Năm 2018 có thể chỉ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1

03/05/2017 09:37 GMT+7

Tiếp thu ý kiến, một số thành viên Ban Phát triển chương trình kiến nghị Bộ GD-ĐT triển khai theo từng bước, cụ thể: Trong năm học 2018 - 2019, cho triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1...

Theo tổng hợp ý kiến về dự thảo chương trình mới và giải trình của Ban Phát triển chương trình, đến ngày 2.5 nhiều ý kiến lo lắng về khả năng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai chương trình mới từ đầu năm học 2018 - 2019.
Tiếp thu ý kiến, một số thành viên Ban Phát triển chương trình kiến nghị Bộ GD-ĐT triển khai theo từng bước, cụ thể: Trong năm học 2018 - 2019, cho triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở các lớp 2, 6 và 10. Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và 6, dạy thực nghiệm các lớp 3, 7 và 10. Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, 7, 10... Đến năm học 2022 - 2023, chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra. Như vậy, các địa phương sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Về thời lượng học tập, theo Ban Phát triển, dự thảo đã giảm số môn học, thời lượng học so với chương trình hiện hành và còn thấp hơn các nước. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến phê bình, Ban Phát triển dự kiến báo cáo Hội đồng thẩm định quốc gia không tổ chức dạy môn thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy tin học và tìm hiểu công nghệ từ lớp 3. Số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 cũng sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần.
Về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Ban Phát triển cho rằng được thực hiện theo tinh thần học sinh là người tổ chức hoạt động dưới sự hướng dẫn của nhà giáo dục, phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu và điều kiện thực hiện của cơ sở giáo dục và địa phương. Phần lớn là những hoạt động quen thuộc ở tất cả các trường phổ thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.