Nguy cơ trường đại học uy tín không thể trở thành đại học

Theo dự thảo nghị định thì hiện nay các cơ sở giáo dục ĐH tại VN được phân thành 3 loại: ĐH, trường ĐH và học viện. Các cơ sở này cần xác định tên của mình bằng tiếng Anh ghi trong quyết định thành lập.

Vậy các từ “đại học”, “trường đại học” khi dịch ra tiếng Anh thì sẽ được dịch như thế nào để phân biệt, hay là không cần phân biệt? Hiện có thực trạng Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, khi dịch sang tiếng Anh thành Hanoi University of Natural Sciences, Vietnam National University. Như vậy có “university” trong “university”?

Quy định chuyển từ trường ĐH lên ĐH trong điều 4 yêu cầu một trường ĐH để có thể xem xét chuyển thành ĐH cần có 5 trường thuộc ĐH. Sau khi trường ĐH trở thành ĐH thì các trường này có tự động trở thành trường ĐH không? Tên tiếng Anh của các trường này là gì?
Cũng liên quan đến điều 4, nếu như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một trong 2 trường có thứ hạng quốc tế cao nhất của VN, muốn trở thành ĐH thì không thể được, vì trong Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ có các viện... Vậy có nên mở rộng yêu cầu “trường” thành “trường và viện” không?
Điều 9, khoản 1 ghi “Cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu được tổ chức và hoạt động phù hợp với sứ mệnh và tầm nhìn”. Sứ mệnh nào? Tầm nhìn của ai? Cũng điều này, khoản 1, mục a yêu cầu trường muốn được công nhận là ĐH có định hướng nghiên cứu phải cấp tối thiểu 20 bằng tiến sĩ 1 năm. Lỡ năm đó trường cấp thiếu bằng so với con số này vì nhiều lý do khách quan thì sao? Vì thế nên để thành 3 hoặc 5 năm (cấp tương ứng 60 hoặc 100 bằng tiến sĩ).
Với yêu cầu ở mục c, “công bố tối thiểu 100 bài báo ISI/Scopus/năm trong toàn cơ sở giáo dục ĐH và đạt tỷ lệ trung bình 0,3 bài/năm/giảng viên trong 3 năm gần nhất, không rõ Bộ có thông tin khoảng bao nhiêu trường ĐH đáp ứng được tiêu chí này? Hiện nay có thực trạng một số trường ĐH tính thành tích nghiên cứu thông qua công bố quốc tế của một số nhà khoa học không hề thực hiện công tác giảng dạy, nghiên cứu tại trường (nhưng trong công bố có ghi địa chỉ của trường). Nội dung điều 9 rất quan trọng vì nó sẽ góp phần định hình sự phát triển của các trường ĐH. Bộ đưa ra tiêu chí thì các trường khắc sẽ phải lao theo để còn cạnh tranh. Trong quản lý vĩ mô một vài chi tiết tưởng là nhỏ nhưng có thể gây ra những tác động to lớn không lường hết được, cho nên việc đưa ra các tiêu chí để đánh giá là phải sức cân nhắc.
Điều 12, khoản 1, mục c quy định cơ sở giáo dục ĐH được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về tài chính, tài sản và các chính sách khác phù hợp quy định của pháp luật. Vậy, định mức thu học phí có thuộc quy định nội bộ về tài chính không? Nếu có thì được thể hiện ở văn bản nào? Ai quy định định mức này?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.