Người phụ nữ 23 năm 'đứng sau' mỗi bữa ăn của trẻ mầm non

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
19/11/2020 18:05 GMT+7

Đang đảo nồi thịt, lâu lâu lại ngó nồi đậu Hà Lan hầm, rồi lại quay sang ghi chép số lượng thức ăn... là hình ảnh quen thuộc của bà Nguyễn Kim Thúy, người 23 năm nấu những bữa ăn cho trẻ mầm non.

23 năm chăm từng bữa ăn của trẻ

Mới 6 giờ sáng, khi bên ngoài còn se lạnh thì trong khu nhà bếp của Trường mầm non Trúc Đào (Q.Bình Tân, TP.HCM) hơi nóng bốc lên hừng hực, tiếng kêu ù ù của hệ thống quạt thông gió, khiến cho không gian trở nên ồn ào hơn. Nếu người ngoài bước vào chỉ dăm ba phút đã thấy khó chịu nhưng đây chính là nơi làm việc của bà Nguyễn Kim Thúy (56 tuổi, ngụ Q.Bình Tân).
Khuôn mặt được bịt kín với chiếc khẩu trang, đầu đội chiếc mũ vải để giữ gọn mái tóc, bà Thúy vẫn luôn tay đảo đều nồi thịt bò xay để thịt được chín đều và phần phía dưới không bị khê cháy. Hôm nay bà nấu thịt bò hầm với đậu Hà Lan cho lũ trẻ.
“Tôi làm nghề đã hơn mấy chục năm nay, công việc là làm đầu bếp nấu ăn trong trường mầm non nên đã quen với hơi nóng và tiếng ồn này”, bà Thúy mở đầu câu chuyện về mình.
Học trung cấp nấu ăn ra, cách đây 23 năm, bà Thúy được nhận vào làm bếp chính cho Trường mầm non Tuổi Thơ 5, sau này trường đổi thành mầm non Phong Lan. Bốn năm trước khi trường này tiếp tục đổi thành trường mới là mầm non Trúc Đào và chuyển về vị trí mới, bà lại lần nữa đi theo trường, về đây làm việc. Qua nhiều năm, trường nhiều lần đổi tên, chuyển vị trí nhưng bà Thúy vẫn là “linh hồn” của khu nhà bếp vì gắn bó từ đó tới nay.

Nhiều lúc, các con ăn xong bíu tay lại nói ‘cô ơi, bữa nay cô nấu ngon quá cô ơi’ với giọng rất dễ thương, chân thật khiến mình vui và hạnh phúc lắm. Thỉnh thoảng, cũng có phụ huynh xuống tận phòng bếp hoặc tìm tới nhà để hỏi cách nấu món này, món kia vì nghe con về nhà khen món cô trên trường nấu ngon, công việc đôi khi chỉ cần vậy thôi

Nhiều người nghĩ rằng việc nấu ăn là công việc tay chân, đơn giản nhưng với bà Thúy việc nấu cho trẻ mầm non ăn yêu cầu đòi hỏi rất cao và không ít áp lực, chỉ thật sự yêu và “chịu” được công việc này mới có thể gắn bó lâu dài và được các trường tin tưởng. Nấu cho trẻ ăn, không chỉ phải ngon, bắt mắt mà còn phải biết tâm lý cũng như khả năng nhai ở từng độ tuổi để chế biến phù hợp.
“Mà áp lực lớn nhất với công việc này chính là đảm bảo an toàn mỗi bữa ăn. Điều này nghe đơn giản nhưng không dễ chút nào, vì mỗi bữa ăn có hàng trăm trẻ, chỉ cần các con bị đau bụng, tiêu chảy hay thậm chí bị táo bón… thì đầu bếp sẽ là người đầu tiên chịu trách nhiệm, chưa kể việc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và niềm tin của phụ huynh cũng như uy tín của trường nữa. Nên mỗi ngày, khi bắt đầu công việc tôi luôn dành hết tâm sức của mình cho mỗi bữa ăn”, bà Thúy tâm sự.

Bà Thúy ghi lên bảng số lượng thức ăn của mỗi lớp để chia phần theo chuẩn số lượng

Nguyễn Loan

Để làm được điều này, bà Thúy phải nắm được đặc tính của từng loại thực phẩm, loại nào mềm dễ chín thì nấu khác, loại nào có thể gây dị ứng hay tiêu chảy thì phải chế biến kỹ, nhóm thực phẩm nào trẻ thích ăn… Bà cũng phân chia cách nấu khác nhau cho trẻ ở từng nhóm tuổi. Cùng một nồi hấp cơm, nhưng với nhóm nhà trẻ bà cho nhiều nước vào gạo để các con có cơm nát ăn, nhóm lớn hơn chút thì bớt nước lại để có độ mềm vừa phải. Tương tự, thức ăn cũng vậy, với trẻ nhỏ bà nấu mềm và nhuyễn hơn so với trẻ lớn. Với một số trẻ bị dị ứng với bất kỳ thực phẩm nào đó bà cũng đều phải ghi nhớ, nếu trong ngày trường có thực đơn món đó thì ngoài suất ăn chung bà Thúy sẽ nấu một món khác cho những em bị dị ứng.

“Cô ơi cô bữa nay cô nấu ngon quá”

Kể về công việc của mình bà Thúy cho biết từ khi gắn bó với nhà bếp trong trường mầm non cũng có không ít chuyện vui buồn. Bà nhớ lại, thời mới vào nghề có khi nấu chè đậu xanh cho trẻ nhưng lại quên bỏ đường… Khi thấy tụi nhỏ nhăn mặt chê chè nhạt, nếm thử bà mới nhớ ra. Cũng thỉnh thoảng có lúc nhầm món này sang món kia, nhưng sau hàng chục năm bây giờ chỉ cần nghe đến tên món ăn là bà đã đếm ngay được chính xác đến số phút, thậm chí là số giây để hoàn thành món ăn đó.
Dù vậy, với mỗi ngày phải thay đổi thực đơn liên tục, bà cho biết ngoài đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm thì cũng phải tính toán thời gian nấu phù hợp. Khoảng 10 giờ 15 phút mỗi ngày, trẻ bắt đầu ăn thì 9 giờ 30 phút mọi thứ đã phải nấu xong, sau đó sẽ phân chia về các lớp. Theo bà, bữa ăn không được nấu xong sớm vì sẽ làm thức ăn nguội nhưng cũng không được nấu sát giờ ăn vì quá nóng khiến các em không ăn được.
“Nhiều lúc, các con ăn xong bíu tay lại nói ‘cô ơi, bữa nay cô nấu ngon quá cô ơi’ với giọng rất dễ thương, chân thật khiến mình vui và hạnh phúc lắm. Thỉnh thoảng, cũng có phụ huynh xuống tận phòng bếp hoặc tìm tới nhà để hỏi cách nấu món này, món kia vì nghe con về nhà khen món cô trên trường nấu ngon, công việc đôi khi chỉ cần vậy thôi”, bà Thuý nói và cho biết niềm vui của bà chính là khi nhìn vào khay đựng sau giờ ăn thấy học sinh ăn hết phần ăn của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.