Ngành giáo dục Đồng Nai sau nhiệm kỳ nỗ lực đổi mới

27/04/2020 14:58 GMT+7

Trong nhiệm kỳ qua, ngành GD-ÐT Ðồng Nai đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng dạy học, xây dựng mạng lưới trường lớp đáp ứng tốt nhu cầu học tập của cộng đồng.

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ÐT Ðồng Nai, về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X và những giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2020 - 2025.
Xin bà cho biết tóm tắt những kết quả đạt được trong công tác đổi mới quản lý giáo dục (GD) và đào tạo của ngành, nhiệm kỳ 2015 - 2020?
Bà Huỳnh Lệ Giang:
Trên cơ sở Nghị quyết 01-NQ/TU và Kế hoạch 194-KH/TU của Tỉnh ủy Đồng Nai, Sở GD-ĐT đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ đột phá: Đầu tư phát triển GD mầm non hướng về vùng nông thôn và các khu vực tập trung nhiều công nhân lao động. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp và công tác xã hội hóa (XHH) GD.
Cụ thể, tỉnh đã tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 147/2014/NQ -HĐND ngày 11.12.2014 của HĐND tỉnh về phát triển GD mầm non giai đoạn 2015 - 2020, Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 3.12.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển GD mầm non giai đoạn 2018 - 2025, đề án Sữa học đường, hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở GD mầm non ngoài công lập… theo đó, các cơ sở GD mầm non đã hình thành môi trường GD học tập trải nghiệm, tạo cơ hội cho trẻ chủ động tham gia hoạt động khám phá “học mà chơi, chơi mà học”. Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019, tỉnh đã ưu tiên đầu tư trang thiết bị cho các trường mầm non công lập với tổng kinh phí khoảng 301 tỉ đồng, thực hiện đề án Sữa học đường với tổng kinh phí hơn 782,5 tỉ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước chi 50%, 35% đóng góp của phụ huynh và 15% do công ty sữa hỗ trợ); thực hiện chế độ hỗ trợ đối với giáo viên bán trú, nhân viên cấp dưỡng ở các cơ sở GD mầm non công lập cho 25.543 lượt giáo viên, nhân viên với tổng kinh phí khoảng 122,7 tỉ đồng.
Đối với GD phổ thông giai đoạn 2015 - 2019, tổng kinh phí đã đầu tư hơn 4.777 tỉ đồng, bình quân mỗi năm đầu tư hơn 950 tỉ đồng, trong đó xây dựng phòng học hơn 4.029 tỉ đồng; cải tạo sửa chữa trường học hơn 586 tỉ đồng...
Đến nay, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn tương đối khang trang và hoàn thiện. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 79,9% (so với năm 2015 tăng 6,3%), trong đó bậc học mầm non đạt 67,9% (tăng 20,4%), tiểu học đạt 77,1% (tăng 4,2%), THCS đạt 93,4% (tăng 2,3%), THPT đạt 98,4% (tăng 0,4%).
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp đã góp phần nâng cao tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của tỉnh. Cụ thể, mầm non 124/225 trường (tỷ lệ 55,11%); tiểu học 145/293 trường (49,49%); THCS 104/175 trường (59,43%); THPT 26/47 trường (55,32%).
Trong 5 năm qua, đã có trên 38.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cơ sở GD được tham gia tập huấn chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học. Dạy học gắn với di sản, di tích lịch sử, dạy học gắn với sản xuất kinh doanh, dạy học theo định hướng STEM...
XHH GD là một trong những điểm sáng của Ðồng Nai trong nhiệm kỳ vừa qua, bà có thể nêu một vài dẫn chứng cụ thể?
Tính đến năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 161 trường ngoài công lập (126 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 2 trường THCS, 26 THPT và phổ thông liên cấp), tỷ lệ đạt 17,6% trên tổng số trường mầm non và phổ thông. Giai đoạn 2013 - 2018, bình quân mạng lưới trường ngoài công lập tăng khoảng 11 trường/năm. Huy động học sinh ngoài công lập ra lớp là 133.718 học sinh, tỷ lệ 18,9%.
So với toàn quốc, Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện tốt chủ trương XHH GD, đặc biệt là ở ngành học mầm non và bậc THPT với tỷ lệ huy động ngoài công lập vượt trội so với tỷ lệ bình quân toàn quốc. Cụ thể, tỷ lệ huy động mầm non ngoài công lập của tỉnh là 56,8% (toàn quốc 18,4%); huy động học sinh ngoài công lập bậc THPT của tỉnh là 25,4% (toàn quốc 7,78%).

Học sinh Đồng Nai nâng cao ý thức phòng chống dịch Covid-19 trong nhà trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế. Ðâu là nguyên nhân, thưa bà?
Đó là tình trạng sĩ số học sinh trên lớp vượt mức quy định ở cấp tiểu học, THCS ở một số địa phương có dân số tăng cơ học cao. Việc huy động nguồn lực ngoài xã hội đầu tư cho GD chưa đồng đều giữa các địa phương. Một số chính sách khuyến khích XHH như giao đất sạch cho nhà đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất GD cho nhà đầu tư thuê triển khai còn chậm.
Việc triển khai đổi mới phương pháp quản lý và dạy học tại các đơn vị trường học chưa hiệu quả. Công tác đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính GD chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh mới.
Nguyên nhân khách quan là do tình trạng dân số tăng cơ học cao gây nhiều áp lực phát triển trường lớp, nhất là ở khu vực đô thị có các KCN. Một số quy định về XHH GD của các cơ quan chức năng T.Ư chậm đổi mới. Việc thực hiện phổ cập bậc trung học, hướng dẫn tạm thời các tiêu chuẩn quy định xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập bậc trung học do Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2003 đến nay không còn phù hợp.
Nguyên nhân chủ quan, do một số địa phương chưa xem trọng công tác dự báo, quy hoạch phát triển GD trên địa bàn. Việc sắp xếp cơ sở GD chưa phù hợp, đầu tư mở rộng quy mô trường học chưa kịp thời vì ngân sách còn khó khăn, thiếu quỹ đất sạch. Một số địa phương chưa đẩy mạnh chủ trương XHH GD nên chưa thu hút được nhà đầu tư.
Bà có thể cho biết mục tiêu phát triển GD-ÐT Ðồng Nai giai đoạn 2020 - 2025 tập trung vào những khâu đột phá nào?
Yêu cầu đổi mới GD “chuyển mạnh từ GD trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”, theo đó, mục tiêu đến năm 2025 là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống GD quốc dân theo hướng mở; xây dựng xã hội học tập. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua. Thực hiện có hiệu quả đổi mới chương trình, nội dung phương pháp dạy học.
Phát triển quy mô, nâng cao chất lượng GD-ĐT đi đôi với xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp, gắn với tăng cường GD đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD-ĐT. Đào tạo nguồn nhân lực đủ theo nhu cầu và chất lượng cao, đáp ứng điều kiện nhân lực trong thời đại công nghiệp 4.0 và yêu cầu phát triển tổng thể KT-XH của tỉnh.
Đầu tư, phát triển GD mầm non ở vùng nông thôn và khu vực tập trung công nhân các KCN là một trong những “điểm sáng” của ngành GD-ĐT Đồng Nai nhiệm kỳ qua. Đầu tư cho ngành học mầm non giai đoạn 2015 - 2018 là 1.328 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2008 - 2014. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu nghị quyết đề ra. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; trẻ học bán trú đạt 99,89%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 55,80% (chỉ tính riêng trường công lập)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.