Nghề giáo viên mầm non, 'bỏ thì thương, vương thì tội': Nước mắt của nghề

18/12/2019 07:03 GMT+7

'Những ngày đến lớp, có lúc em căng thẳng đến mức ngồi thừ ra, nước mắt cứ thế chảy, xung quanh là tiếng gào khóc của các bé', một giáo viên mầm non nay đã chuyển nghề nhớ lại khoảng thời gian bám trụ với công việc này.

Áp lực bủa vây

Cô Trần Thị Mỹ Thủy có 14 năm làm giáo viên mầm non, hiện làm Tổ trưởng tổ chuyên môn Trường mầm non Rạng Đông (Q.Tân Phú, TP.HCM) “chuyên trị” lớp nhà trẻ. Một lớp khoảng 3 - 4 cô trông 30 - 40 trẻ tùy lớp và tùy năm. Theo cô Thủy, căng thẳng nhất là đến giờ ăn. “Ngày xưa các cha mẹ không quan trọng nhiều chuyện tăng ký cho con, nay hầu như phụ huynh nào gửi con cũng mong con tăng ký. Có những bé lười ăn, không ép được. Lứa tuổi nhà trẻ là biếng ăn nhất, trong khi cô gặp áp lực từ phụ huynh và nhà trường nên đôi lúc dẫn đến vấn đề nổi nóng”, cô Thủy nhìn nhận.
Trẻ lại đánh nhau, cào cấu, nhiều lúc nhìn lớp học như một bãi chiến trường, chỉ cần sơ ý là trẻ xây xước mặt mày. Cô Thủy tiếp tục kể: “Có những phụ huynh đến tận lớp canh cô xem cô trông con mình như thế nào, có cho con mình ăn không, rồi có những ngôn từ nói với cô thiếu tôn trọng do nghĩ rằng cô chỉ là người trông trẻ, đòi hỏi phải chăm con thật đúng ý. Nhiều lúc nản, buồn, nhưng buồn mãi nên quen, rồi cũng qua. Nhất là năm đầu mới vào nghề chỉ muốn bỏ vì có quá nhiều thứ khác so với mình nghĩ”.
Trong khi đó, cô Trần Thị Cẩm Loan, người từng có 15 năm trong nghề và hiện làm Hiệu trưởng Trường mầm non Việt Mỹ (Q.Tân Phú, TP.HCM), rưng rưng: “Nếu như trước đây, làm cô giáo mầm non chỉ gặp áp lực từ việc phải chăm một lúc quá nhiều bé dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, thì bây giờ, áp lực lớn nhất lại được tạo ra từ phía phụ huynh và dư luận. Đa số phụ huynh cưng con, nghĩ rằng bỏ tiền ra cho con đi học, nhất là học trường tư, thì có quyền không tôn trọng giáo viên”.
Cô Loan kể con nít thường hiếu động, trong lớp có thể đùa giỡn hoặc cào cấu nhau, đôi khi chỉ cần một phút lơ là, là cô giáo không kịp trở tay. Không ít phụ huynh thấy con mình có một vết xước ở má, chưa tìm hiểu, đã vội chạy đến trường la lối, chửi mắng cô giáo, bắt cô xin lỗi. “Lúc đó, dù thế nào thì cô giáo vẫn phải xin lỗi phụ huynh. Làm nghề này ngoài lòng yêu trẻ và đức tính nhẹ nhàng, mềm mỏng ra thì phải học cách kiên nhẫn và kiềm chế. Có nhiều em mới vào nghề, đối diện với những tình huống thực tế như vậy, bị stress nặng. Do không có kinh nghiệm nên không vượt qua được, dẫn đến bỏ nghề. Mới đây một cô giáo trong trường tôi đã xin nghỉ vì không thể tiếp tục. Em ấy làm việc rất tốt, được phụ huynh rất yêu quý. Nhưng chính vì để được như vậy nên em ấy phải chịu đựng rất nhiều áp lực, đến khi không thể cố gắng được nữa...”, cô Loan chia sẻ.

Dù mình rất hãnh diện với nghề nhưng ai hỏi làm nghề gì đôi khi mình chợt e ngại không dám nói là giáo viên mầm non vì sợ họ lại nhìn mình bằng ánh mắt khác, nghĩ xấu về mình

