NGND Tôn Thất Thân: Ngô Bảo Châu từng 'hụt hơi' về toán

20/11/2015 11:29 GMT+7

Nhiều người biết người thầy đã hun đúc và bồi dưỡng cho tài năng toán học GS Ngô Bảo Châu là PGS.TS.NGND Tôn Thất Thân. Nhưng câu chuyện tiếp cận toán học GS Châu thì ít người biết rõ.

Nhiều người biết người thầy đã hun đúc và bồi dưỡng cho tài năng toán học GS Ngô Bảo Châu là PGS.TS.NGND Tôn Thất Thân. Nhưng câu chuyện tiếp cận toán học GS Châu thì ít người biết rõ. 

 PGS.TS.NGND Tôn Thất Thân (giữa) cùng GS Ngô Bảo Châu (trái) và GS Vũ Hà Văn (phải) - Ảnh: NVCC
Nhân ngày 20.11, thầy Tôn Thất Thân đã kể lại câu chuyện đến với môn toán của GS Châu. 
Tôi dạy Ngô Bảo Châu học toán trong hai năm học 1984-1985 và 1985-1986 tại lớp chuyên toán của Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội. Bảo Châu đến với lớp chuyên toán vào năm học lớp 7. Vì không được theo học từ đầu cấp nên em còn rất bỡ ngỡ, thiếu hụt cả về kiến thức, kỹ năng và phương pháp học tập toán. Để đuổi kịp trình độ chung của lớp, ngoài giờ học ở trường, tôi đã hướng dẫn em tự học ở nhà, chủ yếu là tự đọc sách tham khảo về toán.
Việc tự học đối với một em nhỏ 12 tuổi không dễ dàng. Tôi đã hướng dẫn em đọc không phải cả cuốn sách một lúc mà chỉ mỗi tuần vài trang, có nêu rõ yêu cầu cần đạt, chỉ rõ nội dung chính cần hiểu kỹ, đọc xong phải trình bày lại theo cách hiểu của mình, đồng thời nêu những thắc mắc cần giải đáp. Bằng phương pháp đó, em đã đọc và hiểu cuốn sách "Định lý hình học và các phương pháp chứng minh" của Hứa Thuần Phỏng trong 6 tháng.
Thời gian đó đã không uổng phí. Không những em tự trang bị thêm những kiến thức hình học cần thiết mà còn trang bị được những phương pháp suy luận cơ bản, các phương pháp chứng minh hình học một cách hệ thống và bao trùm trên hết là năng lực độc lập suy nghĩ, độc lập làm việc. Sau đó, hai cuốn "Dựng hình" và "Quỹ tích" em chỉ đọc hiểu trong hai tuần.
Trên cơ sở vốn kiến thức cơ bản vững chắc của em, tôi bắt đầu tập dượt hoạt động sáng tạo cho em. Cùng với cả lớp, Châu được rèn luyện khả năng tự khám phá kiến thức mới. Được tập dượt thường xuyên, Châu đã học được phương pháp tự nghiên cứu, đào sâu kiến thức. Với trình độ lớp 7, em đã viết được một tài liệu 17 trang nhan đề "Bạn biết gì về tổ hợp?" trong đó em trình bày các kiến thức về tổ hợp, chỉnh hợp theo cách hiểu của em, những bài toán vận dụng kiến thức về tổ hợp và chỉnh hợp do em tự sáng tác, hệ thống hóa một số phương pháp giải toán về tổ hợp do em tự đúc kết qua quá trình giải bài tập.
Có thể nói tài liệu này là một "công trình nghiên cứu" nho nhỏ của cậu bé Ngô Bảo Châu, đánh dấu bước đầu tập dượt nghiên cứu một cách độc lập và sáng tạo của em. Em đã trình bày kết quả nghiên cứu này trước lớp, trả lời các câu hỏi của các bạn một cách tự tin. Có lẽ đây là dáng dấp ban đầu của những buổi bảo vệ luận án, bảo vệ công trình khoa học sau này của em chăng?
Năm học 1985-1986, Ngô Bảo Châu được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi toán cấp hai của thành phố Hà Nội dự thi toàn quốc. Em đã giành giải nhất trong kỳ thi này. Liền trong hai kỳ thi toán Quốc tế tổ chức tại Úc (1988) và tại Đức (1989), Ngô Bảo Châu đều đạt huy chương vàng.
Trong thư gửi cho tôi ngày 15-3-1995, Ngô Bảo Châu viết:
"...Em có nhiều suy nghĩ về việc học toán, dạy toán. Em hay nhớ lại những giờ học của thầy. Có điều kiện học thêm và tiếp xúc với các nhà toán học lớn, em càng thấm thía những giờ học của thầy thật quý báu. Trong những giờ học của thầy, học sinh tìm được cái quan trọng, quý giá nhất. Vẻ đẹp của toán học không nằm trong những lời giải cầu kỳ mà ở sự diễn đạt trong sáng, mạch lạc những vấn đề tưởng như rắc rối...".
Tuy nhiên, với Ngô Bảo Châu và nhiều học sinh khác, điều tôi hạnh phúc nhất không chỉ là thành quả đạt được của các em. Tôi đã từng dạy nhiều khóa học sinh chuyên toán, sau này các em tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở trong nước và ở nước ngoài. Có những em thành đạt nhưng cũng có em còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả các em đều là những con người sống có trí tuệ, có trách nhiệm, có tình cảm thầy trò bè bạn chân thành. Sau mấy chục năm xa cách, mỗi lần họp mặt là một lần thầy trò được sống lại không khí tuổi thơ trong sáng đầy ắp những kỷ niệm đẹp, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho nhau để vững bước trên đường đời.
Nói về thầy mình, GS Ngô Bảo Châu luôn thể hiện sự khâm phục: “Đối với tôi, thầy Thân luôn là chân dung của người thầy mẫu mực. Thầy không bao giờ đến trễ, trang phục thì luôn luôn chỉnh tề. Bài giảng toán của thầy lúc nào cũng trong sáng và dễ hiểu. Thầy luôn có những lời động viên, phê bình đúng lúc và công bằng dành cho học trò. Khi bản thân trở thành thầy giáo, tôi mới nhận ra rằng để luôn luôn chỉnh tề, để không bao giờ đến trễ, để giảng bài dễ hiểu, và để động viên phê bình học trò đúng lúc và công bằng, người thầy phải nỗ lực lớn như thế nào”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.