Năm học mới: Phụ huynh nên và không nên làm gì với con?

Bích Thanh
Bích Thanh
21/08/2019 07:26 GMT+7

Để học sinh tự tin, vui vẻ bước vào năm học mới, đạt những kết quả tốt nhất trong học tập, nhiều giáo viên cho rằng rất cần sự phối hợp của phụ huynh.

Cùng giáo viên rèn kỹ năng

Ở mỗi bậc học, việc học của học sinh (HS) có những đặc trưng riêng nên giáo viên (GV) của các trường cùng cho rằng, sự hợp tác và chia sẻ của phụ huynh có những ý nghĩa riêng.
Chẳng hạn ở bậc tiểu học, nhất là đối với HS lớp 1, việc chuyển từ môi trường lớp học mầm non sang khiến HS có nhiều bỡ ngỡ. Đây là giai đoạn GV rất cần sự đồng hành của phụ huynh trong việc uốn nắn nền nếp cho con em, ví dụ như ngồi trật tự, không chạy nhảy tự do trong lớp, làm quen với đồ dùng học tập, cách sử dụng sách vở, bút mực… Phụ huynh nên tập cho con học kỹ năng tự phục vụ, đơn giản bắt đầu từ việc tự đeo cặp đến lớp. Quan trọng hơn, theo GV Trần Ngọc Nhi (Q.6, TP.HCM), phụ huynh đừng lo lắng, sốt ruột dẫn đến việc so sánh con với bạn bè xung quanh khiến các bé không vui với việc học mà thay vào đó là sự khuyến khích, động viên và chờ đón sự thay đổi từng ngày của con.
Ngoài ra, cô giáo Nguyễn Thùy Linh, Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú), cũng lưu ý điều phụ huynh không nên làm đó là “một số cha mẹ hay mang thầy cô ra để dọa con em mình, chẳng hạn như “con không học mẹ sẽ mách cô hay mẹ sẽ không đến trường đón nữa…”. Những câu nói này khiến học trò ấn tượng GV là “ông kẹ”, việc học là hình phạt… tạo tâm lý không hứng thú khi đến trường với thầy cô và bạn bè.
Bên cạnh đó, có GV cho rằng, việc đồng hành trong học tập với con là cần thiết nhưng phụ huynh cần tìm hiểu phương pháp và nội dung chương trình, kiến thức để tránh “cô giáo dạy một đằng, phụ huynh dạy một nẻo. Lên lớp thì thắc mắc sao ở nhà ba con dạy khác…”.

Hiểu và chia sẻ cùng con

Chia sẻ về những lưu ý với phụ huynh vào ngày đầu bước vào năm học mới, GV Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), kể: “Năm học nào cũng có HS điện thoại khóc vì bị ba mẹ la mắng khi có kết quả học tập, thi cử không như mong muốn. Có những HS có suy nghĩ khá tiêu cực khiến GV lo lắng phải liên lạc ngay với gia đình để kịp thời điều chỉnh…”. Vì vậy, theo thầy Hữu Trí, ngay từ khoảng thời gian này, phụ huynh nên tránh việc sắp xếp, bắt ép HS đi học thêm quá nhiều. Bởi trong thực tế có phụ huynh bắt con đi học một môn với 3 GV khác nhau khiến các em mất thời gian, căng thẳng mà hiệu quả không đi đến đâu. Ngoài ra, phụ huynh nên hướng dẫn con em dành thời gian học các môn khác ngoài môn thi để tránh bị “tuột dốc” các môn còn lại. Thêm vào đó, đừng nên bỏ qua việc trò chuyện, chia sẻ để hiểu, giảm bớt việc làm gây áp lực, căng thẳng.
Về khía cạnh này, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), nói có thể chỉ là câu chuyện nhỏ giữa phụ huynh với HS trên đường đi học về, nhưng đôi khi có tác dụng vô cùng lớn. Từ đó sẽ giúp các em tạo thói quen chia sẻ chuyện học tập, chuyện quan hệ bạn bè trong nhà trường giúp các em có sự trưởng thành bền vững.
Riêng với những HS cuối cấp, GV Đăng Du cho rằng các em đã quá áp lực rồi nên phụ huynh cần nắm bắt được mong muốn, sở trường, sự yêu thích để có những định hướng phù hợp, khuyến khích các con thể hiện mình chứ không chỉ áp đặt.
Còn thầy Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), chia sẻ: “Phụ huynh không nên mua cho con em quá nhiều sách tham khảo, sách bài tập các môn học. Việc chọn tài liệu học tập, sách bài tập cần có định hướng của GV để không lãng phí và quá tải vì lượng bài tập tham khảo… Việc thay đổi môi trường học tập, thay đổi lớp thường khiến HS chưa thích nghi và làm quen nên phụ huynh cần "thông cảm và chia sẻ" với con. Thêm vào đó, phụ huynh cũng không nên phó mặc con em cho nhà trường bởi HS đang ở lứa tuổi thay đổi rất lớn về tâm sinh lý cũng như thay đổi tính tình và cách sống”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.