Một kỳ thi quốc gia: Phải chuẩn bị kỹ lưỡng

19/07/2014 02:15 GMT+7

Ủng hộ một kỳ thi quốc gia vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ tuyển sinh đầu vào các trường ĐH, CĐ nhưng đại diện các trường ĐH đề nghị mọi việc phải dựa trên chất lượng, kỷ cương, nghiêm túc, phải công bố sớm để học sinh và các trường chuẩn bị.

Ủng hộ một kỳ thi quốc gia vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ tuyển sinh đầu vào các trường ĐH, CĐ nhưng đại diện các trường ĐH đề nghị mọi việc phải dựa trên chất lượng, kỷ cương, nghiêm túc, phải công bố sớm để học sinh và các trường chuẩn bị. 

>> Một kỳ thi quốc gia: Không thể là ‘dấu cộng’ của hai kỳ thi

 Một kỳ thi quốc gia: Phải chuẩn bị kỹ lưỡng
Giáo viên chấm thi ĐH tại Trường ĐH Sài Gòn. Nhiều người ủng hộ một kỳ thi chung nhưng lo ngại khâu xem và chấm thi không được chặt chẽ như kỳ thi tuyển sinh ĐH - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Lấy tinh thần của kỳ thi ĐH

Theo quan điểm của PGS-TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, có thể thực hiện một kỳ thi quốc gia vào ngay năm 2015. Tuy nhiên, tiến sĩ Thư lo ngại: “Vấn đề ở đây là triết lý và bản chất của hai kỳ thi này xưa giờ quá khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ kiểm tra đánh giá kết quả học phổ thông với tỷ lệ đỗ luôn trên 90%, trong khi kỳ thi ĐH - CĐ là kỳ thi tuyển có tính cạnh tranh khốc liệt. Mọi khâu của hai kỳ thi này đều khác biệt về tính nghiêm túc từ tổ chức thi, đề thi cho tới chấm thi”.

Tiến sĩ Thư nhấn mạnh: “Muốn để các trường ĐH tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia này để chọn lựa thí sinh, việc tổ chức kỳ thi này phải theo đúng tinh thần như kỳ thi tuyển sinh ĐH hiện nay, thực sự nghiêm túc trong tất cả các khâu. Nếu kỳ thi diễn ra đúng như kỳ vọng thì trường tôi sẽ dựa vào đó xét tuyển thí sinh, còn không sẽ phải bổ sung thêm cách thức kiểm tra đánh giá để chọn được thí sinh có năng lực vào học ĐH”.

Ông Lê Hữu Lập, Học viện Bưu chính viễn thông, cũng cho rằng ủng hộ tổ chức một kỳ thi chung và có thể làm được ngay từ năm 2015 nhưng điều quan trọng là việc tổ chức thi như thế nào. Ông Lập phân tích: “Cách thi tốt nghiệp THPT phải khác, không thể giao cho mỗi địa phương vì khó có một kết quả khách quan. Kết quả thi THPT như hiện nay thì không thể tin được. Vì vậy cần phải tổ chức thi nghiêm túc như kỳ thi ĐH và các trường ĐH phải đứng ra đảm nhiệm”. Ông lập đề nghị không tổ chức thi ở 64 tỉnh như hiện nay nhưng dồn lại thành những cụm thi như cụm thi ĐH. Phải tăng cường công tác coi thi và thanh tra. Có thể vẫn cho thí sinh thi ít nhất 4 môn và một số môn tự chọn để các trường làm căn cứ xét tuyển ĐH. Như vậy lúc đó sẽ không còn khối thi nữa.  

Chỉ là sơ tuyển đối với trường tốp đầu

Ủng hộ một kỳ thi chung nhưng đại diện nhiều trường ĐH cho biết sẽ không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH.

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội,  băn khoăn: “Tôi ủng hộ một kỳ thi chung nhưng thi như thế nào, ai tổ chức? Nếu Bộ GD-ĐT bỏ thi 3 chung thì chúng tôi (các trường ĐH - PV) sẽ liên kết để tổ chức thi. Theo tôi cần đánh giá học sinh theo một thước đo chung chứ không nên mỗi trường tổ chức thi riêng như trước đây. Chúng tôi còn muốn  sinh viên tốt nghiệp ngành y phải thi tốt nghiệp chung để có một chuẩn chung thì mới đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực”. Ông Vũ Hoàng Linh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết trường sẽ tổ chức một kỳ thi riêng bằng bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội chứ không dùng kết quả thi chung.

PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng nhận định: “Các trường tốp dưới hoặc trường CĐ có thể xét tuyển thí sinh dựa vào kỳ thi quốc gia này. Nhưng các trường ĐH tốp trên kỳ thi này chỉ nên là một khâu sơ tuyển trước khi có một hình thức tuyển lựa thí sinh khác vào các trường ĐH. Nhưng dù các trường có tổ chức thi riêng thì nhất thiết vẫn phải đặt hàng đề thi từ ngân hàng đề thi của Bộ mới đảm bảo tính công bằng, tránh hiện tượng tiêu cực trong việc luyện thi”. 

