Ngành kỹ thuật khát nhân lực nhưng ít người học

06/03/2020 08:04 GMT+7

Theo thạc sĩ Võ Văn Tuấn, kỹ thuật là khối ngành rất khát nhân lực. Khảo sát nhân lực giai đoạn 2020 - 2025 của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, nhóm này cần đến 35% nhu cầu nhân lực xã hội.

Các chuyên gia tham gia chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình “Chọn ngành học tương lai với khối ngành kỹ thuật - kiến trúc - thiết kế - mỹ thuật” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 5.3 cũng đã lý giải nguyên nhân vì sao khối ngành kỹ thuật khát nhân lực nhưng thí sinh ít quan tâm.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa (ảnh), Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trường này có tới 17 ngành đào tạo thuộc nhóm ngành kỹ thuật công nghệ. Tỷ lệ chọi các ngành này chỉ 1 - 2 thí sinh/chỉ tiêu và điểm trúng tuyển các năm gần đây trong khoảng từ sàn hoặc cao hơn sàn không nhiều. Thí sinh trúng tuyển khối ngành này tỷ lệ nhập học cũng không cao so với các ngành nghề khác.
“Sinh viên khi theo học nhóm ngành kỹ thuật sẽ được cấp bằng kỹ sư. Hiện nay các doanh nghiệp ứng dụng máy móc hiện đại, môi trường làm việc tương đối chuyên nghiệp chứ không quá nặng nhọc, thu nhập tốt. Tuy nhiên, học các ngành này đòi hỏi sự đam mê, vận dụng kiến thức liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin”, thạc sĩ Thoa chia sẻ.
Theo thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, kỹ thuật là khối ngành hiện đang rất khát nhân lực, không chỉ bậc ĐH và cả CĐ, TC. Khảo sát nhân lực giai đoạn 2020 - 2025 của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, nhóm này cần đến 35% nhu cầu nhân lực xã hội. Tuy nhiên, sinh viên theo học các ngành này rất ít, đặc biệt thấp so với nhóm ngành kinh tế. Nguyên nhân của việc ít người lựa chọn này bởi các ngành này học khó hơn.
“Tôi khuyên các thí sinh nam nên “đi đầu” khối ngành kỹ thuật dù cho các ngành này hiện không phân biệt nam nữ theo học. Thực tế hiện nay tỷ lệ nữ giới theo học các ngành kỹ thuật chiếm khoảng 15 - 20% sinh viên. Các ngành kỹ thuật hiện đang có rất nhiều ưu điểm với người học như: điểm chuẩn chỉ cần bằng sàn, chi phí trường đầu tư lớn, học phí vẫn thấp hơn các ngành khác, ra trường đảm bảo có việc làm”, thạc sĩ Tuấn phân tích.
Lưu ý với thí sinh chọn học ngành kỹ thuật, thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, bổ sung: “Các ngành kỹ thuật đòi hỏi tư duy tính toán nên người học cần có nền tảng về các môn tự nhiên. Các ngành nhóm kỹ thuật của trường đều xét tuyển từ các tổ hợp môn có chứa ít nhất 2 môn tự nhiên”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.