Năm giáo dục đổi mới gặp… phản ứng

31/12/2015 05:24 GMT+7

Năm 2015 ghi dấu những thay đổi lớn của GD-ĐT nhưng đổi mới nào cũng vấp phải sự phản ứng, nghi ngại của dư luận, không phải vì sai lệch về hướng đi mà là do sự vội vàng, thiếu thuyết phục trong quá trình thực hiện.

Năm 2015 ghi dấu những thay đổi lớn của GD-ĐT nhưng đổi mới nào cũng vấp phải sự phản ứng, nghi ngại của dư luận, không phải vì sai lệch về hướng đi mà là do sự vội vàng, thiếu thuyết phục trong quá trình thực hiện.

Khâu xét tuyển là một thất bại lớn trong kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên tổ chức trong năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc ThạchKhâu xét tuyển là một thất bại lớn trong kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên tổ chức trong năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tuyển sinh năm 2015 “đi vào lịch sử”
Đổi mới lớn nhất của ngành GD-ĐT năm 2015 phải kể đến là việc gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thành một với tên gọi “kỳ thi THPT quốc gia”. Dù trước đó, khi Bộ GD-ĐT đưa ra các phương án tổ chức kỳ thi này, rất nhiều chuyên gia đã thể hiện ý kiến không đồng tình. 
Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp bàn, Bộ vẫn quyết tâm tổ chức với những thay đổi liên tục về mặt kỹ thuật. Kỳ thi diễn ra khá suôn sẻ ở phần thi nhưng khâu xét tuyển lại xảy ra hàng loạt rắc rối, ảnh hưởng nặng nề đến thí sinh và các gia đình có con dự kỳ thi này. Thí sinh vất vả, chật vật từ khâu xem điểm thi cho đến khâu nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển khi phải liên tục nộp hồ sơ vào rồi lại rút ra.
Xét tuyển ĐH trước đây là việc giữa nhà trường và thí sinh thì năm 2015 phải thông qua Bộ với phần mềm tuyển sinh liên tục bị treo và quá tải, dẫn đến có người ví như “chơi chứng khoán”. Ngày chót của xét tuyển đợt 1 với quá nhiều chuyện bi hài, rắc rối và sự lo lắng đến cùng cực của thí sinh, phụ huynh và của chính các trường ĐH đã đi vào lịch sử tuyển sinh trong nền giáo dục nước ta.
Kết thúc kỳ xét tuyển này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải công khai nhận trách nhiệm vì chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của các giải pháp được thiết kế để tạo điều kiện cho thí sinh.
Mang điều kiện cũ để thuyết phục cho cách làm mới
Năm 2015, việc công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến thực hiện từ năm 2018 đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Dự thảo này được các chuyên gia đầu ngành nhận xét tích cực khi cho rằng nó đã tiếp cận và đi theo hướng mà các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã và đang làm, với chủ trương đổi mới theo hướng dạy học tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa mạnh ở cấp THPT. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng bài bản hơn khi có chương trình tổng thể rồi mới đến chương trình của từng môn học.
Nhưng rồi, cùng với sự “sôi sục” phản đối của Hội Khoa học lịch sử VN khi môn lịch sử trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến tích hợp với môn địa lý để mang tên gọi mới: “khoa học xã hội” và “công dân với Tổ quốc” đã dấy lên lo ngại: môn lịch sử bị khai tử, bị xóa sổ, bị coi nhẹ... trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ đã tỏ rõ sự phản ứng khá chậm trễ và những lý lẽ đưa ra để giải thích về phương pháp dạy học tích hợp - cách mà các nền giáo dục tiên tiến thực hiện từ lâu - chưa đủ để thuyết phục dư luận cả về mặt lý luận khoa học lẫn kinh nghiệm thực tiễn và điều kiện thực hiện của VN.
Hầu hết các ý kiến đều chất vấn lãnh đạo Bộ về tính khả thi cho một phương pháp rất mới mẻ đối với VN. Chuyên gia được đào tạo bài bản để xây dựng chương trình giáo dục không có; đội ngũ giáo viên đang giảng dạy và sắp ra trường chưa được chuẩn bị; làm thế nào để “tích” cho “hợp” những nội dung kiến thức của từng môn học với nhau; các trường có đủ điều kiện để cho học sinh thực sự được học tự chọn như dự thảo chương trình đưa ra hay không?... Hàng loạt câu hỏi cụ thể được đặt ra, nhưng giải thích của Bộ lại khiến những người quan tâm mơ hồ vì biết rằng đổi mới sẽ được tiến hành trong khi những điều kiện đi kèm theo nó chưa thay đổi là mấy.
