Nên giữ ngôi trường 60 tuổi

29/08/2018 08:07 GMT+7

Ngày 31.8, hội thảo khoa học về 60 năm tồn tại, phát triển Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (TX.Điện Bàn) sẽ tổ chức tại Quảng Nam.

Nhưng câu chuyện giữ lại hay dịch chuyển địa chỉ văn hóa giáo dục của vùng đất địa linh nhân kiệt đã trở thành đề tài bàn thảo lâu nay.
Tâm huyết của nhiều thế hệ
Từ năm 1958, lần đầu tiên Điện Bàn có một ngôi trường trung học công lập Điện Bàn mang tên chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, một lãnh tụ của phong trào yêu nước chống Pháp lừng lẫy. Việc xây dựng ngôi trường trung học và lấy tên cụ Hường Hiệu trên đất Điện Bàn còn là tiếp nối truyền thống hiếu học, từ Trường tỉnh của cụ Đốc học Trần Đình Phong và cả danh tiếng Ngũ phụng tề phi của xứ Quảng. Trong 12 năm cụ làm đốc học, Quảng Nam đã có đến 5/15 tiến sĩ và hàng chục cử nhân, tú tài vang danh khác. Nối bước tiền nhân, các thế hệ thầy trò Nguyễn Duy Hiệu đến nay cũng có nhiều người thành đạt. Ngoài GS Trần Văn Thọ - cố vấn của Thủ tường Nhật Bản và nhiều đời Thủ tướng VN, còn có nhiều giáo sư, tiến sĩ khác và các văn nghệ sĩ nổi danh như Phan Duy Nhân, Hoàng Lộc, Nguyễn Nho Sa Mạc, Đynh Trầm Ca…
Cổng và dãy lầu giữa được xây dựng năm 1958. Ảnh tư liệu
Mỗi lần đi về ngang đầu cầu Vĩnh Điện, tôi chạnh nhớ những ngày nhà điêu khắc Đỗ Toàn làm phác thảo tượng đài cụ Hường Hiệu để đặt trong khuôn viên trường. Một cái chòi tranh được dựng lên trong vườn nhà ông Nguyễn Tấn Minh (nguyên Chủ tịch UBND H.Điện Bàn cũ, một nhà nghiên cứu Hán Nôm) để làm phác thảo bằng đất sét suốt mấy tháng trời hồi năm 1986. Đỗ Toàn cũng là tác giả tượng cụ Phan Châu Trinh năm 1964 và tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, tượng đài Mẹ ở Quảng trường 19-3 Đà Nẵng... Trong thời gian nhiều người am hiểu lịch sử xứ Quảng được mời đến góp ý (như nhà văn Nguyễn Văn Xuân, nhà thơ Đoàn Huy Giao, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà thơ Phan Duy Nhân...), nhà điêu khắc Đỗ Toàn cũng đã rời nhà riêng ở TP.Đà Nẵng để vào ngủ nhiều đêm trong cái lều tranh ấy. Tôi nhớ ông Nguyễn Tấn Minh đề cập văn tài võ lược của cụ Hường Hiệu, và gợi ý nhà điêu khắc làm sao tạc bức tượng để người chiêm ngưỡng thấy được hào khí của vùng đất học trong vóc dáng một người mang gươm chống giặc…
Bỏ dễ, giữ khó
Nhiều nhân chứng cho biết, trường Nguyễn Duy Hiệu thành lập từ năm 1958 ở vị trí đắc địa do chính quyền thời ấy đứng ra đôn đốc các gia đình có can cứu chính trị, có con thoát ly tham gia cách mạng đóng góp ngày công, cọc tre, vật liệu… để xây dựng nên từ ao đầm lầy. Sau năm 1975, Nhà nước chưa có chủ trương giải tỏa đền bù nhưng nhà trường đứng ra vận động các hộ dân, huy động học sinh đắp đất nền mới để di dời các hộ dân phía đông sang phía bắc trường, mở rộng trường đến bờ sông…
Vì vậy, thông tin phá bỏ ngôi trường cũ đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, trong đó có các thế hệ thầy trò trường Nguyễn Duy Hiệu. Theo chia sẻ của một vài vị cán bộ lãnh đạo địa phương, cơ sở cũ của Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu không đạt chuẩn về diện tích, nên trong quy hoạch mới của vùng đô thị Vĩnh Điện đã sử dụng 5ha cho việc chuyển ngôi trường về đây. Cơ sở cũ này cũng hẹp, sát đường giao thông nên sẽ phá bỏ một số dãy nhà, chỉ giữ lại cổng ngõ, dãy nhà chính để làm công viên và khu lưu niệm Nguyễn Duy Hiệu…
Tôi đã nhận được e-mail của các cựu học sinh Nguyễn Duy Hiệu đang sinh sống tại TP.HCM với lời lẽ khá thống thiết và bức xúc. Trong suy nghĩ của họ, ngôi trường là chứng nhân lịch sử bao cuộc đổi thay của quê hương Điện Bàn. Câu hỏi lớn đặt ra: Có nhất thiết phải giải tỏa ngôi trường có bề dày thành tích và trầm tích lịch sử, văn hóa 60 năm hay không? Một vài “cơ sở” để giữ lại, như: quốc lộ đã chuyển ra đường tránh (không lo chuyện trường ảnh hưởng bởi giao thông), đất ở trường cũ còn rộng rãi phía sau gần bờ sông (đủ để đầu tư mở rộng nâng cấp nếu cần), hiện đang thừa phòng học đã xây dựng kiên cố (đáp ứng nhu cầu giáo dục)...
Nên chăng có một diễn đàn hay hội nghị để tranh thủ ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các thế hệ thầy trò trường Nguyễn Duy Hiệu, đặc biệt là ý kiến của các nhà kiến trúc, đô thị, nhà nghiên cứu lịch sử, truyền thống văn hóa, nhân sĩ trí thức Điện Bàn và của xứ Quảng. Ngôi trường hiện đại rất dễ xây, mỗi khi có điều kiện về vật chất; nhưng truyền thống văn hóa và lịch sử thì không thể đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Trong một lần gặp gỡ lãnh đạo địa phương, GS-TS Trần Văn Thọ cũng đã có ý kiến nên giữ lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.