Đừng để thầy cô phải canh cánh nỗi lo bị cắt hợp đồng

08/08/2018 15:30 GMT+7

Năm nào cũng vậy, cứ gần bước vào năm học mới thì dư luận lại xót xa khi thấy một số địa phương có kế hoạch cắt hợp đồng với hàng loạt giáo viên.

Năm nay cũng vậy, một số địa phương như Hà Nội, Cà Mau… đã có kế hoạch cắt hợp đồng giáo viên. Hàng trăm giáo viên trong một địa phương lại có nguy cơ bị mất việc. Nỗi đau này cứ tiếp diễn từ năm này sang năm khác, thân phận những giáo viên hợp đồng chưa bao giờ hết bấp bênh.
Từ lâu, trong các nguồn lực để phát triển đất nước thì chúng ta đều biết nguồn lực con người vô cùng quan trọng. Và giáo dục cũng được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu. Nhưng cứ nhìn vào cách mà một vài địa phương đối xử với đội ngũ thầy cô giáo - những người đang trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước - mà cám cảnh cho hình ảnh người thầy hiện nay.

Những người thầy đang cống hiến, giảng dạy ở Thanh Oai (Hà Nội) cũng đang rơi vào tình cảnh “rơi tự do” không biết bấu víu vào đâu để tồn tại với nghề. Có những thầy cô đã có hàng chục năm công tác, thậm chí hơn 20 năm công tác, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho ngành giáo dục mà giờ đây cũng rơi vào cảnh bị chấm dứt hợp đồng.
Không chỉ ở thủ đô, những ngày qua Cà Mau cũng đang rộ lên thông tin 1.405 giáo viên bị cắt hợp đồng. Nếu ai đã từng đến với vùng đất này sẽ hiểu hơn hoàn cảnh sống của những người thầy. Giữa vùng sông nước mênh mông, việc đi lại giữa các điểm trường còn vô cùng khó khăn, nhiều phụ huynh, học sinh còn chưa mặn mà với việc đến trường để tìm con chữ. Ở đây, khi mà tỷ lệ học sinh bỏ học cao. Nhưng, chính những giáo viên đang gánh trên mình một sứ mệnh “trồng người” đã đến từng nhà vận động các học sinh đến trường...
Tuổi xuân của họ đã đi qua, những thầy cô hăm hở ngày nào giờ đây phần nhiều đã trên dưới 40 tuổi, cái tuổi lỡ cỡ để làm lại hoặc tìm một nghề mới. Và bằng tình yêu nghề, mến trẻ, họ đã ở lại với ngành trong những tháng năm khó khăn nhất. Nhưng, rồi họ - những người thầy đã đến với ngành giáo dục trong những lúc khó khăn thuở trước - đã được đối xử thực sự công bằng hay chưa?

Tất nhiên, khi lãnh đạo địa phương đưa ra một công văn, kế hoạch để tinh giản, cắt hợp đồng giáo viên thì bao giờ họ cũng tìm ra những lý lẽ thuyết phục nhất. Họ bám vào chính sách, chủ trương hiện hành để thực hiện thì dĩ nhiên là quá đúng rồi. Nhưng, cái đúng của họ có thể bắt nguồn từ cái sai của những người tiền nhiệm, thậm chí là cái sai của chính họ.
Trong các kế hoạch phát triển ngành, địa phương thì bao giờ cũng có những kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và kế hoạch chiến lược. Có nghĩa là tầm nhìn 5 năm, 10 năm… cho ngành, cho địa phương mình. Thế nhưng, chỉ vì cái lợi trước mắt hoặc vì ràng buộc bởi nhiều nguyên nhân như sự gửi gắm của cấp trên hay những người thân quen của mình để tuyển dụng, ký hợp đồng với giáo viên. Chính vì sự dễ dãi, ràng buộc đó mà dẫn đến tình trạng dư thừa giáo viên, ngân sách nhà nước không kham nổi. Tất cả những sai trái đó, những tréo ngoe đó được đổ hết lên đầu giáo viên hợp đồng...
Bao giờ hết tình cảnh giáo viên bị cắt hợp đồng trước thềm năm học mới? Chắc chắn dư luận sẽ còn phải chứng kiến nhiều sự việc tương tự xảy ra trong những năm tới. Và, cứ đà này thì ngành giáo dục làm sao để thu hút những học sinh khá giỏi thi và học ngành sư phạm...
Mời tham gia cộng tác chuyên mục 'Người thầy' trên Báo Thanh Niên
Độc giả thân mến! Người thầy có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của một nền giáo dục và từng cá nhân nói riêng. Nhiều vấn đề trong giáo dục ngày nay rất cần sự tiếng nói đóng góp của các giáo viên.
Dù ở vị trí nào, dù còn đi dạy hay đã về hưu, với những trải nghiệm của mình trong cuộc đời đi dạy, các thầy cô có thể góp thêm tiếng nói để nền giáo dục ngày càng tốt hơn; để học sinh được dạy dỗ, yêu thương và phát triển nên người.
Từ đó, Báo Thanh Niên mở chuyên mục Người thầy trên Thanh Niên Online địa chỉ thanhnien.vn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự cộng tác, hỗ trợ của các thầy cô và bạn đọc khắp mọi miền cho chuyên mục này.
Bài viết xin quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Bài sẽ đăng trên báo in hoặc trên website của Báo Thanh Niên.
Các bài viết được đăng tải trên mục Thanh niên - Giáo dục của báo in và Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.