Trần Thị Mỹ Thủy
Trường mầm non Rạng Đông (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Nguyễn Thúy V., một cô giáo từng dạy tại Trường mầm non Rạng Đông (Q.Tân Phú, nay đã chuyển nghề), thừa nhận: “Những ngày đến lớp, có lúc em căng thẳng đến mức ngồi thừ ra, nước mắt cứ thế chảy, xung quanh là tiếng gào khóc của các bé. Lớp thì hơn 20 bé nhưng chỉ có 2 cô. Các trẻ mới trên dưới 2 tuổi, quấy khóc, lười ăn, vệ sinh bừa bãi... Nhưng khi phụ huynh đến đón, người mệt phờ rồi vẫn phải niềm nở tươi cười. Nhiều lúc bị cha mẹ các bé gọi điện mắng mỏ vì để quần áo bị bút màu làm dơ. Nặng hơn thì phụ huynh lên phản ánh với hiệu trưởng chỉ vì những chi tiết nhỏ như con bị xước ở tay...”.
Cô H. ra trường năm 2010 và đang làm giáo viên một trường mầm non công lập ở Q.3. Cô H. nói cô rất yêu nghề này. Ở với học sinh cả ngày, tính nết mỗi học sinh thế nào cô đều nắm rõ hết. Cảm giác như không phải đang làm việc mà đơn giản là mình đang chơi với các bạn nhỏ. “Phụ huynh muốn con đến trường phải biết sợ cô, phải ăn được, phải học được, phải ngủ được. Nhưng họ không muốn giáo viên dạy con hay phạt con họ. Đặc biệt là sau những vụ bạo hành của giáo viên thì phụ huynh càng cảnh giác với giáo viên hơn. Dù mình biết đó là phản ứng bình thường của các bậc cha mẹ khi giao con mình cho người khác nhưng vẫn cảm thấy khó chịu khi họ bắt đầu xét nét một cách thái quá”, cô H. tâm sự.
Cô H. chia sẻ thêm: “Đa phần phụ huynh vẫn nghĩ giáo viên là người trông nom chăm sóc, cho ăn cho ngủ các bé hơn là một giáo viên dạy dỗ các bé thật sự. Đa số phụ huynh nghĩ giáo viên chỉ có công việc chính là chăm sóc trẻ mà đâu biết giáo viên có một đống sổ sách thi đua học tập, bồi dưỡng công tác, kiêm nhiệm phong trào...”.

Vì yêu trẻ nên bám trụ

Cô giáo Kim Oanh (hiện phụ trách lớp mầm tại Trường mầm non Việt Mỹ) kể lại: “3 năm làm cô nuôi dạy trẻ, em gặp phải nhiều tình huống trớ trêu từ phụ huynh, nhưng cũng còn rất nhiều phụ huynh dễ thương, trân trọng cô giáo. Nghĩ đến những ánh mắt, nụ cười trẻ thơ đang chờ đợi mình, nghĩ đến những phụ huynh tuyệt vời đó, em lại cảm thấy mình như trút được áp lực để tiếp tục với nghề”.
Do thường đi sớm về trễ, cô Oanh không có thời gian để chăm sóc con. “Con em nói là buổi sáng mẹ vui tươi, tinh tươm đi làm, chăm sóc các em nhỏ, tối về mẹ mệt mỏi, ăn xong lại soạn giáo án. Buổi chiều khi các bé về hết rồi em mới chạy đến trường đón con, thì thấy con ngồi bệt dưới đất thơ thẩn đợi mẹ, nước mắt muốn rớt ra. Nhiều lần con nói ước gì mẹ đổi nghề khác, đừng làm cô giáo mầm non nữa”, cô Oanh vừa kể vừa khóc.
Cô Cẩm Loan cũng chia sẻ mình có 2 con học lớp 7 và lớp 1, nhưng chưa bao giờ dự một buổi khai giảng hay họp phụ huynh cho con, chưa từng có thời gian đưa con đi học vì sáng 6 giờ đã phải từ nhà đi đến trường mầm non, chiều thì 18 - 18 giờ 30 mới rời nơi làm việc.
Với cô Trần Thị Mỹ Thủy, làm nghề này rất cần sự động viên của gia đình, xã hội và sự hỗ trợ của bố mẹ anh chị em trong nhà. “Đa số các vụ bạo hành đều xảy ra ở các nhóm trẻ tự phát chứ rất hiếm khi xảy ra từ giáo viên được đào tạo bài bản đang làm việc tại các trường mầm non. Chủ yếu người bạo hành là bảo mẫu hoặc giáo viên không có bằng cấp, nhưng dư luận hay đánh đồng là tất cả giáo viên mầm non đều như vậy. Các cơ quan chức năng cần xóa bỏ những nơi giữ trẻ tự phát tránh để ảnh hưởng tới những giáo viên đàng hoàng với nghề, yêu nghề và tận tâm với trẻ. Dù mình rất hãnh diện với nghề nhưng ai hỏi làm nghề gì đôi khi mình chợt e ngại không dám nói là giáo viên mầm non vì sợ họ lại nhìn mình bằng ánh mắt khác, nghĩ xấu về mình”, giọng cô Thủy nghèn nghẹn.
Cô Cẩm Loan cũng mong phụ huynh thấu hiểu công việc của các cô giáo mầm non, rằng các cô cũng là mẹ, cũng có con, nên hơn ai hết các cô rất hiểu nỗi lòng phụ huynh. “Một số trường hợp giáo viên mầm non bạo hành trẻ chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” khiến phụ huynh mất lòng tin, nhưng vẫn còn nhiều cô giáo có tâm với nghề, thương yêu con của quý vị phụ huynh lắm!”, cô Loan tâm tư.
Thiếu trầm trọng giáo viên mầm non
Theo báo cáo cuối năm 2018 của các sở GD-ĐT địa phương, cả nước thiếu 75.989 giáo viên, chủ yếu là bậc mầm non và tiểu học. Trong đó, các tỉnh thiếu GV lớn nhất là Hải Dương (4.000), Hà Nội (4.000), Thái Bình (3.600)... Đến năm 2019, cả nước có 23.333 giáo viên mầm non cần đào tạo nhưng trên thực tế số lượng giáo viên mầm non vẫn luôn thiếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.