Ngại học văn vì... sách giáo khoa !

29/11/2016 10:03 GMT+7

Chương trình, sách giáo khoa môn ngữ văn hiện hành là một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến học sinh chán và ngại học môn này.

Trên thực tế, không phải tất cả người trẻ đều chối bỏ văn học. Một minh chứng cụ thể là thời gian gần đây thị trường sách trong nước xuất hiện nhiều tác phẩm của các cây bút trẻ thu hút một lượng lớn độc giả trẻ. Trong các diễn đàn, hội thảo về tác phẩm mới của nhà văn đương đại được bạn đọc mến mộ, có sự tham gia không ít của học sinh (HS) - sinh viên. Thế nhưng, phần lớn những độc giả trẻ này lại khá dửng dưng, không hứng thú với việc học văn trong trường phổ thông.
Sao lại có nghịch lý này?
Không phù hợp với tâm lý, thời đại
Đặt câu hỏi này với giáo viên và HS, câu trả lời phần lớn là do chương trình học và các tác phẩm trong sách giáo khoa (SGK) quá chán. Hầu hết tác phẩm được dạy tuy có vị trí trong lịch sử văn học nhưng đã ra đời cách đây từ gần nửa thế kỷ cho đến vài trăm năm, thậm chí cả ngàn năm trước, nhiều tác phẩm không phù hợp tâm lý và xu hướng đọc sách của HS hiện nay, do đó không khơi gợi được hứng thú học tập.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trường THPT chuyên Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), cho rằng việc lựa chọn bài học và chương trình còn mang tính chủ quan của người biên soạn. Ở một khía cạnh nào đó, việc lựa chọn bài này hay bài kia chỉ là sở thích cá nhân về tác phẩm, tác giả ấy mà chưa chú ý đến đối tượng người học (tâm lý lứa tuổi, thời đại mà HS đang sống, quan điểm, cách nhìn nhận đánh giá của giới trẻ hiện nay về con người, xã hội). Ngoài ra, một số bài dạy ở chương trình lớp 10 khó hơn so với bài ở lớp 12. Ví dụ chương trình lớp 10 phần thơ, nghị luận trung đại khó hơn lớp 12 khiến HS lớp 10 rất khó tiếp cận và hiểu thấu đáo.
Trong một tham luận về chương trình, SGK môn văn hiện hành, ông Vũ Quốc Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, từng nhận định: “Nhìn chung, chương trình và SGK còn nặng nề, vừa quá tải lẫn non tải, phân phối thời lượng cho tiếng Việt, văn học và làm văn có vẻ chưa hợp lý. Những bài tiếng Việt còn mang nhiều yếu tố hàn lâm, dài dòng, không dễ hiểu và đề ra yêu cầu cao, gần như dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Những văn bản nhật dụng hoặc hướng dẫn HS tìm hiểu văn bản còn chưa được tinh tuyển, một số văn bản văn học chưa phải là tác phẩm đỉnh cao, hoặc đã từng là đỉnh cao nhưng đến nay không còn giữ được giá trị mà nói một cách dễ hiểu là không hay. Một số văn bản văn học nước ngoài quá khó, thiếu hấp dẫn hoặc không phù hợp với thời cuộc và tâm lý lứa tuổi khiến HS chán học văn, trong khi đó lại thiếu vắng một số tác giả, tác phẩm tên tuổi. Sự tích hợp chưa nhuần nhuyễn, có khi vụn và khiên cưỡng dẫn đến chưa đạt hiệu quả trong nhận thức cả về tiếng Việt lẫn về văn một khi tích hợp 2 phân môn này”.

tin liên quan

Soạn sách giáo khoa kiểu mới
TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên biên soạn sách giáo khoa theo hướng tích hợp liên môn, đa môn, xuyên môn và đẩy mạnh phát triển năng lực học sinh.
Vượt tầm nên trở thành gánh nặng
Tại một hội thảo khoa học cấp quốc gia về đổi mới dạy môn văn ở trường phổ thông hiện nay, bà Bùi Thị Kim Duyên, Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diệu (Đồng Tháp), bày tỏ trăn trở từ góc nhìn của một giáo viên trực tiếp giảng dạy đã hơn 20 năm. Theo bà Duyên, với số tiết được phân bố cho các tác giả, tác phẩm được đưa vào chương trình thì việc hoàn thành chương trình quả là nhọc nhằn đối với cả thầy và trò. “Để đảm bảo kế hoạch giảng dạy và bao nhiệm vụ khác trong các tiết dạy trên lớp, cả áp lực thi cử, giáo viên phải chấp nhận từ bỏ những cuộc giao tiếp văn chương đúng nghĩa trên lớp học để đạt được mục tiêu bài học”, bà Duyên nhận định.
Bà Duyên còn chỉ ra rằng, sự quá tải không chỉ là ở thời lượng, số lượng tác giả, tác phẩm được đưa vào chương trình mà còn là tính vừa sức, vừa tầm đón nhận đối với HS. Chính sự quá tải ấy mà rất nhiều giờ văn kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” phần nào đã tước mất đi sự hứng thú và say mê của HS. Cả thầy và trò đều phải chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch dạy học, để đối phó với thi cử...
Bà Lê Thúy Hạnh, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn), cho biết khối lượng văn bản đưa vào nhiều nhưng thời lượng dành cho một số bài học còn ít nên HS học nhiều văn bản mà không lĩnh hội được bao nhiêu. Ví dụ, cấp tiểu học đã học truyện cổ tích, lên THCS học lại, một số tác giả cũng lặp lại không cần thiết. Thời lượng dành cho luyện kỹ năng nói còn ít nên chưa tạo điều kiện cho giáo viên rèn luyện kỹ năng rất cần thiết này của HS.

