Một người đi học có ít nhất 6 người 'giám sát' giáo viên

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
15/12/2018 08:30 GMT+7

Lần đầu tiên, người đứng đầu ngành GD-ĐT chủ trì buổi tọa đàm để lắng nghe về thực trạng, nguyên nhân và những đề xuất nhằm giảm áp lực cho giáo viên đồng thời khẳng định sẽ rà soát để thay đổi tận gốc thực trạng này.

Sáng 13.12, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm "Áp lực của giáo viên, nguyên nhân và giải pháp" dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Trăm sự đổ… vào giáo viên

Bà Đỗ Thúy Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch vọng B (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), chỉ ra rằng: 1 giáo viên (GV) tiểu học 1 ngày dạy 7 tiết, soạn 7 giáo án vì 1 người phải dạy nhiều môn học khác nhau, chưa kể họ còn phải quản lý các lớp học bán trú... GV cũng không xác định được thời gian làm việc, họ ở trường từ 7 giờ 30 và rời trường sớm nhất là 17 giờ. Có những bố mẹ đón con muộn, có khi cô giáo phải trông học sinh (HS) đến 19 giờ… Nhưng về đến nhà thì GV lại tiếp tục phải soạn bài, chấm bài... Trong khi đó, theo quy định hiện nay, lương của GV tiểu học dù được đào tạo hệ ĐH nhưng chỉ được tính lương khởi điểm hệ trung cấp (theo chuẩn nghề nghiệp với GV tiểu học), nghĩa là chỉ được khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng.
Cũng theo bà Mai, 1 HS đến trường ít nhất có 6 người quan tâm, “giám sát” (bao gồm bố mẹ, ông bà nội ngoại của mỗi em). Trong khi đó, hiện nay, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh nên trung bình mỗi lớp của Trường tiểu học Dịch Vọng B là 60 HS/lớp. Do vậy mà nghề giáo có nhiều tự hào nhưng cũng rất căng thẳng, áp lực. Có những sự cố xảy ra không lớn nhưng việc giải quyết hậu quả lại rất phức tạp vì nhiều lúc phụ huynh không trao đổi với GV hay nhà trường mà chia sẻ lên cộng đồng mạng gây hiểu lầm khi thông tin một chiều và chưa được kiểm chứng.
Theo bà Mai, nhiều khi phụ huynh không chấp nhận tình trạng thực tế của con mình về học lực cũng như sức khỏe. Nhiều HS mắc chứng tự kỷ nhưng bố mẹ không thừa nhận và hợp tác trong giáo dục con và đổ lỗi tất cả cho GV, cho nhà trường khi không may có vấn đề gì xảy ra. "Chúng tôi đã phải thành lập những hòm thư mang tên “Điều em muốn nói” để HS có thể chia sẻ tâm tư, mong muốn của mình với GV và với cả cha mẹ để các gia đình hiểu hơn con em mình chứ không chỉ đổ lỗi cho GV", bà Mai nói.
Bà Hoàng Phương Ngọc, GV Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội), cũng cho rằng chính tâm lý “trăm sự nhờ cô” của phụ huynh khiến GV không chỉ lo làm tốt chuyên môn mà còn phải lo cả việc tư vấn tâm lý, giáo dục giới tính cho HS. Theo bà Ngọc, áp lực của GV trong thời đại mới còn đến từ chính HS của mình. HS có thể học trực tuyến qua mạng, học các chương trình quốc tế… nên bản thân GV muốn được HS kính trọng thì phải rất nỗ lực trong việc tự học hỏi, tự làm mới mình bởi sự thuyết phục của người thầy với người trò rất quan trọng. “Muốn có thời gian để tự học, GV cần được giảm các việc ngoài chuyên môn, giảm hồ sơ sổ sách để giảm áp lực về mặt thời gian”, bà Ngọc đề nghị.

Áp lực thành tích, điểm số

Bà Phan Thị Hồ Điệp, Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng cho rằng GV hiện chịu áp lực rất lớn từ phụ huynh. Cha mẹ HS thường kỳ vọng rất lớn vào con mình và vì thế đặt nặng vấn đề thành tích điểm số, coi con là phương tiện để đạt được những kỳ vọng của mình. “Tôi từng chứng kiến cảnh HS bị phụ huynh đánh, mắng, thậm chí xé bài con ngay ở cổng trường, trước đông người. Và GV cũng phải chịu áp lực làm sao đạt kỳ vọng của phụ huynh”, bà Điệp chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), chỉ ra rất nhiều áp lực đối với GV, trong đó có áp lực thi đua. Các tiêu chí đánh giá nhà trường phổ thông của ngành giáo dục đều có chỉ tiêu về tỷ lệ HS giỏi, hạnh kiểm tốt, tỷ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp 100%... Cha mẹ HS đánh giá chất lượng dạy học của nhà trường chỉ thông qua điểm số. Bên cạnh đó, ngành giáo dục đưa ra các chỉ tiêu về “trường xuất sắc”, “phòng giáo dục xuất sắc”... dựa trên thành tích về tỷ lệ HS giỏi, giải HS giỏi, điểm thi vào lớp 10, chỉ tiêu về số lượng chiến sĩ thi đua...
Không đưa tiêu chí 100% HS lên lớp áp thi đua cho GV
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng sau buổi tọa đàm này, ông sẽ tiếp tục đến cơ sở, cả những vùng khó khăn nhất để lắng nghe ý kiến trực tiếp từ GV đứng lớp về các vấn đề của GV hiện nay, trong đó có áp lực của nghề.
Theo ông Nhạ, áp lực của GV rất rộng, từ cơ chế chính sách, thu nhập, phụ cấp, đến môi trường xã hội, gia đình và HS. “GV chịu áp lực nhưng không phải vì thế mà vin vào áp lực để đi ngược chuẩn đạo đức. Cũng không phải vì trường hợp cá biệt mà khái quát lên khiến thầy cô lo lắng. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho thầy cô yên tâm, còn làm sai ở đâu sẽ sửa. Nếu không sửa, GV sẽ được đưa ra khỏi ngành. Thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng giải pháp mang tính gốc rễ là các trường sư phạm phải đào tạo giáo sinh phù hợp, có tri thức, kiên nhẫn, yêu nghề. Phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng dạy người, rèn luyện giáo sinh phải được chú trọng, phát huy phẩm chất nhà giáo. Khi ra trường, họ sẽ trở thành GV tự ứng xử được các vấn đề, chủ động giảm áp lực cho chính mình.
Ông Nhạ khẳng định rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho GV sẽ cắt bỏ. Thậm chí, thi GV giỏi cũng phải thực chất. “Trước đó, Bộ đã chỉ đạo cắt giảm nhiều cuộc thi nhưng tới đây, cả việc làm sổ sách đánh giá cũng phải giảm bớt, đặc biệt kiên quyết không đưa tiêu chí 100% HS phải lên lớp để áp thi đua cho GV”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.