Nhiều áp lực trong khâu coi thi bài tổ hợp

18/03/2017 08:01 GMT+7

Hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 được Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức sáng qua (17.3) đã đặt ra khá nhiều tình huống cần đặc biệt lưu ý do những thay đổi trong kỳ thi năm nay.

Phòng ngừa rủi ro vì số lượng đề quá lớn
Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh (TS) dự thi lớn nhất nước, năm nay dự kiến có khoảng 90.000 TS đăng ký dự thi. Ông Bùi Quang Thái, Phó phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT Hà Nội, nhấn mạnh đến tác động của những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay đến công tác tổ chức thi.
Áp lực với ban in sao đề thi lớn hơn vì năm nay có tới 24 mã đề thi, mỗi một điểm thi có một túi đề thi dự phòng, nếu xảy ra lỗi trong quá trình in ấn thường gặp, chẳng hạn như một đề thi mất trang hoặc đóng gói 2 mã đề thi trùng nhau trong một phòng thi mà không chuẩn bị chu đáo thì vào thời điểm đó khó có cách xử lý.
Theo ông Thái, số TS tự do năm nay của Hà Nội tăng khoảng 10% so với các năm trước (khoảng 7.000 TS), đây cũng là áp lực vì việc tổ chức coi thi với đối tượng TS này khá phức tạp. TS tự do ngồi ở phòng thi hoặc điểm thi riêng, việc điều hành ra vào đối với điểm thi tổ chức thi cho TS tự do ở những buổi thi bài thi tổ hợp cần hết sức lưu ý. Những TS này có 6 loại phòng thi riêng. Do đó, đòi hỏi phải hướng dẫn cho cán bộ coi thi kỹ càng hơn. Điểm mới năm nay quy định rất rõ TS tự do thi để xét tốt nghiệp học theo chương trình nào thì đăng ký thi theo chương trình đó. Năm trước có hiện tượng nếu học chương trình THPT chưa đỗ tốt nghiệp, năm sau có thể đăng ký chương trình GDTX để thi, nhưng năm nay không được phép như thế.

Về đăng ký dự thi, ông Thái đặc biệt lưu ý, do khâu phổ biến của cán bộ được giao nhiệm vụ tổ chức thi không chuẩn xác nên năm 2015 xảy ra hiện tượng có hai ô: một ô xét tốt nghiệp, một ô xét ĐH mà TS chỉ tích vào ô xét ĐH. Lập tức dữ liệu bị đẩy về trường ĐH chứ không về sở GD-ĐT dẫn đến TS có dự thi nhưng không được công nhận tốt nghiệp THPT.
Băn khoăn với bài thi tổ hợp
Trao đổi bên lề với phóng viên Thanh Niên, một số ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn với khâu coi thi trong quá trình TS làm bài thi tổ hợp.
Bà Nguyễn Thị Luyến, Hiệu trưởng Trường THPT Thực nghiệm (Hà Nội), cho rằng với việc cho phép TS được chọn cả hai bài thi tổ hợp và phần mềm sẽ tự chọn bài thi tổ hợp nào có điểm cao, không phạm quy để xét tốt nghiệp, chắc chắn sẽ có nhiều TS chọn dự thi cả hai bài. Tuy nhiên, theo bà Luyến, việc thu hết giấy nháp 2 môn đầu của bài thi tổ hợp khiến TS ra khỏi phòng thi sẽ không nhớ được mình đã làm thế nào vì có tới 80 câu/2 môn. Do vậy, nếu Bộ có công bố đáp án, TS cũng không chắc chắn mình làm được như thế nào so với đáp án.
Dự kiến sẽ có nhiều TS chọn thi thêm một bài thi tổ hợp nữa để tăng cơ hội xét tuyển ĐH. Hướng dẫn quy định rõ thời gian làm bài của từng môn, ví dụ học sinh lớp 12 đã đăng ký bài thi nào là phải làm hết cả 3 môn trong bài thi tổ hợp đó chứ không được chọn như TS tự do. Tuy nhiên, theo bà Luyến, sẽ có tình huống, chẳng hạn TS chọn môn lý để xét tuyển ĐH, trong quá trình làm bài thi khoa học tự nhiên, TS đó chỉ làm nhanh chóng hai môn hóa và sinh để miễn sao không bị điểm liệt, rồi lại dành thời gian để suy nghĩ và làm bài thi môn vật lý thì giám thị coi thi cũng không thể kiểm soát được, vì cả 3 môn đều có chung một phiếu trả lời trắc nghiệm.

tin liên quan

Xét tuyển vào đại học: Chọn nguyện vọng thông minh
Còn 15 ngày nữa thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, đồng thời đăng ký xét tuyển vào ĐH. Để trúng tuyển ĐH ngành mong muốn nhất, thí sinh cần lựa chọn môn thi và ngành học hợp lý.

Ông Bùi Quang Thái lưu ý, do bài thi tổ hợp có tới 3 môn thi thành phần, giám thị coi thi phát đề 2 bài thi tổ hợp sao cho các phân môn trong bài thi này phải trùng nhau. Bản thân TS làm bài 3 môn thi thành phần trên cùng một phiếu trả lời nên TS cũng phải chú ý kiểm tra kỹ, nếu cả 3 phân môn mã đề trùng nhau thì mới làm bài. Nếu không, máy chấm sẽ không công nhận kết quả đó.
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, từ ngày 20 - 22.3, học sinh lớp 12 trên toàn TP.Hà Nội sẽ tham gia khảo sát với hình thức và môn thi, bài thi như thi thật. Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết trong đợt này, Hà Nội sẽ chia thành 16 cụm thi. Kết quả khảo sát sẽ có phân tích đánh giá số liệu gửi về các nhà trường. Từ đó, so sánh các trường trong cụm, các lớp với nhau trong trường để thêm kênh thông tin giúp các nhà trường, cha mẹ học sinh, đặc biệt các thầy cô giảng dạy thấy được chất lượng học và củng cố thêm cho học sinh của mình.

Cần thay đổi cách tập huấn cán bộ coi thi
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng tối ưu là mỗi trường THPT và trung tâm GDTX nên có một bộ phận thường trực để tuyên truyền, hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc của TS trong suốt quá trình trước và trong thời gian đăng ký dự thi, tránh những hiểu lầm, sai sót gây thiệt thòi cho các TS sau này.
Ông Độ cũng cho hay Hà Nội sẽ sớm làm việc với các trường ĐH trên địa bàn để có thể tổ chức ở các điểm thi lớn tại các trường ĐH, các trường trong một quận hoặc các quận giáp ranh có thể cùng dự thi ở một trường ĐH. “Tôi đã trao đổi với một số lãnh đạo trường ĐH, ví dụ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nếu năm nay Bộ vẫn phân công cho trường này phối hợp với Hà Nội tổ chức coi thi thì điểm thi của trường sẽ có khoảng 200 phòng thi”, ông Độ nói.
Ông Độ cũng đề nghị phải thay đổi cách phổ biến quy chế và tập huấn cho cán bộ coi thi. Nếu chỉ tập trung cán bộ coi thi, phổ biến quy chế, tưởng là ai cũng nắm được rồi, nhưng thực tế không phải như thế, nhiều người vẫn phạm quy. Do vậy, nên để cán bộ coi thi thảo luận, nêu thắc mắc cần giải đáp thay vì truyền đạt một chiều...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.