Nên chọn ngành ‘nóng’ hay ngành mình thích?

21/03/2016 07:02 GMT+7

Nhiều câu hỏi liên quan đến cách lựa chọn ngành nghề đã được học sinh đặt ra và đại diện các trường giải đáp trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 20.3 tại Phú Yên.

Nhiều câu hỏi liên quan đến cách lựa chọn ngành nghề đã được học sinh đặt ra và đại diện các trường giải đáp trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 20.3 tại Phú Yên.

Học sinh TX.Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) đặt nhiều câu hỏi về lựa chọn ngành nghề - Ảnh: Đào Ngọc ThạchHọc sinh TX.Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) đặt nhiều câu hỏi về lựa chọn ngành nghề - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Khoảng 1.000 học sinh (HS) lớp 12 TX.Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã có mặt ở Trường THPT Phan Đình Phùng để tham gia chương trình.
Xu hướng của ngành cũng chỉ là một yếu tố để tham khảo chứ không phải để quyết định
Tiến sĩ Nguyễn Phương, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Học ngành không thích, dễ bỏ ngang
Nguyễn Thu Hương, HS lớp 12A2 Trường THPT Phan Chu Trinh, rất băn khoăn trong việc chọn ngành nghề. Hương thắc mắc: “Em nên chọn ngành theo nhu cầu thị trường, nghĩa là một ngành đang rất “nóng” để ra trường có việc làm ngay, hay nên chọn ngành học mình yêu thích?”. Nguyễn Thị Thảo My, cũng là HS trường này, bối rối hỏi: “Nếu có năng lực nhưng không có đam mê, không biết mình thích gì thì nên chọn ngành học nào?”.
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhìn nhận: “Trong thị trường lao động, ngành “nóng” có thể hình dung giống như đồ thị hình sin, có thể thời điểm này một ngành rất thu hút, nhiều người đổ xô vào học, nhưng sau một thời gian, ngành đó lại trở nên bình thường, thậm chí còn khó kiếm việc. Vì thế, các em nên chọn ngành theo năng lực, sở thích. Xu hướng của ngành cũng chỉ là một yếu tố để tham khảo chứ không phải để quyết định. Trên thực tế, có rất nhiều em chọn ngành nghề theo xu hướng nhưng bản thân không yêu thích, nên mới học được 1 - 2 học kỳ thì bỏ ngang”.
Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ cách nhận biết đâu là lĩnh vực, ngành nghề mình yêu thích: “Các em có thể thực hiện các trắc nghiệm về ngành nghề. Sau khi trả lời bộ câu hỏi, phần mềm này sẽ cho ra kết quả em có thiên hướng về lĩnh vực nào, có sở thích, đam mê và năng lực gì”. Tiến sĩ Phương cũng lưu ý thí sinh nên chọn một nghề mà mình muốn làm trong tương lai trước, ví dụ nghề xây dựng. Sau đó chọn ngành học có thể làm nghề này như xây dựng cầu đường, xây dựng dân dụng và công nghiệp. Cuối cùng là chọn trường. Nếu thí sinh học giỏi, điểm mỗi môn 8 - 9 thì chọn các trường ĐH nằm trong tốp cao, khá thì chọn trường công lập có mức điểm chuẩn bình thường.
Xét tuyển các nguyện vọng như thế nào?
HS Trần Hải Ngọc Quý băn khoăn về cách thức xét tuyển các nguyện vọng: “Ở đợt 1 tổng cộng có 4 nguyện vọng nộp vào 2 trường, nghĩa là mỗi trường được đăng ký 2 ngành. Nếu em xét tổ hợp môn toán, lý, hóa vào ngành thứ nhất, còn ngành thứ hai em thích lại không xét tổ hợp môn này thì phải làm sao?”.
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các đơn vị đã phối hợp tổ chức thành công chương trình: Sở GD-ĐT Phú Yên, Trường THPT Phan Đình Phùng (TX.Sông Cầu), Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu (Phú Yên), Nhà máy nước khoáng Thạch Bích (Quảng Ngãi).

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ lưu ý: “Khi đăng ký môn thi, các em phải quyết định 3 môn xét tốt nghiệp và đăng ký thêm trong số 4 môn còn lại. Các em cần lưu ý tổ hợp môn của ngành, trường mà mình định xét tuyển để đăng ký môn thi phù hợp. Em phải có điểm của các môn thi nằm trong tổ hợp môn xét tuyển thì mới đăng ký được”.
Tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cung cấp thêm thông tin: “Trong trường hợp ngành học thứ hai không xét tổ hợp môn mà em đang có, thì em chỉ có thể đăng ký một ngành, hoặc chọn thêm một ngành khác trong trường có xét tổ hợp môn đó”.
Trong khi đó, có nhiều HS băn khoăn về định nghĩa các ngành nghề. Chẳng hạn một HS hỏi ngành kiến trúc là gì, xét tuyển tổ hợp môn nào? Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, thông tin: “Kiến trúc là ngành nghề đào tạo ra những kiến trúc sư có khả năng tạo ra bản thiết kế một công trình, một không gian, ví dụ tòa nhà cao tầng, khu dân cư, nhà ở… Tổ hợp môn xét tuyển gồm toán, văn và năng khiếu (vẽ mỹ thuật). Môn năng khiếu thi vào các ngày 9, 10, 11.7”.
Về câu hỏi ngành khí tượng được đào tạo như thế nào, ra trường làm việc ở đâu, PGS-TS Lê Hoàng Nghiêm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM, cho hay: “Các em được học về khí tượng, thủy văn, hải dương học phục vụ cho việc dự báo khí tượng, nghiên cứu về khí tượng, khí hậu, sự thay đổi về thời tiết... Tốt nghiệp, các em có thể làm việc tại các đài khí tượng thủy văn, sân bay, sở tài nguyên môi trường, các dự án về biến đổi khí hậu, các đơn vị khảo sát thiết kế…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.