Mùa dịch Covid-19, có hiệu quả khi dùng bài thuốc dân gian vệ sinh lớp học ?

Phạm Hữu
Phạm Hữu
23/02/2020 18:16 GMT+7

Ngoài sử dụng các biện pháp khử khuẩn theo quy định, một trường mầm non ở Q.Bình Tân (TP.HCM) đã nghĩ thêm một bài thuốc dân gian , dùng sả, gừng để vệ sinh trong lớp học mùa dịch Covid-19.

Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, các cơ sở, trường mầm non đều thực hiện các biện pháp phòng dịch. Trong đó, nhiều trường đã thực hiện việc tổng vệ sinh, khử khuẩn theo quy định.
Bên cạnh những công tác phòng dịch theo chuyên môn, các giáo viên trường mầm non 1 tháng 6 (P.Bình Hưng Hoà B, Q.Bình Tân, TP.HCM) còn áp dụng thêm những 'bài thuốc' dân gian để vệ sinh, khử khuẩn trong từng lớp học.

Phương pháp xông thảo mộc dân gian được trường mẫu giáo 1 tháng 6 áp dụng thêm để vệ sinh lớp học

Phạm Hữu

Cô Phạm Thị Lành, Hiệu trưởng trường mầm non 1 tháng 6, cho biết: "Ngoài áp dụng các biện pháp đã được hướng dẫn, do trường có đông con em công nhân ở các khu công nghiệp nên đợt dịch này trường còn tăng cường thêm các biện pháp khử khuẩn lớp học. Đơn cử trường còn sử dụng thêm các phương pháp'bài thuốc' dân gian như xông hơi phòng học, ngâm rượu gừng để rửa tay sát khuẩn.
Những phương pháp này được áp dụng nhiều trong cuộc sống nên từ đó trường cũng áp dụng theo. Những loại thảo mộc dân gian này có sẵn, rất rẻ tiền và để thực hiện.
Nguyên liệu xông gồm có sả, gừng, bồ kết mà dân gian hay dùng để khử khuẩn cho không khí trong sạch. Chỉ cần một nồi điện, một ít nước, vài cây sả cộng với bồ kết và gừng là có thể thực hiện được.
Theo cô Lành, những nguyên liệu này rất dễ tìm, cây sả lấy từ vườn rau của trường, bồ kết hoặc gừng có thể mua tại các chợ. Giá cho mỗi lần xông chỉ mất khoảng 5.000 đồng cho 30 phút xông trong một lớp học.

Theo các giáo viên cây sả, gừng, bồ kết là những loại trái, cây dễ tìm với giá thành rất rẻ

Phạm Hữu

Ngoài ra trường còn sử dụng rượu gừng để rửa tay sát khuẩn

Phạm Hữu

Xông hơi phòng học trong thời điểm học sinh nghỉ học ở trường mầm non 1 tháng 6 

Ngoài ra, nhiều cô giáo ở trường mầm non còn tự tay gọt gừng ngâm rượu để dành rửa tay sát khuẩn cho giáo viên. Theo giáo viên tại đây, thay vì mua những loại nước rửa tay trôi nổi không đảm bảo chất lượng thì rượu gừng là một sản phẩm thay thế. Bởi trong rượu có cồn kèm theo gừng kết hợp gần giống như dung dịch sát khuẩn, giữ ấm cho cơ thể.
Cô Lành cũng cho biết thêm: “Xông xả, gừng để không khí phòng học khỏi mùi ẩm mốc khi học sinh nghỉ học trong thời gian dài. Đây là bài thuốc của dân gian thường hay sử dụng. Trong khoảng thời gian học sinh nghỉ, thường lớp học có một mùi lạnh lẽo, nhưng khi xông thì lớp học trở nên ấm áp hơn.  Khi làm xong tôi cảm thấy môi trường lớp học trong sạch, thoải mái tinh thần. Mà khi môi trường mình thơm sạch thì sẽ không có vi khuẩn. Còn những gì của nhà nước quy định thì chúng tôi cũng đã có thực hiện như vệ sinh lau chùi bằng cloramin b trước đó”, cô Lành hiệu trưởng trường mầm non 1 tháng 6 cho biết thêm.
Chỉ khử khuẩn phần nhỏ chứ không đủ mạnh 
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lê Nguyễn Việt Hùng, Giảng viên trường Đại Học Y Dược TP.HCM cho biết, đây là một phương pháp mà dân gian thường hay sử dụng. Việc xông bằng cây sả có tác dụng đuổi muỗi, côn trùng, giải tỏa căng thẳng, có tính sát khuẩn, diệt nấm mốc. Nhiều khi tinh dầu sả còn dùng để rửa vết thương sát khuẩn. Tuy nhiên, về bồ kết chỉ có tác dụng để gội đầu, cho tóc bóng khoẻ, không diệt khuẩn. Còn củ gừng chỉ tạo mùi thơm nồng ấm khi được sử dụng chung. Cơ bản phương pháp xông này khử khuẩn  phần nhỏ chứ không mạnh như những loại hoá chất tân dược như cloramin b.
Về việc dùng gừng ngâm rượu để rửa tay, theo bác sĩ Hùng vẫn có tính sát khuẩn khi sử dụng. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cần phải xem lại nồng độ cồn trong rượu ra sao. Để diệt khuẩn hiệu quả, nồng độ cồn trong rượu phải từ 70 độ trở lên. Nếu pha thêm dược liệu khác phải xem có bị loãng nồng độ cồn hay không. Còn gừng chỉ có tác dụng tạo mùi thơm dễ chịu khi rửa tay chứ hoàn toàn không có tác dụng diệt khuẩn.
Bác sĩ Hùng cũng lưu ý, các sản phẩm nước rửa tay không được uống, không bôi vào mắt, miệng. Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã có công thức pha chế nước rửa tay đơn giản, các trường có thể áp dụng một cách dễ dàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.