Nâng cấp các trường đào tạo nghề

09/02/2007 22:08 GMT+7

Từ 2007 trở đi sẽ không còn tồn tại trường đào tạo công nhân kỹ thuật mà chỉ có hai loại hình dạy nghề là trường cao đẳng nghề (CĐN) và trung cấp nghề (TCN). Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ - TB - XH) TP.HCM cũng đã yêu cầu các trường có tham gia đào tạo công nhân kỹ thuật (CNKT) trên địa bàn TP.HCM xây dựng chương trình khung cho hệ TCN trước quý 2 năm 2007.

Khỏe vì được "thay tên đổi họ"

Theo chủ trương này, tất cả các trường CNKT sẽ được đổi thành trường TCN. Ví dụ: trường Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương sẽ thành trường TCN Hùng Vương, trường KTCN Thủ Đức sẽ thành trường TCN Thủ Đức...

Khách quan mà nói, điều này sẽ có lợi rất nhiều trong việc tuyển sinh của các trường. Thạc sĩ Nguyễn Phan Hòa, Hiệu trưởng trường CNKT Nhân đạo công nhận: "Lên TCN sẽ dễ thu hút được thí sinh hơn, đầu ra tốt hơn và có cơ hội liên thông". TS Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng trường CNKT TP.HCM (đang nâng cấp thành CĐ nghề TP.HCM) cũng nhận định việc nâng cấp này là một bước tiến trong việc xóa bỏ tâm lý khoa cử trong người học, góp phần làm thay đổi cái nhìn của xã hội đối với các trường nghề.

Nội dung chương trình khung hệ trung cấp nghề cũng được tăng 20% thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành so với hệ CNKT trước đó. Như vậy, rõ ràng yêu cầu của việc đào tạo TCN khắt khe hơn, góp phần nâng cao chất lượng tay nghề của những người thợ tương lai.  

Hiện trường Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương đã bắt tay vào chuẩn bị xây dựng đề án thành lập trường TCN, mặc dù lúc đó chưa có  văn bản hướng dẫn chi tiết. Với trường CNKT TP.HCM lại càng có nhiều thuận lợi do đây là trường điểm của thành phố, được đầu tư về mọi mặt. Trường cũng vừa nhận được quyết định của Bộ LĐ-TB-XH về việc nâng cấp thành trường CĐN TP.HCM.

"Mệt" vì nhiều thứ

Theo Phòng Đào tạo trường Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, Bộ LĐ-TB-XH vẫn chưa có những văn bản dưới quy định, khiến các trường phải tham khảo bên Bộ GD-ĐT, chẳng hạn như quy chế tuyển sinh. Thạc sĩ Nguyễn Phan Hòa cũng nhận xét: "Chương trình khung hiện nay mới chỉ có... cái khung, chưa có chi tiết. Muốn có chi tiết thì phải chờ thêm". Vì thế mà bản thân các trường có phần lúng túng trong việc tiến hành làm đề án thành lập trường trình Bộ.

Lúng túng hơn nữa là các trường trung cấp chuyên nghiệp có tham gia đào tạo hệ CNKT như trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng... Từ lâu, lãnh đạo các trường này đã bày tỏ sự "không thể hiểu" khi hiện nay hệ thống đào tạo lại "mọc" ra một hệ gọi là TCN và CĐN. Hiệu trưởng một trường CĐ nói: "Đành rằng cơ chế thị trường đòi hỏi sự đa dạng hóa trong đào tạo nguồn nhân lực nhưng có phải như thế này rất khó cho chúng tôi không, khi chúng tôi phải đào tạo cùng hệ trung cấp mà có đến hai chương trình khung, cấp 2 loại bằng, đó là chưa kể hằng năm phải gửi báo cáo tới 2, 3 bộ, sở..."

Bên cạnh đó, khó khăn của các trường TCN là làm sao để có đủ một diện tích 10.000m2 với khu vực đô thị và 30.000m2  với khu vực ngoài đô thị đúng như yêu cầu đề ra trong quyết định chủ trương chuyển đổi...

Nâng cấp trường CNKT thành trường TCN, CĐN là một hướng đi đúng đắn nhằm nâng cao trình độ đào tạo, đáp ứng cho xã hội những người thợ đạt chuẩn. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, cùng một hệ thống, cùng một nguồn nhân lực mà lại có đến 2 mô hình đào tạo: trung cấp nghề và trung cấp bình thường - cao đẳng nghề và cao đẳng bình thường sẽ làm người học băn khoăn. Nên chăng cần có sự thống nhất vấn đề này.

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.