Nghỉ học phòng dịch Covid-19: Trẻ trải nghiệm những điều giản dị miền quê

Lê Thanh
Lê Thanh
19/02/2021 18:30 GMT+7

Do học sinh TP.HCM được nghỉ học đến hết tháng 2 (ngày 28.2) để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 , nhiều phụ huynh đã gửi con về quê sau tết nhờ ông bà trông giữ giúp để có thời gian đi làm.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Chị Lê Thị Thảo, phụ huynh của bé Nguyễn Minh Anh, học sinh của Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Q.7 (TP.HCM), cho biết: “Cơ quan mình đã bắt đầu làm việc trở lại từ ngày 17.2 (mùng 6 tết). Tuy nhiên, thời điểm này nhà trường chưa cho học sinh học tập trung nên mình phải gửi con về quê ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để nhờ ông bà ngoại giữ giúp”.
Chị Thảo chia sẻ thêm: “Trước khi gửi cháu về quê, mình có nhờ ông bà ngoại mỗi ngày hãy tập cho cháu biết phụ giúp làm những công việc trong nhà theo kiểu tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Chẳng hạn như, phụ rửa chén, quét nhà, lặt rau, cho gà ăn… Những việc như thế này khi cháu ở Sài Gòn không có cơ hội để làm vì suốt ngày do bận rộn với việc học, còn mình thì bận làm nên không có thời gian và điều kiện chỉ dạy thêm cho cháu”.

Vui đùa với cảnh miền quê

Lê Thanh

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hải, ngụ tại hẻm 380 Lê Văn Lương, khu phố 1, P.Tân Hưng, Q.7 (TP.HCM) có con đang học lớp 5 ở Trường tiểu học Phan Huy Thực (Q.7), cho biết: “Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, vợ chồng mình dẫn con trai về quê ở tỉnh Kiên Giang ăn tết với gia đình bên nội. Định mùng 4 đưa con trai lên lại Sài Gòn, chuẩn bị học nhưng có thông tin nhà trường cho nghỉ đến ngày 28.2 nên hai vợ chồng gửi con trai lại cho ông bà nội trông giúp”.
Theo anh Hải, quê nội có vườn rộng rãi, trồng nhiều cây ăn trái và nuôi nhiều gà, vịt. Chính vì vậy, mình muốn cho con có thời gian trải nghiệm những điều thú vị ở quê. Qua đó, nhờ ông bà chỉ dạy cho con biết cách chăm sóc gà vịt, trồng trọt cây xanh, góp phần bảo vệ môi trường, để sau này lớn lên con biết thương yêu động vật và hòa mình với cảnh vật thiên nhiên...”.

Tập cho trẻ sống tự lập

Thanh Tuấn

Tương tự, chị Trần Thị Thúy, có con gái là Thùy Dương đang học lớp 7 của Trường THCS Điện Biên, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết: “Cũng cho con gái nán lại sau tết quê ngoại ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh với lý do nhà trường cho nghỉ học và chị phải lên Sài Gòn làm việc”.
Theo chị Thúy, khi gửi con mình có nhờ ông bà chỉ dạy thêm cho cháu những điều hay trong cuộc sống.

Chiều 19.2: Thêm 15 ca mắc Covid-19, trong đó có 1 ca rất phức tạp

 "Tận mắt thấy được đàn cừu đang gặm cỏ" 

Về phần các em học sinh, những ngày sống và trải nghiệm ở quê đã giúp các em thu nhặt được nhiều bài học thực tế và kỷ niệm khó phai.
Như theo lời kể của bé Minh Anh con của chị Thảo thì đã được ông bà ngoại chỉ dạy làm nhiều việc để sau này biết cách phụ giúp ba mẹ. "Phải siêng năng làm việc cũng như cố gắng học hành ngày một tốt hơn. Ngoài ra, con còn được ngoại dẫn đi ra đồng và tận mắt thấy được đàn cừu đang gặm cỏ và lần đầu tiên con được ẵm con cừu con trên tay nên vui quá trời luôn”, Minh Anh nói.
Em Thùy Dương, con của chị Thúy, cho biết: “Những ngày ở quê ngoại con rất thích vì được trải nghiệm và biết thêm nhiều thứ. Chẳng hạn, con đã tận mắt thấy được cánh cò bay lả bay la mà bấy lâu chỉ được đọc trong sách vở. Thấy được cảnh đồng ruộng xanh mướt, thấy được đàn gà con líu ríu chạy theo sau gà mẹ, nghe được tiếng gà gáy buổi sáng sớm báo thức cho cả nhà. Với con, những thứ ấy là kiến thức thực tế vô cùng bổ ích để khi làm một bài văn miêu tả về cảnh miền quê con sẽ biết cách vận dụng sinh động”.
Chứng kiến mọi người ở quê lao động vất vả nhưng kiếm tiền rất khó khăn nên Thùy Dương chia sẻ: “Em cảm thấy thương ba mẹ nhiều hơn vì mỗi ngày phải làm việc để có tiền lo cho em ăn học. Và em sẽ học cách tiết kiệm nhiều hơn vì em hiểu rằng để kiếm được tiền không hề đơn giản”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.