Ngại ngần tự chủ tài chính

23/12/2015 07:29 GMT+7

Mới đây, khi một trường ĐH công lập cấp kinh phí từ 100 - 200 triệu đồng cho đề tài nghiên cứu của giảng viên, nhiều người cho rằng chỉ làm được điều này khi có tự chủ tài chính.

Mới đây, khi một trường ĐH công lập cấp kinh phí từ 100 - 200 triệu đồng cho đề tài nghiên cứu của giảng viên, nhiều người cho rằng chỉ làm được điều này khi có tự chủ tài chính. 

Nhiều trường ngại tự chủ vì sợ thu không đủ bù chi - Ảnh: Đào Ngọc ThạchNhiều trường ngại tự chủ vì sợ thu không đủ bù chi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ấy vậy mà đến nay không nhiều trường lựa chọn con đường này.
Thưởng cao nhờ tự chủ
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nơi cấp kinh phí trên, cho biết kinh phí được trích từ Quỹ nghiên cứu hàn lâm của trường lấy từ nguồn thu học phí. Mục tiêu là khuyến khích giảng viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng hàn lâm, viết bằng tiếng Anh và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có uy tín.
Nếu tự chủ, tăng học phí cao lên vô tình tạo rào cản cho các sinh viên
PGS-TS Đỗ Văn Dũng
Hiệu trưởng Trường
ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Nhiều trường ĐH cũng có chủ trương này nhưng mức thưởng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện nay được xem là cao nhất. Chẳng hạn Trường ĐH Y Dược TP.HCM quy định nhận kinh phí 2 - 3 triệu đồng nhân hệ số tác động (Impact Factor) cũng chỉ dưới 10 triệu đồng.
Mức thưởng cho một bài báo quốc tế của một số trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM không vượt được mức 20 triệu đồng. Riêng Trường ĐH Quốc tế có mức thưởng khá cao: 1.500 USD cho một bài báo. Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, để vượt qua được thực trạng trường công trả lương và thưởng nghiên cứu khoa học thấp, từ năm 2008 trường này xin được hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, không nhận chi thường xuyên, thu học phí cao. Nhờ vậy, số lượng giảng viên “chạy sô” bên ngoài mới có thể giảm xuống để tập trung đầu tư giảng dạy tại trường.
Cũng tương tự, khi chuyển sang tự chủ tài chính từ năm học này, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM mạnh dạn thực hiện cấp kinh phí cao cho giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhật, từ sau khi được tự chủ tài chính, ngoài hỗ trợ nghiên cứu khoa học, trường còn có chính sách đưa cán bộ viên chức đi bồi dưỡng chuyên môn ở các trường ĐH đối tác nước ngoài và đi dự hội thảo quốc tế. Sắp tới đây, trường tuyển dụng cả chuyên gia nước ngoài, nhằm nhanh chóng hội nhập quốc tế.
Thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM còn có thêm điều kiện để cải thiện cơ sở vật chất phục vụ người học, thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, chính sách học bổng khuyến khích học tập, cũng như trang bị học liệu, giáo trình cho chương trình đào tạo tiên tiến. Trường còn đang thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo thư viện và hình thành các khu tự học công cộng cho sinh viên cũng như tăng cường trang bị và triển khai các phần mềm quản lý đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học.
Lo thu không đủ bù chi
Tuy vậy, đến nay rất ít trường công lập thực hiện tự chủ tài chính. Tháng 6.2015, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, chỉ có 11 đề án tự chủ gửi lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các trường sẽ được Chính phủ xem xét và cho phép dần dần. Đến nay, theo một lãnh đạo tại Bộ GD-ĐT, số lượng trường xin tự chủ chỉ tăng lên 12 trường.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết cách đây 5 năm có 4 trường xin thí điểm tự chủ nhưng cơ chế lúc ấy chưa mở, các trường được tự chủ chi nhưng chưa được tự chủ thu. Nay thì cơ chế cho phép được tự chủ thu, nhiều trường thấy được cởi trói nên tham gia khá hào hứng. Nhưng những trường thiên về đào tạo quản trị, kinh tế thì không cần đầu tư trang thiết bị nhiều và sẽ tự chủ trước. Các trường thiên về nông lâm, kỹ thuật… tuyển sinh viên khó, đầu tư chi phí cao ngại ngần hơn vì khi tự chủ, nguồn thu có thể sẽ không đủ để bù chi.
Thực tế ngoài 4 trường ĐH thí điểm tự chủ tài chính được cho phép gần đây (Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP.HCM) thì còn có các trường đào tạo kinh tế đã thu học phí cao từ nhiều năm nay như: Tài chính - Marketing, Công nghiệp TP.HCM, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM...
Các trường thực hiện đề án tự chủ tài chính được thu học phí khá cao so với khung quy định hiện nay, thường từ 13 triệu đồng/năm.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường rất muốn tự chủ, nhưng hiện chưa thực hiện được, vì: “Thu không đủ bù chi là điều có thể xảy ra. Nhưng điều quan trọng hơn là xuất phát từ việc thương sinh viên.  Bao nhiêu năm qua, trường chứng kiến sự đổi đời của các sinh viên nghèo thông qua giáo dục ĐH. Các sinh viên này vào TP.HCM bươn chải để học tập, có em ra trường có mức lương 30 - 40 triệu đồng/tháng. Các em thay đổi được cuộc sống cho bản thân và cả gia đình. Nếu tự chủ, tăng học phí cao lên vô tình tạo rào cản cho các em này”. 
Ông Dũng cũng cho biết dự định đến năm 2018 trường mới thực hiện tự chủ vì muốn từng bước để sinh viên quen dần và chờ đợi nhà nước điều chỉnh việc vay vốn sinh viên cho phù hợp”.
Vay vốn kiểu chi trả sang tương lai
GS Phạm Phụ cho biết khoảng vài mươi năm trở lại đây, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng một loại chương trình cho sinh viên vay vốn mới với mức trả nợ không cố định mà biến đổi tùy theo thu nhập của người vay. 
Phần lớn sinh viên được vay vốn với mức lãi suất tương đối thấp. Sau khi ra trường, nếu người đó chưa xin được việc hoặc lương còn thấp hơn một ngưỡng nào đó thì chưa phải trả. Khi lương cao hơn ngưỡng đó thì trích một phần, ví dụ 10 - 20% của phần cao hơn, để trả dần, có thể kéo dài 10 - 20 năm. Nếu sau thời gian đó mà chưa trả xong hoặc bị tai nạn không làm việc được nữa thì được xóa nợ.
Bản chất của chính sách này là chuyển sự chi trả của sinh viên từ hiện tại sang tương lai và nhà nước gánh chịu toàn bộ rủi ro. Tuy vậy, sinh viên chỉ được trợ cấp một phần nhỏ qua lãi suất tương đối thấp và do vậy chỉ ảnh hưởng rất ít đến ngân sách nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.