Nhiều học sinh khá, giỏi tự hủy hoại bản thân

Hà Ánh
Hà Ánh
12/11/2018 18:09 GMT+7

Có tới gần 27% học sinh THCS có những hành vi tự hủy hoại bản thân. Số liệu đáng báo động này được công bố từ nghiên cứu thực tế trên 1.043 học sinh tại 7 trường THCS ở TP.HCM và Bình Dương trong 2 năm qua.

Chiều 12.11, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức họp hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ “Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh THCS và biện pháp phòng ngừa” do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM làm chủ nhiệm (cùng 9 thành viên khác).

Tập trung vào nhóm học sinh khá, giỏi

Hành vi tự hủy hoại bản thân là tự làm tổn thương thân thể của mình, làm mình bị đau đớn, mệt mỏi. Trong đó, mức độ thấp chỉ dừng ở suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng, áp lực hành vi ở mức vừa như bứt tóc, đấm, đánh, cào, cấu chính mình… Còn ở mức cao thì tự tử, tổn thương thân thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cắt tay chân nguy hiểm đến tính mạng.


Kết quả nghiên cứu cho thấy có đến hơn 3/5 mẫu khách thể học sinh THCS có hành vi bỏ bê bản thân mình, gần 2/5 học sinh có suy nghĩ bi quan về cuộc sống và gần 1/3 học sinh từng làm đau bản thân mình. Về thời điểm thực hiện hành vi này, nghiên cứu cho thấy có gần 29% học sinh thực hiện trong khoảng một năm trở lại đây; 23% thực hiện đầu năm lớp 6 và gần 37% thực hiện từ rất lâu không nhớ rõ.

Từ bảng hỏi sàng lọc, nhóm nghiên cứu cho thấy có tới gần 62% học sinh bỏ bê bản thân mình; trên 38% suy nghĩ bi quan về cuộc sống, gần 32% từng làm đau bản thân mình; gần 14% cảm thấy mệt mỏi chán nản và đôi khi không muốn tiếp tục sống... Đặc biệt có tới gần 27% học sinh có đồng thời 2 biểu hiện trong số các biểu hiện trên.

Về nguyên nhân, khảo sát cho thấy nhiều học sinh được khảo sát cho rằng không biết rõ lý do nhưng thấy cuộc sống dễ chịu hơn khi thực hiện hành hủy hoại bản thân, đây là cách quên đi những ký ức đau buồn, cảm thấy chán ghét cơ thể mình…   

Đáng chú ý, về kết quả học tập thì có tới 99 học sinh giỏi, 110 học sinh khá, 51 học sinh trung bình, 17 học sinh yếu và 3 học sinh kém. Số liệu thống kê cho thấy học sinh có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân có xu hướng tập trung ở học sinh giỏi, khá và trung bình. Về hạnh kiểm, có 168 học sinh có hạnh kiểm tốt, 50 khá, 25 trung bình, 24 yếu và 13 kém. Hoàn cảnh gia đình, học sinh đều có nét tương đồng, đa số ở mức vừa đủ sống.

Che giấu cha mẹ

Đáng chú ý, việc tiết lộ về hành vi hủy hoại bản thân của học sinh cho bạn bè chiếm tới trên 74%, trong khi cha mẹ chỉ hơn 19%, tức có trên ¾ học sinh có xu hướng chia sẻ hành vi này với bạn bè và hơn ½ có xu hướng che giấu hành vi này với cha mẹ.

Trao đổi thêm về nghiên cứu, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, cho biết học sinh ngày nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn tâm lý trong việc lựa chọn những giá trị của thời đại. Vì vậy học sinh tuổi dậy thì có những những hành động tự tổn hại, tự hành hạ mình trở thành biểu hiện đáng xem xét.

“Dù chỉ có 2 học sinh có mức độ tự hủy hoại bản thân ở mức nặng và rất nặng nhưng trong tổng số 280 học sinh có dấu hiệu này thì cho thấy tình trạng đáng báo động”, ông Sơn nói.

Nghiên cứu được thực hiện trên 1.043 học sinh tại 7 trường THCS tại TP.HCM và Bình Dương. Trong số này có 280 học sinh có dấu hiệu thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.