Nâng cao trình độ tiếng Anh: Đừng đặt mục tiêu quá sức!

25/08/2016 08:01 GMT+7

Giới chuyên môn không khỏi ngạc nhiên và băn khoăn khi Bộ GD-ĐT đặt ra một trong những nhiệm vụ của ngành giáo dục từ năm học 2016 - 2017 là tổ chức nghiên cứu, xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở VN.



Đề án đã thất bại ngay từ khi được công bố... Những người đưa ra đề án đặt mục tiêu hoàn tất trong 8 năm, trong khi các nước khác ở khu vực như Malaysia hay Singapore phải mất hàng thập niên

Tiến sĩ Dennis Berg

Vấn đề quan trọng, theo các chuyên gia, Bộ GD-ĐT cần minh bạch hơn cũng như có lộ trình cụ thể, rõ ràng đối với mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai tại VN như kế hoạch.
Theo các chuyên gia, thiếu những tiêu chí này, bất kỳ chiến lược cải thiện trình độ tiếng Anh nào cũng sẽ rất dễ đi vào vết xe đổ của những dự án giáo dục hoành tráng nhưng thiếu thực tế trước đây. Ngoài việc thiếu một lộ trình cụ thể, mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh môn tiếng Anh có điểm trung bình thấp nhất (3,48 điểm) tại kỳ thi THPT quốc gia 2016 (số bài thi dưới điểm trung bình gần 90%). Do vậy, các chuyên gia cho rằng thay vì xác định chung chung, Bộ cần làm rõ mình muốn gì cụ thể ở mục tiêu “ngôn ngữ thứ hai” này.
Tiến sĩ Dennis Berg, người đã có hơn 20 năm làm cố vấn giáo dục tại VN, nhận định: “Có rất nhiều cách để diễn giải mục tiêu này, cũng như cần phân biệt rõ ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ. Bộ muốn nhờ đề án này, mọi người Việt đều có thể nói tiếng Anh? Hay đưa tiếng Anh vào giảng dạy đại trà ở ĐH? Hay đưa tiếng Anh vào các giao dịch hằng ngày? Cần rõ ràng và cụ thể vì ngành giáo dục VN “có tiếng” là hay đưa ra những mục tiêu xa vời và không phù hợp thực tiễn”.

tin liên quan

Học tiếng Anh không khó!
Yếu tiếng Anh sẽ khiến bạn gặp phải những rào cản trong công việc, hạn chế thăng tiến trong nghề nghiệp. Với những người đi làm, học tiếng Anh là cả một sự cố gắng bởi họ sợ đủ thứ và viện đủ lý do cho chuyện lười học.

Về đâu những mục tiêu tham vọng ?
Giới nghiên cứu về giáo dục VN không xa lạ gì với những mục tiêu “không phù hợp thực tiễn” mà ông Berg vừa đề cập tới.
Năm 2010, Bộ đưa ra một dự án đầy tham vọng hướng tới đào tạo 20.000 thạc sĩ, tiến sĩ vào năm 2020. Mục tiêu này khi đó đã bị cho là thiếu thực tế, lãng phí và cho tới nay, chưa thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ dự án đã thành công. Một mục tiêu không khả thi khác là có ít nhất 4 trường ĐH quốc tế tại VN trong tốp 200 của thế giới vào năm 2020. Một ví dụ vừa điển hình cho việc hoạch định thiếu chính xác vừa liên quan thiết thực tới tham vọng “đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai” là Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (Đề án 2020).
Đề án 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30.9.2008, có tổng chi phí dự toán khoảng 9.400 tỉ đồng, nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của đề án nhằm đảm bảo đến năm 2015 nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên; tạo điều kiện đến năm 2020 tăng đáng kể tỷ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp.
Thế nhưng, đến năm học 2010 - 2011 mới có 18 địa phương bắt đầu thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3 theo đề án này. Đến năm 2012, các tỉnh thành khác mới bắt đầu rục rịch công bố kế hoạch triển khai. Tức là nếu so với mục tiêu 2020, VN chỉ có khoảng 8 năm để hoàn thành dự án. Từ nhiều năm nay, các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước đều có chung nhận định: Đây là một mục tiêu quá sức.
Tiến sĩ Berg nhớ lại: “Đề án 2020 đã thất bại ngay từ khi được công bố. Thế nhưng người ta vẫn cứ theo đuổi vì tiền cho dự án cần được giải ngân. Tốn kém quá nhiều cho các cuộc hội thảo, họp hành… Những người đưa ra Đề án 2020 đặt mục tiêu hoàn tất trong 8 năm, trong khi các nước khác ở khu vực như Malaysia hay Singapore phải mất hàng thập niên. Và người ta cũng không đoái hoài tới bài học thất bại của các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản, khi theo đuổi mô hình này”.

