỗ nào là lạm dụng tình dục. Việc phân biệt có hay không lạm dụng tình dục trẻ sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố, đó là: mối quan hệ, sự hiện diện của gia đình, và vùng cưng nựng”.
Ông Hiếu giải thích: “Sẽ không phải là lạm dụng trẻ nếu như cùng lúc có mối quan hệ thân thiết, gần gũi, họ hàng với trẻ, và những vùng cưng nựng nằm ngoài vùng "bikini". Và khi cưng nựng, âu yếm trẻ phải có ba mẹ, người thân của trẻ bên cạnh. Nếu thiếu một trong ba yếu tố ấy, như: không có ba mẹ trẻ, hay "cưng nựng" "vùng kín", mông, ngực, hoặc không hề có mối quan hệ thân thiết… thì hành động "cưng nựng" ấy có thể trở thành lạm dụng, xâm hại trẻ”.
“Hóa ra tôi cũng từng lạm dụng trẻ em”
Đó là chia sẻ của không ít người lớn. Nhiều người thú thật: “Có những lúc ôm ấp mấy đứa cháu, cả nam và nữ, vì chúng dễ thương và đáng yêu quá, nên vẹo má, hôn, ôm chầm lấy và thậm chí vuốt ve khắp cơ thể. Mà quả thật là khi đó chẳng có ba mẹ cháu”.
Có người thì thừa nhận: “Nhiều khi chọc cho con trẻ vui vui, vạch quần của trẻ (nam) rồi sờ sờ vào "chỗ kín" và nói những câu bông đùa. Cứ tưởng là vui đùa, mà bây giờ mới biết hành động ấy là lạm dụng, xâm hại tình dục”.
Cũng có cả những người vô cùng bất ngờ khi bất giác nghĩ lại những câu chuyện đã qua “cũng đã từng vô tình lạm dụng tình dục trẻ” hoặc trải lòng “hóa ra tôi cũng từng lạm dụng trẻ em”… Đó có thể là vì thấy một đứa bé dễ thương, dù không quen biết, nhưng vẫn tự động bẹo má, "cưng nựng". Hay có thói quen chạm tay hoặc vỗ vào những vùng nhạy cảm…
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), người đã và đang rong ruổi khắp nơi để dạy những khóa kỹ năng sống, chống xâm hại tình dục cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa, cũng cho biết có nhiều phụ huynh sau khi nghe anh chia sẻ, hướng dẫn các kỹ năng dành cho trẻ, đã tâm sự thật là bấy lâu nay họ không biết rằng chính bản thân họ cũng đã vô tình lạm dụng hoặc có những hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Dạy cho trẻ biết nhận diện nguy cơ xâm hại
Theo tiến sĩ Hiếu, để có thể phần nào giúp con thoát khỏi những câu chuyện đau lòng như những nạn nhân trẻ em đã chịu đựng suốt thời gian qua, thì “điều tốt nhất là hạn chế tối thiểu việc để trẻ rơi vào hoàn cảnh nguy cơ. Như không để trẻ ở nhà một mình, không cho trẻ nhỏ ra đường mà không có người trông nom, không để trẻ tiếp xúc với nơi có nhiều người say rượu, kẻ xấu, người lạ, gửi trẻ cho những người mà bạn không hoàn toàn tin tưởng…
Ngoài ra, phụ huynh cần lưu tâm và cần cảnh giác, nghi ngờ khi trẻ có những biểu hiện như: trẻ sợ hãi một người hoặc một nơi đặc biệt nào đó, sợ hãi một cách không lý do khi được thăm khám cơ thể, hoặc trẻ vẽ những hình vẽ liên quan đến hành vi tình dục, trẻ bỗng dưng hiểu rõ bộ phận sinh dục người khác, trẻ bắt chước thực hiện hành vi tình dục với đứa trẻ khác…
Đối với những đứa trẻ từ 10 tuổi trở lên, tiến sĩ Hiếu khuyên phụ huynh dạy trẻ nhận diện rõ tình huống nguy cơ xâm hại. Đó là khi rơi vào những trường hợp như: bị người khác nhìn chằm chằm, nhìn “thèm thuồng”, bị bắt cởi đồ hoặc người khác cởi đồ trước mặt mình, bị cho coi hình, bị rủ xem phim không mặc quần áo, bị sờ soạng, hôn hít, vuốt ve "chỗ kín", bị ai đó khóa cửa và yêu cầu làm những hành động có liên quan đến "chỗ kín", bị ai đó dụ dỗ cho tiền để động chạm vào "chỗ kín"… Từ đó sẽ dạy trẻ cách phản ứng là từ chối thẳng, bảo rằng sẽ kể bố mẹ biết, cũng có thể bỏ chạy hoặc ẩn nấp, hay giả vờ mắc vệ sinh, đi vệ sinh rồi bỏ chạy và la to cầu cứu.
“Việc gửi con đi học kỹ năng thoát hiểm và võ tự vệ sẽ không bao giờ thừa. Đừng bao giờ nghĩ rằng con mình, em gái mình, em trai mình sẽ không bao giờ là một nạn nhân. Hãy trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ sớm nhất có thể. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, đừng vì ngại ngần chuyện này mà im lặng để rồi sự việc xảy ra làm tan nát tâm hồn con trẻ”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Quy tắc PANTS
Đây là quy tắc mà tổ chức bảo vệ trẻ em ở Anh có tên NSPCC kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình:
P - Private (Riêng tư): Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào "vùng kín" của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.
A - Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con): Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
N - No means no (Không là không): Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai.
T - Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn): Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra.
S - Speak up (Lên tiếng): Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.