Tổ hợp các môn học trong đề thi

Thống nhất một kỳ thi quốc gia dùng để đánh giá học sinh THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là một chủ trương đúng. Vấn đề là làm như thế nào và thời điểm thực hiện?

Đề thi nên là tổ hợp các môn học chứ không hẳn chỉ là một môn học và không phải môn học nào cũng thi riêng. Tôi đề nghị các môn (đề) thi sau đây: toán (và tin), ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học (tổ hợp các môn vật lý, hóa học và sinh học), xã hội (tổ hợp các môn học lịch sử, địa lý và giáo dục công dân). Mỗi đề thi trong 180 phút nếu là tự luận, không ít hơn 90 phút nếu là trắc nghiệm. Đề thi do Cục Khảo thí (hiện đang trực thuộc Bộ GD-ĐT) chịu trách nhiệm soạn thảo.

Để tổ chức tốt kỳ thi, mỗi huyện chỉ nên có một vài hội đồng thi để việc thi và giám sát việc thi tốt hơn. Nếu là 5 môn thi như đề nghị thì kỳ thi diễn ra trong hai ngày rưỡi (sau này, nếu nhà nước cho phép người học sử dụng kết quả đánh giá các môn thi ngoại ngữ từ các trung tâm quốc gia về đánh giá năng lực ngoại ngữ thì có thể rút thời gian thi xuống còn 2 ngày). Thời điểm thi cũng như hiện nay: đầu tháng 6 khi các trường ĐH kết thúc năm học. Giám thị và giám khảo là giáo viên phổ thông và giảng viên ĐH. Việc tổ chức chấm thi phải là tập trung theo từng cụm.

Các trường ĐH có thể căn cứ vào học bạ phổ thông, kết quả kỳ thi quốc gia, có thể kết hợp cả hai. Các trường cũng toàn quyền trong việc tổ chức kiểm tra thí sinh (sau khi sơ tuyển hồ sơ) trong kỳ tuyển sinh của mình.

Vấn đề là sự chuẩn bị, nhưng hơn cả là thay đổi tư duy nặng nề về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh hiện nay. Sau đó là một lộ trình với các bước đi cụ thể của Bộ GD-ĐT.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng
(Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Ý kiến

Cần thông báo sớm

“Giáo viên, học sinh và phụ huynh đòi hỏi thay đổi thì phải thông báo sớm. Cách làm như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là quá chậm trễ. Thời điểm này các cấp lãnh đạo, các cơ quan chịu trách nhiệm nên đưa ngay dự thảo chi tiết để các lực lượng trong xã hội cùng tham gia góp ý. Trễ nhất thì đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 phải có văn bản chính thức”.

(Hiệu trưởng một trường phổ thông tại TP.HCM)

Đầu năm học phải có thông tin ngay

“Nếu đã quyết thì phải quyết ngay. Vào đầu năm học, học sinh phải nắm thông tin này để có sự chuẩn bị. Không nên để như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Các hướng dẫn phải triển khai sớm để trường chuẩn bị cũng như học sinh ổn định tinh thần và kiến thức. Kiến thức nào dành cho thi tốt nghiệp, kiến thức nào để thi ĐH phải nói rõ”.

Ông Trần Văn Đức
(Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường Q.9, TP.HCM)

Thí sinh có thiệt thòi ?

“Trước đây không lâu, Bộ GD-ĐT có nói là đến sau năm 2016 mới thực hiện phương án một kỳ thi quốc gia. Bây giờ lại nói là xem xét để triển khai ngay trong năm tới. Nếu những thí sinh không đậu kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua thì sẽ thiệt thòi vì không có thời gian chuẩn bị kịp cho những thay đổi sắp tới”.

 Nguyễn Quang Đăng
(Đồng Nai)

Lo nhất là coi thi và chấm thi

Chỉ còn một kỳ thi quốc gia sẽ rất tiện cho học sinh và cả nhà trường đồng thời sẽ đỡ tốn kém cho cả ngân sách nhà nước và phụ huynh, học trò lớp 12 sẽ giảm bớt được áp lực thi cử. Điều lo nhất là công tác tổ chức coi thi và chấm thi sao cho công bằng ở các vùng miền, tránh trường hợp, nhiều địa phương thương học sinh mình, muốn học sinh tỉnh mình vào ĐH nên chấm nới tay.

Ông Nguyễn Đình Thịnh
(Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

B.Thanh - M.Luân
(ghi)

Hà Ánh - Vũ Thơ 

>> Một kỳ thi quốc gia: Không thể là ‘dấu cộng’ của hai kỳ thi
>> Xem xét tổ chức một kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015
>> Bộ GD-ĐT tính phương án chỉ còn một kỳ thi quốc gia
>> Hướng tới một kỳ thi quốc gia từ năm 2015 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.