Ngành du lịch mỗi năm cần 40.000 lao động, chỉ 15.000 người học ra trường

Quý Hiên
Quý Hiên
08/07/2020 19:47 GMT+7

Tại hội thảo quốc gia về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch , các nhà khoa học đưa ra nhiều khuyến cáo về thực trạng đào tạo ngành du lịch Việt Nam , vừa thiếu về số lượng, vừa chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu.

Hôm nay, 8.7, tại Hà Nội, Trường đại học Thương mại tổ chức hội thảo quốc gia Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, giảng viên nhiều trường đại học và viện nghiên cứu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến cơ hội, thách thức đối với nguồn nhân lực du lịch.
Hội thảo cũng đề xuất các chính sách, giải pháp và khuyến nghị đối với các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp dịch vụ du lịch để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Vừa thiếu, vừa yếu

Theo TS Đỗ Thị Thanh Hoa, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL), năm 2019, dù năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong ngành lữ hành và du lịch tăng 4 bậc (theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới VEF), nhưng chỉ số cạnh tranh về nguồn nhân lực và thị trường lao động trong ngành này lại giảm 10 bậc so với năm 2017. Về chỉ số này, trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia, Brunei.
Cụ thể, với tiêu chí “dễ dàng tìm kiếm nhân viên có tay nghề”, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước trong khu vực, trừ Campuchia. Với tiêu chí “quy mô, mức độ đào tạo nhân viên”, Việt Nam cũng chỉ đứng trên Campuchia và Lào.
Một tiêu chí rất hấp dẫn cho lao động du lịch là “trả lương và năng suất làm việc”, Việt Nam bị đánh giá thấp (với xếp hạng 62/140), so với các nước trong khu vực ASEAN thì chỉ hơn Campuchia (63), cách rất xa với Singapore (2) hay Malaysia (6) và cũng thấp hơn nhiều so với Indonesia (29), Lào (35), Philippines (37).
TS Thanh Hoa cũng thông tin, mỗi năm thị trường nhân lực ngành du lịch trong nước cần thêm 40.000 lao động, trong khi thực tế chỉ có thêm 15.000 sinh viên/học viên ra trường (trong đó có hơn 12% có trình độ đại học, cao đẳng).
Ngoài thiếu hụt về số lượng, khoảng cách về kỹ năng trong lực lượng lao động du lịch hiện nay cũng rất lớn. Chỉ 42% được đào tạo về chuyên ngành du lịch, 38% chuyển từ ngành khác sang, 20% không được đào tạo chính quy. Cơ cấu theo trình độ đào tạo nhân lực thiếu cân đối, chẳng hạn như nhân lực quản trị, giám sát trong doanh nghiệp du lịch chiếm tỉ lệ cao hơn cần thiết, lao động nghề lại thấp.
Cả nước có 192 cơ sở tham gia đào tạo chuyên ngành du lịch (62 trường đại học, 55 trường cao đẳng, 75 trường trung cấp hoặc trung tâm dạy nghề), nhưng chỉ duy nhất một trường trực thuộc doanh nghiệp là Trường trung cấp du lịch (Tổng cục Du lịch và khách sạn Saigontourist của Saigontourist. Không nhiều trường có cơ sở hoặc trang thiết bị thực hành, đặc biệt là có rất ít trường có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp.
Nói riêng về kỹ năng, trình độ ngoại ngữ, toàn ngành hiện có 60% lao động biết ngoại ngữ nhưng chiếm tỷ lệ lớn là tiếng Anh (42%), chỉ có 5% biết tiếng Trung Quốc, 4% biết tiếng Pháp… Tuy nhiên, lao động có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chỉ 15%, và cũng chỉ tập trung ở bộ phận làm hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn.

Không thể mở rộng quy mô ồ ạt

PGS Nguyễn Thị Nguyên Hồng, Trường đại học Thương mại, cho biết trước những khó khăn về nguồn nhân lực ngành du lịch, từ năm 2017 Chính phủ đã cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo cơ chế đặc thù. Nhưng việc tuyển sinh theo cơ chế này cũng chỉ mới được thực hiện từ năm 2018. Đến nay, cũng mới có rất ít trường xây dựng được đề án đào tạo theo cơ chế đặc thù và triển khai đào tạo.
Những trường có chương trình đào tạo đặc thù được tuyển sinh với quy mô không giới hạn nhưng thực tế là các trường cũng không thể tuyển sinh được nhiều, do phụ thuộc vào nguồn lực mà trường có và phải đảm bảo chất lượng. Ví dụ như Trường đại học Thương mại cũng chỉ tuyển 400 - 500 sinh viên mỗi năm; Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chỉ tuyển 100 - 200 sinh viên mỗi năm.
TS Hồng cũng nêu một thực trạng ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo: “Chương trình đào tạo du lịch giữa các trường đại học đến nay vẫn chưa được thống nhất. Thiếu hệ thống giáo trình cốt lõi, tài liệu tham khảo khá phong phú nhưng chất lượng hạn chế. Trong khi đó, các trường không thể sử dụng giáo trình nước ngoài đề giảng dạy chính thức vì nội dung, tên môn học, số tín chỉ… có sự khác biệt lớn với Việt Nam”.
PGS Lê Thị Thu Thủy, đại diện cho nhóm nghiên cứu Trường đại học Ngoại thương, cũng chia sẻ một số thông tin về sự tăng trưởng của hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng, từ đó phác thảo nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao quản trị khách sạn tại Việt Nam. PGS Thủy nhận định: “Số khách sạn tăng khoảng 10% năm. Dự kiến vào tháng 12.2020 chúng ta có 26.800 khách sạn với 532.000 phòng. Sự tăng trưởng đáng kể này gắn liền với tiềm năng lớn về cơ hội việc làm trong ngành quản trị khách sạn”.
Theo PGS Thủy, thực tế hiện nay sinh viên tốt nghiệp quản trị khách sạn chỉ cần có chút khác biệt về ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc, là đã có thể dễ dàng tìm được những công việc tốt với mức lương cao. Nhưng thay vì chạy theo quy mô, các cơ sở đào tạo cần hướng tới tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, cần tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo, đặc biệt là quan tâm lựa chọn các đối tác đến từ các nước phát triển có uy tín và kinh nghiệm trong đào tạo ngành quản trị khách sạn, du lịch để học hỏi. Từ đó, xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo ngành quản trị khách sạn hướng đến chuẩn quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.