'Người lái đò' đi tìm... khách

Mạnh Cường
Mạnh Cường
20/11/2019 08:37 GMT+7

Trên đỉnh núi Ngọc Linh, nơi bản làng quanh năm mây phủ, có những thầy cô giáo bền bỉ bám bản, bám trường 'gieo chữ'. Để mang kiến thức đến cho học trò, các thầy cô đã phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ.

Gần 2 giờ đồng hồ “đánh vật” với con đường đất đỏ sau cơn mưa những ngày giữa tháng 11, chúng tôi mới đến được làng Khe Chữ (xã Trà Vân, H.Nam Trà My, Quảng Nam). Hiện ra trước mắt là hàng chục căn nhà thưng ván gỗ, lợp tôn nhỏ bé san sát nhau nép mình vào dãy núi Trường Sơn. Hòa mình vào bức tranh vẽ nên bản làng Khe Chữ là sự hiện diện của điểm trường Khe Chữ, nơi các cô giáo “cắm bản” đang lặng lẽ từng ngày ươm mầm kiến thức cho con em đồng bào.
Cô Võ Thị Kinh (42 tuổi, ở H.Tiên Phước, Quảng Nam), giáo viên dạy lớp ghép 1 và 2 tại điểm trường này, cho biết năm 2001 tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cô xung phong lên xã Trà Vân giảng dạy. Thời gian đầu lên dạy, đường xa cách trở, đôi lúc cô phải dạy nguyên một học kỳ mới được về thăm nhà. Thời đó, hành trang cô mang theo ngoài kiến thức là khoảng 30 - 40 kg thực phẩm cõng trên vai để phục vụ cho khoảng thời gian dài bám bản “gieo chữ”.

Cô Võ Thị Kinh hướng dẫn học trò viết chữ

Mạnh Cường

Gần 30 năm gắn bó với nghiệp “gõ đầu trẻ”, cô Nguyễn Thị Hoạt (53 tuổi, ở xã Trà Dương, H.Bắc Trà My, Quảng Nam) đã ngược ngàn băng rừng vào bản, đến tận những ngôi làng nằm heo hút trên đỉnh núi Ngọc Linh. Cô Hoạt không nhớ mình đã đến bao nhiêu ngôi làng, vào thăm gặp bao nhiêu gia đình, chỉ biết những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn vì thôn bản của người Xê Đăng nằm mãi trong rừng sâu, đường vào toàn sườn dốc, sỏi đá, thời ấy không điện thoại, không xe máy. Từ trung tâm huyện phải đi bộ mất 3 ngày đường mới đến được bản làng nơi mình đứng lớp.
Trong trí nhớ của cô Hoạt, lần đầu lên tới điểm trường tại nóc Tu Gia (xã Trà Tập), chỉ thấy một túp lều liêu xiêu. Để có chỗ cho các em ngồi học, cô đã vận động người dân chặt tre nứa đan vách phên, rồi che chắn xung quanh và tạm gọi là lớp học. Khi lớp đã có, đến lượt cô... đi tìm học trò. “Đời sống đồng bào chủ yếu dựa vào nương ngô, rẫy sắn nên còn thiếu thốn. Cứ vào ngày mùa học sinh lại theo cha mẹ lên rẫy, vì vậy để “bắt” trò ra lớp là điều vô cùng khó khăn”, cô Hoạt cho biết.
Vậy nhưng cô Hoạt cuối cùng vẫn thuyết phục được các phụ huynh. Còn các cháu bé cũng bắt đầu tin và yêu con chữ. Theo cô, thời kỳ trước hay kể cả bây giờ cũng vậy, vào dịp cuối tuần khi các em về nhà, nhiều em lại không chịu ra lớp, thầy cô lại lặn lội đến từng nhà vận động. “Phải tìm mọi cách vận động để học sinh quay lại lớp, nhất là đối với học sinh nữ. Học sinh nữ nếu ở nhà lâu sẽ bị ép lấy chồng, khi đó cơ hội học hành coi như chấm hết”, cô Hoạt kể.
Theo cô Hoạt, đến nhà vận động cũng phải tìm đủ cách để đưa học sinh ra trường luôn, nếu nghe lời phụ huynh bảo “vài ngày nữa cho con xuống trường”, thế nào cũng mất hút, thầy cô lại phải lặn lội cả ngày đường đến nhà lần nữa. Đã thế, nhiều phụ huynh không hợp tác, học sinh không muốn đi học nên cứ thấy bóng thầy cô là bỏ trốn. Biết không thể nóng vội, liên tiếp 2 - 3 ngày ăn ngủ cùng bà con, cuối cùng sự kiên trì cũng mang lại kết quả. Ngày học sinh xuống trường, những mệt mỏi của thầy cô dường như tan biến.
Cha, mẹ chết không kịp về nhìn mặt !
Có lẽ điều khiến chúng tôi đau đáu nhất là câu chuyện của thầy Nguyễn Văn Bá (56 tuổi, ở xã Bình Nguyên, H.Thăng Bình, Quảng Nam), người có hơn 30 gắn bó với dân bản. Tốt nghiệp CĐ Sư phạm Đà Nẵng năm 1987, năm 1989 thầy Bá lên vùng cao Nam Trà My công tác. Theo thầy, thời kỳ đó xin nghỉ phép về quê một tuần thì chỉ được ở nhà với gia đình một đêm, bởi đi về mất ba ngày, thêm ba ngày trở lại. “Có nhiều giáo viên biết tin cha hay mẹ chết nhưng không thể về kịp để nhìn mặt lần cuối. Bởi muốn về nhà thì phải đi bộ mất 3 ngày đường, khi về tới nhà thì cha mẹ đã được đưa đi chôn cất vì không thể chờ được lâu”, giọng thầy Bá nghẹn lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.