tin liên quan

Định hướng cách ôn thi môn văn
Theo đề thi minh họa môn văn mà Bộ GD-ĐT đã công bố, đi sâu vào từng câu, dễ thấy đề thi lần này yêu cầu cao hơn về độ khó.
Thiếu tính thiết thực
Theo GS Lê A, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiệm vụ quan trọng nhất của dạy, học văn là để HS trau dồi được năng lực tạo lập các văn bản cần thiết cho cuộc sống. Các nhiệm vụ khác sẽ được thực hiện thông qua nhiệm vụ này. Bởi vậy, phần làm văn trong chương trình và SGK ngữ văn hiện hành có cả nội dung nói và viết. Tuy nhiên, GS Lê A cho rằng số tiết dành cho dạy nói trong bộ sách ngữ văn tổng cộng ở cả 3 lớp cấp THPT chỉ có 5/94 tiết. “Chúng ta đã quá xem nhẹ việc trang bị cho các HS năng lực nói trong hoạt động giao tiếp”, ông A nhận định.
Tính thiết thực còn được thể hiện trong việc lựa chọn và phân phối thời gian cho các kiểu văn bản. Theo ghi nhận, hiện chương trình có đưa vào các kiểu văn bản cần thiết cho đời sống như viết bản tổng kết, bản tin, tiểu sử tóm tắt. Tuy nhiên những thay đổi đó chưa thật triệt để, đặc biệt trong thi cử và kiểm tra.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải cho rằng chương trình môn ngữ văn hiện hành chưa đảm bảo sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Một giáo viên dạy văn Trường THPT Hà Nội -
Amsterdam cho biết thực tế thời gian dành cho việc rèn luyện kỹ năng tạo lập văn bản quá ít, trong khi để hình thành được kỹ năng này người học cần được luyện tập nhiều theo một quy trình và nội dung phù hợp.
Thực tế này đặt ra cho Bộ GD-ĐT hướng đi cụ thể, thích hợp hơn khi phác thảo chương trình, SGK môn văn sắp tới để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm đối tượng HS.
Ý Kiến:
Để giáo viên đề xuất tác phẩm giảng dạy phù hợp với HS
Nội dung SGK lớp 6 hiện nay, ở học kỳ 1, HS tỏ ra khá thích thú với các tác phẩm văn xuôi thuộc thể loại truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười. Đến học kỳ 2, những bài thơ thường được HS thích thì lại đưa vào phần học đọc thêm hay tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký trước đây học 3 chương giờ chỉ còn 1 khiến HS “thèm thuồng”, vì đó là tác phẩm trẻ em nào cũng tìm đọc, yêu thích. Ngược lại, chẳng hạn với tác phẩm Vượt thác... HS học cách sử dụng biện pháp so sánh trong văn miêu tả nhưng lại tỏ ra không hứng thú vì tác phẩm khá khó, vượt lứa tuổi của HS nên khó cảm thụ. HS không thích mà giáo viên vẫn phải dạy nên khó có cảm hứng dạy hay.
Vì vậy, người biên soạn sách nên chọn lọc những tác phẩm gần gũi, nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi và gắn liền với hơi thở của cuộc sống. Tạo điều kiện để giáo viên, người hiểu được tâm tư, mong muốn của HS, đề xuất tác phẩm. Đây cũng là một kênh thông tin người làm sách cần tham khảo.
Huỳnh Lê Ý Nhi (Giáo viên Trường THCS Đồng Khởi, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Đưa vào SGK tác phẩm viết bằng ngôn ngữ hiện đại của người trẻ
Lý do HS xa rời môn văn một phần do nội dung SGK có một số tác phẩm không phù hợp. Thực tế cho thấy, đó là những tác phẩm kinh điển nhưng xa lạ với học trò về ngôn từ, cách nhìn nhận vấn đề, quan điểm, lối sống, đặc biệt là phần văn học cổ ở lớp 7 và lớp 11. Trong khi hiện nay các em thích đọc tác phẩm đương đại, thích tìm hiểu nhân vật, sự kiện, hình ảnh thực tế. Thậm chí giáo viên chúng tôi cũng thích đọc những tác phẩm hiện đại vì cảm thấy gần gũi với cuộc sống.
Vì vậy, các nhà biên soạn sách nên xây dựng bộ sách theo chuyên đề các giai đoạn văn học, các tác giả, tác phẩm. Từ đó giáo viên sẽ có nhiều lựa chọn, có nhiều không gian giảng dạy tạo hứng thú cho chính mình và hứng khởi cho học trò. Cũng nên đưa vào SGK một số thể loại truyện ký, tản văn của những tác giả trẻ, viết bằng ngôn ngữ hiện đại với những cảm nhận mới của người trẻ. Hãy hiểu rằng tác phẩm hay, ý nghĩa đến mấy mà HS không thích thì cũng không thể đến gần, nên cần chú ý đến thị hiếu, sở thích của HS chứ đừng gò bó quá.
Trần Thị Diễm (Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM)
Bích Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.