Không chỉ chậm trong thay đổi về mặt chuyên môn, báo cáo của Bộ mới đây nhất cho biết vẫn đang phải khẩn trương thực hiện các bước để kịp tiến độ trong điều kiện kinh phí cho đề án còn chưa được cấp.
Bị động trong đổi mới
Theo tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điều quan trọng nhất là làm sao cho xã hội không bị động trước các chính sách của giáo dục. Bà Thơ nói: “Tư duy không bị động trước chính sách là tư duy quan trọng đối với tri thức và những người hành động. Khi mình đón nhận chính sách một cách thụ động, mình sẽ cảm thấy bức bối. Nếu mình không bị động thì sẽ thay đổi trạng thái tiếp nhận và thay đổi cả công thức để mình thực hiện công việc vốn dĩ phụ thuộc vào sứ mệnh của mình”.
Tuy nhiên, bà Thơ cũng chỉ ra thực tế cần thay đổi trong chính tâm lý của người thực thi các chính sách, đó là “trong thời gian qua, những cái gì có tính mới, thời sự thì mọi người có xu hướng chống lại hơn là tiếp cận nó”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây cũng yêu cầu Bộ: “Cần cải tiến cách lấy ý kiến, trong đó quan trọng là huy động các hội khoa học, các chuyên gia tham gia nghiên cứu, góp ý, phản biện thông qua các cơ chế có tính gắn kết trách nhiệm với đảm bảo điều kiện thực hiện. Đặc biệt cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất giải pháp đúng đắn, có lợi nhất”.
Sẽ không xáo trộn nhiều trong kỳ thi năm 2016
Dự kiến kỳ thi năm 2016 tiếp tục có những thay đổi và ngay từ cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ hết sức cầu thị để tổ chức tốt kỳ thi này.
Đến thời điểm này, một số hội nghị góp ý cho kỳ thi năm 2016 đã diễn ra. Do không muốn có một sự thay đổi đột ngột nào nữa về thi cử nên hầu hết các sở GD-ĐT, các trường ĐH chỉ tập trung góp ý vào khâu kỹ thuật trong tổ chức kỳ thi. Việc chia cụm thi để thí sinh không phải đi lại quá xa, nâng cấp, cải tiến phần mềm quản lý thi để việc xem điểm thi và quá trình xét tuyển không còn khiến hàng triệu người “đau tim”, “nghẹt thở” như năm vừa qua... là những đề xuất giản dị và khiêm tốn mà xã hội và các nhà trường “đặt hàng” với Bộ cho kỳ thi của năm 2016.
Trong cuộc họp Chính phủ ngày 28.12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định kỳ thi sẽ chỉ có một số thay đổi về mặt kỹ thuật, hoàn toàn không làm xáo trộn đến việc dạy và học của các nhà trường so với năm 2015. Dự kiến, trước tết Bộ sẽ “chốt” cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Tuyết Mai
4 sự kiện gây tranh cãi
1. Ồn ào nhất trong lĩnh vực giáo dục ĐH năm qua là quá trình xét tuyển vào các trường ĐH, trong đó cao trào là ngày nộp hồ sơ xét tuyển cuối cùng của đợt 1.
2. Hai trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lần lượt có những sự kiện ồn ào khắp dư luận cả nước. Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự đưa ra các quy định về việc phong giáo sư, phó giáo sư trong phạm vi nội bộ mà không phụ thuộc vào danh sách được công nhận của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Sự kiện gây tranh cãi không chỉ vì trường có làm sai luật hay không mà còn mở rộng vấn đề có nên thay đổi các quy định của nhà nước liên quan tới việc công nhận các chức danh này.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tạo nên sự ồn ào do quyết định của Bộ cho phép trường này được mở ngành y đa khoa, sau đó lại quyết định chưa cho trường tuyển sinh. Sở dĩ có 2 quyết định trái ngược nhau trong vòng một tháng là do khi dư luận phản ứng dữ dội về sự dễ dãi trong quản lý nhà nước về đào tạo ngành y, Chính phủ phải chỉ đạo Bộ xem xét lại các quy định liên quan.
3. Xếp hạng và phân tầng ĐH: Lần đầu tiên, Chính phủ ban hành một văn bản dưới luật (Nghị định 73/2015/NĐ-CP) nhằm cụ thể hóa những quy định trong luật Giáo dục ĐH về phân tầng và xếp hạng ĐH. Theo nhiều chuyên gia, xếp hạng ĐH là động thái cần thiết trong tiến trình hội nhập quốc tế nhưng cơ quan quản lý nhà nước không nên hành chính hóa việc này. Hơn nữa, các quy định về phân tầng trong nghị định còn gây nhiều tranh cãi.
4. Quy mô trường ĐH không quá 15.000 sinh viên chính quy. Đây là một trong những nội dung của Thông tư 32 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH. Nguyên nhân khiến nội dung này gây tranh cãi do trong thông tư, Bộ phải “thòng” thêm quy định các “trường hợp đặc biệt” sẽ được xem xét.
Quý Hiên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.