Nhà nghèo “bị” lãng phí

04/01/2007 23:08 GMT+7

Chúng tôi tìm đến Trường THCS Quang Trung, huyện Bù Đăng, Bình Phước nhưng phải đợi đến chiều mới có thể tiếp cận được thầy cô giáo và học sinh bởi đây là trường thuộc dạng "3 trong 1".

Trường có tổng cộng 12 phòng, trong đó 2 phòng dành cho các cháu mẫu giáo. Còn lại buổi sáng dành cho học sinh tiểu học và buổi chiều phục vụ học sinh cấp 2. Trường còn được xếp vào hàng "4 không": không phòng chức năng, không thư viện, không phòng thiết bị, không phòng bộ môn.

Không riêng Trường THCS Quang Trung mà còn rất nhiều trường khác trên địa bàn tỉnh tồn tại tình trạng thiếu các phòng học chức năng. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nên khi các thiết bị dạy học hiện đại được cấp về, thay vì vui mừng, lãnh đạo nhiều trường lại đau đầu khi phải suy nghĩ tính toán, dồn phòng học như thế nào cho phù hợp cũng như tìm kho chứa thiết bị.

Trong dự toán vốn chương trình mục tiêu năm học 2005 - 2006 của tỉnh, số tiền ấn định chi 10.755.697.000 đồng mua sắm thiết bị đáp ứng việc đổi mới giáo dục phổ thông và năm nay dự kiến số tiền còn tăng. Thiết bị được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là rất lớn song do không có kho bảo quản nên hiệu quả sử dụng thì ngược lại.

Đến Trường THCS Đồng Tâm, huyện Đồng Phú chúng tôi thật khó tin rằng những thiết bị trị giá hàng tỉ đồng chất chồng lẫn lộn trong những gian phòng chật hẹp hoàn toàn không có chế độ bảo quản, nhất là đối với các hóa chất dùng để thí nghiệm.

Đó cũng chính là trăn trở của giáo viên đứng lớp khi không thể lý giải cho học sinh hiểu vì sao thực hành lại trái với lý thuyết. Ngay thí nghiệm đơn giản như quỳ tím khi cho vào dung dịch axit sulfurich sẽ chuyển sang màu hồng. Thế nhưng khi tiến hành lại không xảy ra phản ứng. Thầy B.V.S, giáo viên môn Hóa học Trường THCS Đồng Tâm bức xúc: "Theo chương trình đổi mới thì học trò chủ động thực hành, giáo viên chỉ giám sát. Nhưng do không có phòng chức năng nên giáo viên phải đứng ngay tại lớp làm thí nghiệm. Học sinh chỉ được xem, giáo viên không thể tổ chức phân nhóm tiến hành thí nghiệm. Hơn nữa một số các thí nghiệm dùng đến hóa chất đòi hỏi phải có môi trường điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm... thích hợp mới có thể cho ra phản ứng đúng. Mà điều kiện ở đây thì giáo viên cũng đành... bó tay".

Nếu như ở các trường THCS gặp khó khăn trong công tác giảng dạy trước thiết bị mới và điều kiện cơ sở vật chất thì ngay tại các trường tiểu học nghịch lý xảy ra khi không có giáo viên chuyên môn giảng dạy trên thiết bị. Cụ thể là ở bộ môn âm nhạc.

Vào đầu năm học các trường tiểu học được cấp đủ thiết bị âm nhạc mới. Tuy nhiên số giáo viên chuyên nhạc họa lại khá hiếm hoi. Những chiếc đàn organ hiện đại có giá tính từ tiền triệu trở lên khi cấp về luôn được yên vị trong góc phòng, thậm chí có cái còn chưa bóc bao bì bởi một lý do đơn giản là không có giáo viên biết sử dụng. "Sở với Phòng Giáo dục cấp thì mình cứ nhận, đợi sau này chuyên môn hóa thôi" - cô Đ.T.M, giáo viên thư viện thiết bị Trường tiểu học Tân Hưng, Đồng Phú cho biết.

Nhà giáo Ưu tú Huỳnh Công Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Phước, tâm sự: "Đây là tình hình chung của các tỉnh còn khó khăn trên toàn quốc chứ không riêng Bình Phước. Chủ trương đổi mới là của Bộ đưa xuống nên chúng tôi cố gắng khắc phục từng bước. Đây cũng chỉ là biện pháp tình thế".

Chung quy câu trả lời cho sự đầu tư không đồng bộ thiết bị và cơ sở vật chất là do tỉnh còn nghèo. Đó là thực tế không thể phủ nhận đối với một tỉnh có cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội còn thấp như Bình Phước. Song không vì thế mà chúng ta chấp nhận sự lãng phí như trên.

Khánh Diễm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.