Người mẹ bồng con lên giảng đường: Câu chuyện sau tấm bằng thạc sĩ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
30/11/2020 08:09 GMT+7

Trên ghế, chị Chi ngồi nghe giảng. Bên cạnh, Thắng, con trai 4 tuổi viết, vẽ tranh trên tờ giấy. Khi nào mệt quá, em nói khẽ vào tai mẹ. Thế là mấy phút sau, em đã gối đầu lên đùi mẹ ngủ một giấc ngon lành.

Ngày 17.11 vừa qua là ngày không thể nào quên với chị Phạm Thị Lê Chi (41 tuổi) đang làm việc tại Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP.HCM) khi nhận tấm bằng thạc sĩ tâm lý học. Để có nó, 4 năm trước, chị bồng bế con trai ròng rã hơn 1 năm trời để lên giảng đường học tập và thi cử.

Tấm áo mưa ở hành lang

Chị Chi quê ở H.Di Linh (Lâm Đồng), tốt nghiệp ngành tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trải qua nhiều khó khăn, thử sức ở nhiều công việc khác nhau, có thời gian về quê đi dạy học, mở quán cà phê… chị được vào làm việc tại Trường CĐ Lý Tự Trọng. Vì hoàn cảnh, một mình chị Chi nuôi con. Không muốn phiền tới cha mẹ đã già yếu ở quê, em bé được 3 tháng rưỡi, mỗi sáng, chị Chi bế con đi gửi bà giữ trẻ trong xóm rồi tất tả đi làm.
Năm 2016, chị trúng tuyển hệ cao học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, học vào các ngày thứ sáu, bảy, chủ nhật, lúc đó con trai chị mới 4 tuổi. Trường mẫu giáo không giữ cuối tuần, gửi ngoài lại tốn kém thêm một khoản tiền nên chị Chi đành dắt, bồng con lên giảng đường, học cùng mẹ. “Trước giờ học, tôi lên xin phép thầy cô để mọi người thông cảm”, chị Chi nhớ lại.
Là đứa trẻ sớm hiểu chuyện, Thắng rất nghe lời mẹ, trong lớp chưa bao giờ cậu bé 4 tuổi chạy nhảy lung tung hay nói lớn, la hét. Khi mẹ ngồi nghe giảng, viết bài, con cũng lôi tập vở ra vẽ hoặc món đồ nào đó ra, tự chơi. Ngồi chán trên ghế, cậu chui xuống gầm bàn, cạnh chân mẹ. Thi thoảng, thấy thầy cô giảng tới chuyện gì lạ quá, cậu thầm thì vào tai mẹ: “Tại sao hả mẹ? Thầy nói thế nghĩa là gì?”. Mẹ ra dấu im lặng, Thắng lại như con mèo con, chơi tiếp phần của mình.
Lúc chị Chi làm bài thi, Thắng ở ngoài hành lang, nhớ lời mẹ dặn nên không dám chạy đi đâu xa, cứ thập thò nhìn qua cửa kính xem mẹ đã viết xong chưa. Thấy mẹ quay ra cười một cái, cậu mới yên tâm đi chỗ khác.
"Lúc nào đi học tôi cũng mang theo cũng có chiếc áo mưa. Giờ trưa, sau khi ăn gì đó ở căn tin xong, phòng học đã đóng hết cửa rồi, hai mẹ con tìm hành lang nào vắng nhất, trải tấm áo mưa xuống nằm nghỉ lưng, chiều học tiếp. Có những ngày con sốt mà tôi không thể nghỉ học được, đành bồng con, mang theo cả thuốc. Con nằm ngủ bên cạnh, mẹ ngồi ghi chép bài”, chị Chi nhớ lại, mắt loang loáng nước.
Người mẹ bồng con lên giảng đường: Câu chuyện sau tấm bằng thạc sĩ1

Lễ bảo vệ luận văn thạc sĩ của chị Chi

ẢNH: LONG NGUYỄN

Viên đá quý của người mẹ

Hai mẹ con chị Chi ở trọ trong gian nhà nhỏ xíu trên đường Nguyễn Thanh Tuyền, Q.Tân Bình (TP.HCM). Để trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở thành thị, 5 năm nay chị Chi có thêm nghề bán trái cây trên mạng. Quê nhà ở H.Di Linh, có nhiều món ngon như chanh dây ngọt, khoai lang mật, bơ…, hàng theo xe xuống tận chợ Tân Bình. 5 giờ sáng, khi con còn ngủ, chị Chi lặng lẽ khóa cửa rồi một mình chở những thùng hàng nặng trĩu về. Tối muộn, chị ngồi trả lời khách, chia bịch nào mít, bịch nào xoài để ngày mai kịp giao đi…
Vất vả cùng mẹ cũng thành quen, Thắng dễ ăn, dễ ngủ, nhiều khi trên đường đi học với mẹ, Thắng đứng trước xe máy mà ngủ luôn. Chị Chi tấp xe lại lề đường, ôm con trong vòng tay, cho con ngủ thêm một lúc rồi mới tiếp tục hành trình.
Thắng ở nhà được mẹ gọi là Ruby, năm nay 8 tuổi, vào lớp 3. Em bé nào cũng là một viên đá quý khổng lồ của người mẹ, nhưng với chị Chi thì viên đá ấy hơn cả khổng lồ một chút.
“Tôi sẽ không thể làm được những gì như hôm nay nếu không có con trai. Ngày đó, cứ cuối tuần, Ruby không được ở nhà dù trong tuần đã đi học suốt, con hỏi tôi mẹ ơi tại sao chúng ta cứ phải học nhiều như thế. Tôi luôn tin là từ những lời giải thích của tôi, hành trình hai mẹ con đã đi qua, Ruby đã hiểu được giá trị của việc dành tâm sức và thời gian cho việc học quan trọng như thế nào”, chị Chi bộc bạch.
Chị Chi đang làm việc tại Phòng Thanh tra giáo dục - công tác sinh viên (Trường CĐ Lý Tự Trọng, TP.HCM). Con đường mình đã nỗ lực làm sao để có được tấm bằng thạc sĩ trở thành lời động viên chân thực nhất cho một số em học sinh trường chị, khi vì một vài khó khăn có em đã muốn nghỉ học. Chi thấy, điều chị cố gắng theo đuổi không phải những tấm bằng mà là tinh thần ham thích học hỏi, và dù trong hoàn cảnh như thế nào cũng không cho phép mình bỏ cuộc.
Truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, người thầy hướng dẫn chị Chi làm luận văn thạc sĩ, kể với PV Thanh Niên những sự ngưỡng mộ với người học trò đặc biệt của mình.
Nói đặc biệt, bởi chị Chi cũng là người bạn thời sinh viên cùng lớp trong Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trước đây. Tiến sĩ Long và những người bạn khác đã chứng kiến chị Chi mạnh mẽ vượt qua khó khăn của người mẹ đơn thân, vừa làm việc, đi bán trái cây, nuôi dạy chăm sóc con và cùng con 1 năm trời đến giảng đường học cao học, sau đó làm nghiên cứu và mang được về tấm bằng thạc sĩ.
Hành trình cảm động về tình mẫu tử trên giảng đường, không bao giờ từ bỏ việc học của một người mẹ, theo tiến sĩ Long, là những câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.