Ngày của Cha: 'Sau lưng cha' vẫn là cảm giác yên bình nhất!

Thái Duy
Thái Duy
20/06/2021 08:36 GMT+7

Ngày của Cha là dịp để bạn trẻ cùng nhau ôn lại kỷ niệm vui, buồn và bày tỏ tình yêu thương, lòng biết ơn đối với người cha đáng kính của mình.

Ngày của Cha (Father’s Day) là một ngày để con bày tỏ lòng biết ơn với cha mình. Ngày của Cha không có ngày cố định hằng năm, thường được lấy vào chủ nhật tuần thứ ba của tháng 6. Trong năm 2021 này, Ngày của Cha rơi vào hôm nay (20.6).

Nhớ hình ảnh ba chở đi thi đại học

Trần Thị Hoài Thắm, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Nhớ nhất là lúc ba dắt mình đi thi đại học. Thi xong ra cổng trường thấy ba đã chờ sẵn dưới trưa nắng. Rồi ba hỏi: 'Có muốn ăn kem không, ba mua?'. Mình vẫn nhớ rõ hình ảnh ấy của ba mãi trong đầu và thấy thương ba rất nhiều”.
Hoài Thắm cho biết, ba cô là người có tính nghiêm khắc nhưng cũng rất hiền lành, kiệm lời và hết lòng vì gia đình. “Nhân Ngày của Cha, mong cho ba luôn khỏe mạnh, sống vui vẻ, yêu đời mỗi ngày”, Hoài Thắm chia sẻ.
Tương tự, Nguyễn Khải Trung (24 tuổi, ở Hà Nội), kinh doanh trực tuyến và là một travel blogger (người viết blog về du lịch), nói: “Với bố mẹ và gia đình, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ mãi về bố là khi bố đèo tôi đi thi đại học, nắng nôi, vất vả. Dù tôi có đi xa, đi nhiều cỡ nào chăng nữa thì cảm giác “sau lưng cha” vẫn là cảm giác yên bình nhất”.
4 năm qua, Khải Trung đã có 82 chuyến đi khắp mọi miền Tổ quốc, thế nhưng cảm giác “sau lưng cha” vẫn khiến anh nhớ mãi. Anh cho biết, bố anh là một người đàn ông của gia đình, tuy không thể hiện hết ra bên ngoài nhưng ông lúc nào cũng quan tâm và yêu thương các con.
Ngày của Cha năm nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên Khải Trung cho biết không thể đưa cả nhà đi du lịch, anh dự định sẽ mua thực phẩm rồi cả nhà cùng nhau làm một bữa cơm sum vầy, ấm cúng.

Nguyễn Khải Trung lúc nhỏ và cha

NVCC

Những câu chuyện ba kể...

Dương Quang Đức, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết điều nhớ nhất về ba là những câu chuyện ba anh kể. Anh Đức nói: “Ba kể lại những câu chuyện, về những khó khăn mà ba đã gặp phải trong cuộc sống và cách mà ba kiên cường vượt qua nó. Những câu chuyện ấy tạo cho mình nhiều động lực, nhất là mỗi khi vấp ngã trong cuộc sống”.
Ngoài ra, ba của Đức còn truyền cho anh một tình yêu âm nhạc, với bộ môn đàn guitar. Đức cho biết, ba anh đã kể cho anh nghe về quá trình gian nan mà ông tập chơi đàn. “Ba kể lúc ấy gia đình không khá giả, phải cực lắm ba mới dành đủ tiền mua cây đàn. Ba phải tự mày mò, cả vùng chỉ có một thầy dạy đàn, ba cũng cố gắng vượt đường xa theo học. Từng bước, từng bước một cuối cùng ba cũng thành công”, Quang Đức chia sẻ.
Qua câu chuyện ấy của ba, Đức thấy hứng thú với bộ môn này và anh bắt đầu tìm hiểu. Ba của anh cũng là người thầy dạy cho anh học đàn. Quang Đức cho rằng chơi đàn giúp anh cảm thấy vui vẻ, giảm được căng thẳng và có đầu óc sáng tạo hơn.

Vũ Lê Kim Ngân lúc nhỏ và cha. Kim Ngân cho rằng cuộc sống này không có chuyện “nếu như...”, nhưng được làm lại một lần nữa thì mình sẽ cư xử khác đi với ba

NVCC

“Được làm lại một lần nữa, mình sẽ cư xử khác đi”

Kể về ba mình, Vũ Lê Kim Ngân, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết cô không sống cùng ba từ năm lớp 7. Ngân nói: “Lúc đó ba mình có người khác rồi dọn ra ngoài, không bao lâu sau thì đưa đơn ly hôn cho mẹ. Mình giận ba từ đó. Ba tháng sau, mỗi tháng ba đều về thăm nhưng mình không nói chuyện với ba”.
Mãi đến vài tháng sau, Kim Ngân mới bắt đầu nói chuyện lại với ba, nhưng cũng không nhiều, chỉ là những câu qua loa, cơ bản. Khoảng thời gian ấy, mỗi lần gặp nhau ba Ngân chỉ buồn và im lặng, cho tiền, khi thì dẫn cô đi ăn.

Mình mong nếu ai còn được ở bên cạnh ba mẹ, người thân thì hãy cố gắng trân trọng khoảng thời gian đó, dùng những gì ngọt ngào nhất để đối đãi với cha mẹ

Vũ Lê Kim Ngân

“Trước giờ mình là đứa hiểu chuyện nên không bao giờ đòi ba mẹ cho ăn gà rán khi không có dịp gì đặc biệt. Nhưng lúc đó ba về là lại đòi đi ăn, vì mình nghĩ rằng ba có lỗi, ba phải bù đắp, mình cũng không quan tâm là ba có tiền hay không. Hồi vô đại học ba mua cho chiếc xe, lúc mua xong ba không còn đồng nào trong ví hết, ba phải nói lấy lại vài trăm dằn túi. Nghĩ lúc đó mình tệ thiệt”, Ngân chia sẻ.
Mãi sau này, khi lớn hơn, Kim Ngân mới biết thật ra trong cuộc sống vợ chồng của ba mẹ cô có nhiều vấn đề mà lúc đó cô chưa hiểu hết. Ngân nói: “Khi hiểu ba hơn, mình cũng thấy thương ba, nhưng cảm giác không rõ ràng lắm. Vì mình mềm lòng nhưng ngoài mặt như vẫn còn giận, nên có thương cũng chỉ để trong lòng. Ba đã mất hơn một năm, đó cũng là điều khiến mình day dứt mình mãi... Cuộc sống này không có chuyện “nếu như...”, nhưng được làm lại một lần nữa thì mình sẽ cư xử khác đi với ba”.
Thông qua câu chuyện của mình, bồi hồi trong Ngày của Cha, Kim Ngân nhắn nhủ: “Mình mong nếu ai còn được ở bên cạnh ba mẹ, người thân thì hãy cố gắng trân trọng khoảng thời gian đó, dùng những gì ngọt ngào nhất để đối đãi với ”.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.