tin liên quan

Dạy và học tiếng Anh bị lỗi ở đâu?
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có hơn 90% thí sinh đạt điểm tiếng Anh dưới 5 (điểm thi trung bình là 3,48 và nhiều thí sinh đạt 2,4 điểm nhất). Còn năm 2015 cũng có hơn 80% thí sinh đạt điểm tiếng Anh dưới 5.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi vào tháng 6.2014, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng đã khẳng định sẽ phải làm lại Đề án 2020. Trong báo cáo tổng kết năm học 2015 - 2016, Bộ cũng chỉ rõ: “Tiến độ triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 còn chậm, hiệu quả chưa cao”.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng rất cần một cuộc tổng kết toàn diện về Đề án 2020 và qua đó, đưa ra kết luận đề án đã có những tiến triển gì từ khi được “làm lại”. Một cuộc “đại phẫu” như thế là rất cần thiết trước khi tiến hành một “siêu dự án” khác. Dù chưa công bố cụ thể, nhưng xét về quy mô và mức độ, đề án “đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai” được dự báo là cũng sẽ tốn kém và tiêu tốn ngân sách nhiều không kém Đề án 2020.
Bài học thất bại từ các nước
Các chuyên gia cho rằng nhìn chung trình độ tiếng Anh của người học VN đã nâng lên đáng kể nếu tính từ thập niên 1990. Theo chỉ số sử dụng thông thạo tiếng Anh (English Proficiency Index) năm 2015, VN thuộc nhóm “trung bình” trên thế giới (xếp hạng 29/70). Ở châu Á, VN đứng vị trí thứ 5, trên Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Tuy vậy, trình độ tiếng Anh của đội ngũ giáo viên, ngay cả ở các thành phố lớn, có vẻ vẫn chưa theo kịp thời đại để đáp ứng nhu cầu đào tạo. Do đó, bất kỳ tham vọng nâng cao trình độ tiếng Anh đều phải bắt đầu từ điều cốt lõi: cải thiện trình độ giáo viên.
Trường hợp của Nhật Bản là một ví dụ. Nước này luôn có tham vọng nâng cao trình độ tiếng Anh cho người dân bằng việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở mọi cấp độ, bắt đầu từ tiểu học. Tuy nhiên, cho đến nay giới học thuật vẫn xem Nhật là một bài học thất bại cho các nước khác theo đuổi mục tiêu tương tự. Nguyên nhân cốt lõi đằng sau thất bại của Nhật Bản vẫn là bài toán về trình độ và năng lực của giáo viên.
Một nhà ngoại giao châu Á, đề nghị không nêu tên, nhận định: “Không ai phủ nhận tầm quan trọng của việc trang bị tiếng Anh thành thế mạnh cho lực lượng lao động. Nhưng đó là một con đường rất dài, đòi hỏi cam kết và quyết tâm rất cao. Cái quan trọng nhất là VN, với điều kiện hiện có của mình, cần biết rõ mình đang ở đâu và cần phải làm gì. Sẽ rất khó nếu đi một hành trình mà không biết mình sẽ đi đâu”.

(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.