Nâng cấp giáo viên đạt chuẩn: Coi chừng chủ yếu chỉ để lấy bằng

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
04/09/2020 09:15 GMT+7

Chương trình liên thông từ sư phạm mầm non lên giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học bậc cao đẳng lên đại học, được các chuyên gia cho rằng cần phải khảo sát, đánh giá để xây dựng lại, tránh tình trạng 'nâng cấp để lấy bằng'.

 

“Không biết phải nâng cao cái gì”

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, nhìn nhận: “Hiện nay, sự khác nhau giữa chương trình trung cấp sư phạm mầm non với cao đẳng (CĐ) giáo dục mầm non hoặc giáo dục tiểu học bậc CĐ với giáo dục tiểu học bậc ĐH, chỉ khác nhau chủ yếu về các môn giáo dục đại cương, các môn lý luận, chứ không khác nhiều về chuyên môn nghiệp vụ. Vì thế, để đáp ứng “chuẩn mới”, giáo viên (GV) chưa đủ chuẩn phải đi học nâng cao, nhưng không biết phải nâng cao cái gì để được tiếp tục làm việc?”.
“Đối với việc nâng cấp GV, cần phải có nghiên cứu, đánh giá, so sánh hai chương trình trung cấp sư phạm mầm non và CĐ giáo dục mầm non, CĐ giáo dục tiểu học và ĐH giáo dục tiểu học, xem GV thiếu hụt kỹ năng gì để có khung bồi dưỡng. Tránh để mỗi trường, mỗi địa phương làm một kiểu, vừa lãng phí tiền vừa thiếu tính chuẩn hóa”, tiến sĩ Vinh nêu quan điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, thành viên Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục, cũng cho rằng cần phải có sự đánh giá lại năng lực GV mầm non xem trong suốt những năm qua họ có hoàn thành sứ mệnh của mình hay không, thiếu kiến thức gì, kỹ năng gì và nếu thiếu thì có tác động như thế nào tới trẻ? GV tiểu học cũng vậy.
“Nếu thiếu thì tập trung đào tạo bồi dưỡng thực chất, chứ không phải học để phủ sóng bằng cấp như vậy. Lâu nay GV mầm non nếu có trường hợp này trường hợp kia bị phản ánh thì chỉ là do thiếu cái tâm, thiếu sự yêu thương trẻ chứ không phải là thiếu bằng cấp. Học để lấy bằng cao hơn có đảm bảo GV sẽ yêu trẻ hơn, hay chỉ là bắt GV học những kiến thức lạc hậu, không thiết thực cho chuyên môn nghiệp vụ?”, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đặt vấn đề.
Nói về chương trình giáo dục tiểu học của CĐ và ĐH, nguyên hiệu trưởng một trường ĐH có đào tạo sư phạm cho hay: “Cả 2 chương trình đều thiết kế theo mục tiêu chung là giảng dạy cho học sinh tiểu học, nhưng một bên 3 năm, một bên 4 năm, nhưng về chuyên môn và nghiệp vụ là tương đương nhau. Nếu học để nâng cao chất lượng thực sự thì cần phải có đánh giá xem lâu nay GV đã đủ năng lực hay chưa, thiếu gì, cần nâng cao gì”.

Giúp giáo viên bồi dưỡng lòng yêu trẻ

Là một GV đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề “dỗ trẻ”, cô N.H ở một trường mầm non thuộc Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: “Cách đây hơn một năm khi biết quy định mới này sẽ được áp dụng trong luật Giáo dục, hiệu trưởng trường tôi thông báo cho toàn thể GV và khuyến khích những người tốt nghiệp trung cấp nhanh chóng đăng ký học liên thông lên bậc CĐ, nếu không sẽ không đủ chuẩn và không được tiếp tục công tác. Khi đi học, tôi thấy kiến thức chủ yếu thêm một số môn lý luận, chuyên môn nghiệp vụ thì không có gì mới so với những kiến thức và trải nghiệm của tôi. Tôi nghĩ chương trình liên thông cần phải đưa ra những kiến thức nghiệp vụ thực tế mới, có tính nâng cao hoặc chuyên sâu hơn để giúp GV có khả năng đáp ứng các tình huống khó trong quá trình làm việc ở thời đại mới này”.
Theo GV này, làm GV mầm non cần kiến thức về dinh dưỡng, phương pháp và cái tâm. “Điều quan trọng nhất chính là có lòng yêu thương trẻ, kiên nhẫn, ân cần, nhẹ nhàng. Những điều này thì không phải cứ có bằng cấp là đạt được. Vì thế, học nâng cao mà bồi dưỡng được lòng yêu trẻ nữa thì tốt quá”, cô N.H nhìn nhận.
Ông Trần Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân, Q.Tân Bình, TP.HCM, cũng cho rằng điều cần nhất đối với giáo viên của bậc tiểu học hay mầm non vẫn là cái tâm, sự yêu thương trẻ, kiên nhẫn dịu dàng. Bằng cấp chưa chắc đã khiến GV “nâng cấp lòng yêu thương”.
Vị nguyên hiệu trưởng của trường ĐH có đào tạo sư phạm ở trên, chia sẻ thêm, cách đây chưa lâu một tổ chức giáo dục nước ngoài muốn liên kết với trường để đào tạo GV mầm non cho các trường quốc tế tại TP.HCM. Tổ chức này cũng cho rằng cần chương trình 2 năm tập trung vào chuyên môn nghiệp vụ và quan trọng nhất là cái tâm và tình yêu thương trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.