Người thầy có 8 năm là Nhà giáo trẻ tiêu biểu

Lê Thanh
Lê Thanh
17/11/2018 10:02 GMT+7

Làm thế nào để sinh viên cảm thấy thích thú và đam mê với những tiết học luôn là nỗi trăn trở của thầy Huỳnh Phẩm Dũng Phát (34 tuổi), giảng viên bộ môn địa lý kinh tế - xã hội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; người đã có 8 năm đạt danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu của Thành đoàn TP.HCM.

Chính từ những trăn trở ấy, thầy Phát đã có những phương pháp tiếp cận sinh viên (SV) trong giảng dạy để giúp SV thấy thú vị khi học tập. “Tâm lý của SV phần lớn không thích nghe những kiến thức khô khan, khó tiếp thu. Khi dạy, có những hình ảnh minh họa, chứng minh cho những điều mình giảng thì mới thuyết phục và gây được sự thích thú cho các em”, thầy Phát chia sẻ.
“Thông thường một buổi lên lớp của mình, thầy và học trò sẽ cùng nhau tìm hiểu, không bao giờ mình dạy SV một chiều theo kiểu thầy nói, trò nghe mà mình luôn khuyến khích thầy nói, SV phản biện lại. Cho nên, trong giờ lên lớp mình chỉ đóng vai trò người định hướng giúp SV tiếp cận vấn đề. Nói chung khi SV học với mình, các bạn phải thật sự động não khá nhiều nhưng bù lại các bạn sẽ hiểu vấn đề rất sâu và tường tận”, thầy Phát nói.
Không chỉ có cách dạy sinh động mà liên tục từ năm 2010 đến nay, thầy Phát đã có nhiều sáng kiến trong giảng dạy. Một trong những sáng kiến ấy là áp dụng infographic vào giảng dạy và học tập môn địa lý một cách hiệu quả.
“Người học sẽ theo các dòng dữ liệu thông tin từ trên xuống dưới được thiết kế logic trong một hình ảnh có kích thước lớn. Infographic có điểm khác biệt so với các công cụ trình chiếu trực quan khác là cho phép chúng ta thể hiện các thông tin hình ảnh trên cùng một bức ảnh, do đó giáo viên hoàn toàn có thể hệ thống lại kiến thức cho SV”, thầy Phát nói.
Ngoài việc đổi mới phương pháp giảng dạy, thầy Phát còn nổi tiếng với việc tham gia nghiên cứu các đề tài góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cụ thể, trong năm 2017, thầy đã có đề tài nghiên cứu về Thực trạng và giải pháp phát triển nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau. “Mình đã tổng kết lại bức tranh về mức độ hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới ở Cà Mau có 5 vấn đề còn tồn tại trong quá trình phát triển nông thôn mới, đó là: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, văn hóa và môi trường. Từ đó, mình đề xuất cần tập trung cho các tiêu chí này, tránh đầu tư quá dàn trải”, thầy Phát chia sẻ.
Trong đó, giao thông nông thôn là rào cản cần phải tháo gỡ. “Mình đề xuất đầu tiên cần thay đổi tư duy về việc xây dựng đường giao thông. Phải chú trọng độ rộng đường, tính đến tầm nhìn xa sẽ có xe tải di chuyển được dễ dàng chứ không chỉ làm đường dành cho bà con sử dụng xe máy là chính. Bởi một khi có vùng kinh tế nào đó phát triển sản xuất mà đường sá chật hẹp sẽ là rào cản cho việc lưu thông hàng hóa. Khi hàng hóa không được lưu thông thì kinh tế làm sao phát triển tốt được”, thầy Phát đặt vấn đề.
Chính vì vậy, thầy Phát hiến kế: “Nhà nước cần xem xét vào đặc thù địa lý của từng vùng, không chỉ có phát triển đường bộ mà còn quan tâm đến việc phát triển các điểm nút giao thông, kết nối giao thông thủy - bộ giúp cho kinh tế địa phương phát triển”.
Nông thôn còn đối diện với khó khăn về trường học nên thầy Phát cho rằng cần có một chiến lược đầu tư trọng điểm. “Nếu cứ đầu tư cho giáo dục theo kiểu phân bổ đều sẽ rất khó cho việc phát triển được các trường chuẩn. Chính vì vậy, cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, đảm bảo cho trẻ vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn. Đây là nền tảng cho việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương trong tương lai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.