Nghỉ học tránh dịch Covid-19: Lúng túng dạy học trực tuyến

Hà Ánh
Hà Ánh
24/02/2020 08:41 GMT+7

Trong thời gian nghỉ học dài ngày để tránh dịch Covid-19, hình thức học trực tuyến được nhiều trường đại học triển khai. Nhưng thực tế áp dụng cho thấy không chỉ trường học, ngay cả giảng viên và sinh viên cũng chưa thực sự sẵn sàng.

Không dạy trực tuyến bị trừ… thu nhập ?

Ngay sau khi dời lịch học để tránh dịch Covid-19, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã chuyển đổi phương pháp đào tạo từ tập trung tại trường sang dạy học trực tuyến.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường này, việc dạy học trực tuyến triển khai với tất cả môn học và bắt buộc toàn bộ giảng viên cơ hữu của trường phải tham gia. Tuy nhiên, theo ông Dũng, chỉ có khoảng 80 giảng viên của trường có thể thực hiện dạy học hoàn toàn trực tuyến, số còn lại phải tích hợp nhiều phương thức khác nhau.

Nhìn lại tròn 1 tháng Việt Nam chống lại dịch bệnh Covid-19

“Để thực hiện dạy học trực tuyến, giảng viên phải làm việc nhiều, bài giảng cần thiết kế lại đảm bảo mỗi lần dạy chỉ dài 10 - 15 phút để sinh viên có thể theo dõi. Nhưng nhiều người làm đối phó, đưa bài giảng nhưng mức độ tương tác với sinh viên không nhiều, có khi cả ngày chỉ thực hiện 1 lần”, ông Dũng nói.
Do vậy, theo ông Dũng, trường đã bắt buộc 100% giảng viên cơ hữu phải tham gia giảng dạy trực tuyến trong đợt nghỉ học tránh dịch. Dù sinh viên nghỉ học dài ngày nhưng cán bộ giảng viên trường vẫn nhận đủ 100% lương và thu nhập. Do đó, giảng viên cần có trách nhiệm làm việc trong điều kiện thực tế, trong đó có dạy trực tuyến. “Giảng viên nào không dạy trực tuyến sẽ bị cắt lao động tiên tiến, vẫn hưởng lương theo ngạch bậc nhà nước nhưng bị cắt thu nhập tăng thêm”, ông Dũng cho hay.

Sinh viên chưa quen, trường chưa kịp chuẩn bị

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vừa triển khai cho sinh viên toàn trường giảng dạy và học tập trực tuyến trong thời gian nghỉ tránh dịch Covid-19. Theo tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo, thời gian nghỉ học tránh dịch là dịp để trường làm quen với phương thức đào tạo mới này.
“Thực tế cũng có những sinh viên tại các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa thì việc học trực tuyến sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên trường đã chủ động cho cả tình huống này để đảm bảo kiến thức cho người học”, tiến sĩ Minh cho hay.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cũng nói việc giảng dạy trực tuyến trong một số trường hợp còn bị khó do tâm lý học sinh, sinh viên. Ông Dũng nói: “Có những sinh viên có tâm lý phản ứng về việc đóng học phí thì phải học trên lớp. Có sinh viên thì ám ảnh hình thức học trực tuyến do phải làm việc, đọc sách và làm bài tập liên tục nhiều hơn hình thức truyền thống. Trong khi, có sinh viên ở quê không có mạng hoặc mạng yếu không vào được...”.
Do đó, ông Dũng cho biết trong tuần đầu tiên học tập trung trở lại, trường sẽ tiến hành kiểm tra mức độ tiếp thu bài của sinh viên. Nếu cần sẽ kết hợp thêm hình thức dạy trực tiếp trên lớp.

TP.HCM đề xuất cho cả nước nghỉ học hết tháng 3, Bộ Y tế nói gì?

Trong khi đó, nhiều trường ĐH cho biết chưa thực hiện việc giảng dạy trực tuyến ngay trong thời điểm này do chưa có sự chuẩn bị đồng bộ. Theo thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, trường này chưa yêu cầu bắt buộc dạy trực tuyến trong toàn trường, thay vào đó giảng viên chỉ chủ động giữ liên lạc với sinh viên về tình hình học tập.
Với quy mô sinh viên chính quy hiện khoảng 34.000 người, thạc sĩ Khang cho biết: “Để dạy trực tuyến, trường học phải có sẵn trang thiết bị và cơ sở dữ liệu. Sinh viên cũng cần có đủ điều kiện, đặc biệt là internet tốc độ cao nên không thể nói là thực hiện được luôn”.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, đại diện của Bộ GD-ĐT khẳng định việc dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch Covid-19 là cần khuyến khích nhưng không thể thay thế dạy trực tiếp. Vì vậy, các trường vẫn phải dạy bù để đảm bảo thời gian thực học. Theo lãnh đạo một trường ĐH, chỉ đạo này của Bộ là có cơ sở, không chỉ đúng với việc dạy học trực tuyến trường phổ thông mà kể cả với bậc ĐH khi điều kiện của người dạy, người học chưa đồng đều.
Ý kiến
Cách làm như hiện nay chỉ là giải pháp “chữa cháy”
Về việc học online, hiện nay chúng ta chưa sẵn sàng. Học sinh chưa được đặt nền móng tự học, chưa được hay rất ít được dạy phương pháp học. Cơ sở vật chất trang bị cho các trường, gia đình, học sinh chưa thể đáp ứng được việc học online như mạng yếu và thiếu, phần mềm dạy học, thiết bị dạy học trực tuyến, đa phần sử dụng laptop, điện thoại quay phim nên tiếng, hình ảnh... chưa đạt chuẩn. Về hình thức dạy học, kết nối nhà trường - giáo viên - học sinh đang làm mỗi nơi một kiểu, tùy khả năng, tùy sở thích, chưa có một sự đồng bộ và chỉ đạo chung để đạt được sự an tâm. Việc học online như hiện nay chỉ là giải pháp “chữa cháy” nên mọi thứ sẽ phải làm lại khi học sinh đi học lại.
Phạm Phương Bình 
(Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Wifi yếu nên không học được
Không phải ai ở nhà cũng có máy tính và wifi mạnh. Tôi khó học online vì wifi ở nhà yếu quá. Mà nhiều khi giảng viên chỉ dạy theo cách đưa câu hỏi, bài tập và tài liệu lên. Trong khi đó bắt trả lời bài tập và quy định thời gian nộp. Mình không có máy tính mà nhiều khi điện thoại đang làm thì bị đơ không tải bài làm lên được.
Nguyễn Nguyên 
(sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Bích Thanh - Phạm Hữu (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.