Nhân lực ngành logistics yếu kỹ năng lẫn chuyên môn

18/12/2017 00:00 GMT+7

Tại buổi tọa đàm về đào tạo nhân lực ngành logistics thuộc chương trình hỗ trợ của chính phủ Úc mới đây, các chuyên gia cho biết thị trường lao động ngành này rất rộng mở nhưng số lượng tốt nghiệp từ các trường ĐH, CĐ ra làm việc còn quá khiêm tốn.
Tuyển lao động ngành khác, đào tạo lại
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thông tin, tại TP.HCM có 74 cảng lớn nhỏ với khối lượng xuất khẩu hằng năm lên hơn 140.000 tấn, nhập khẩu 163.000 tấn với nhu cầu tuyển dụng nhân lực lĩnh vực logistics rất lớn.

tin liên quan

Nguy cơ học xong thất nghiệp
Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời năm 2014 quy định người tốt nghiệp THCS chỉ cần học 2 năm là có bằng trung cấp. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trung cấp, đối tượng này mới 17 tuổi, nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng.
“Thế nhưng tại TP.HCM hiện nay có rất ít trường ĐH, CĐ đào tạo ngành học liên quan đến lĩnh vực này, không cung cấp đủ nhân lực có chuyên môn khiến các doanh nghiệp (DN) logistics phải tuyển lao động từ nhiều ngành khác rồi về đào tạo lại”, ông Lâm cho biết.
Trong buổi ra mắt ban tư vấn đào tạo ngành logistics thuộc dự án hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp của Úc mới đây tại TP.HCM, đại diện một DN cho biết: “Ngành học logistics đang bị bỏ ngỏ về đào tạo chương trình chính quy trong giáo dục ĐH và nghề. Nhiều việc chuyên môn như giao nhận vận tải quốc tế, xếp dỡ hàng thang nâng… chưa được đào tạo trong các trường ĐH, CĐ, trung cấp”.
Theo vị này, chi phí logistics ở VN lên tới 25% GDP trong khi ở các nước khác chỉ chiếm 10 - 13%. Lý do là nhân lực trong ngành này rất yếu, đa số chưa có kỹ năng và nghiệp vụ khiến năng suất lao động thấp. “Chẳng hạn, một người lái xe lấy hàng từ cảng xuống, do kỹ năng kém, đụng xe vào cột khiến toàn bộ hàng trong kho bị đổ. Mỗi lần như vậy gây thiệt hại vài chục triệu đồng”, vị đại diện DN chia sẻ.
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc dịch vụ khác liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao (Nguồn: Theo luật Thương mại).
Ông Vũ Ninh, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Gemadept, chuyên khai thác cảng và logistics 20 năm nay, cho biết: “Mỗi lần mở cảng hoặc kho hàng mới, DN cần tuyển vài chục tới hàng trăm lao động, từ lao động trực tiếp cho tới quản lý. Chúng tôi thường tuyển sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH Hàng hải, Giao thông, Kinh tế rồi về đào tạo lại từ 3 - 6 tháng đến 1 năm tùy vị trí công việc. Lý do là vì các bạn chỉ được dạy những kiến thức tổng hợp, hàn lâm, không đủ kỹ năng để làm việc”.
Đối với lao động trực tiếp, DN của ông Ninh tuyển từ các trường nghề, thậm chí đến các khu công nghiệp để tuyển công nhân về đào tạo. “Những người giỏi thực sự khi tuyển dụng mới rất hiếm. Chúng tôi cần người giỏi tiếng Anh để đọc văn bản, giấy tờ, cần người có nghiệp vụ… Thế nhưng rất ít ứng viên đáp ứng được yêu cầu”, ông Ninh nói thêm.
Đáp ứng chỉ 3% nhu cầu
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, toàn quốc chỉ có 22 trường CĐ, trung cấp có đào tạo các ngành liên quan đến logistics trên tổng số hàng ngàn trường. Ông Minh cho hay: “Hằng năm, các trường này chỉ cung cấp khoảng gần 2.000 sinh viên tốt nghiệp trong khi nhu cầu thực tế lên tới 200.000 lao động. Tính cả các trường ĐH đào tạo thì số lượng học ngành này ra trường chỉ đáp ứng được 3%”.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN, nước ta hiện có khoảng 3.000 DN đang hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, với nhiều loại hình như vận tải và đại lý vận tải, cho thuê kho bãi, xếp dỡ tại cảng, khai báo hải quan, dịch vụ xuất nhập khẩu...
Bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, cho biết trước tình hình này, năm 2018 trường sẽ bắt đầu mở ngành học liên quan đến logistics. Hàng loạt các trường CĐ khác như Công nghệ Thủ Đức, Kinh tế TP.HCM, Kinh tế đối ngoại… cũng dự kiến mở thêm nhiều chuyên ngành liên quan, kết nối với DN để cùng đào tạo nhân lực cho lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ này.

tin liên quan

Nhờ các chuyên gia tư vấn về phát triển nhân lực
Ngày 18.10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên thường trực hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, đã chủ trì một hội nghị chuyên đề tư vấn về phát triển nhân lực. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.