Một giải pháp nhân văn

13/06/2018 10:55 GMT+7

Chính sách miễn học phí đối với SV ngành SP thực hiện từ năm 1998 đến nay có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, cũng có các tác động tiêu cực của chính sách như liệu những SV này có thực sự phù hợp với yêu cầu ngành cũng như có nhiều SV giỏi vào ngành SP hay không.

Một nghiên cứu mới đây tại Trường CĐSP Vĩnh Long cho thấy 36,54% SV năm thứ nhất chọn học tại trường này với lý do “miễn học phí”. Một nghiên cứu khác cho kết quả 13,7% SV khẳng định gia đình có khả năng đóng tiền học phí cho họ, 18,8% SV cho biết bản thân có khả năng tự đóng học phí, 22,1% cho rằng vẫn tiếp tục học SP dù không được miễn học phí. Vì thế, không đủ luận cứ để khẳng định SV ngành SP có hoàn cảnh khó khăn sẽ bỏ học nếu chính sách này không còn tồn tại.
Cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội, việc thu hút học sinh giỏi bằng hình thức miễn học phí đã không còn nhiều tác dụng. Thực tế cho thấy các học sinh khá, giỏi thường có rất nhiều lựa chọn để theo học các ngành nghề khác hơn chọn SP. Điều này dẫn tới hệ quả, ngành SP trở thành sự lựa chọn hàng đầu của những SV học lực trung bình hoặc trở thành nguyện vọng 2 khi những ngành nghề khác không đủ điểm đầu vào. Điều này đặc biệt diễn ra ở những trường SP địa phương.

Theo quy định, để được hưởng chính sách miễn học phí, SV phải có cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ trong ngành giáo dục. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình thực thi chính sách này, không có bất cứ cơ quan, đơn vị hay bộ phận nào để kiểm tra xem SV có thực hiện đúng cam kết hay không. Điều này dẫn tới sự phí phạm ngân sách nhà nước đầu tư cho những SV này và tạo ra sự thiếu công bằng so với những SV của các ngành nghề khác ở một mức độ nhất định.
Chính sách này cũng ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước. Thực tế nguồn kinh phí trong ngân sách nhà nước dành để thực hiện chính sách miễn học phí cho SV SP không nhỏ. Theo báo cáo từ các hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ GD-ĐT, năm 2011, trong hơn 4.000 tỉ đồng ngân sách chi cho giáo dục thì riêng dự toán chi bù học phí cho các trường SP trực thuộc Bộ theo khung học phí quy định tại Nghị định 49 là gần 250 tỉ đồng. Đến năm 2013 là hơn 440 tỉ đồng và năm 2014 hơn 484 tỉ.
Chính sách không thu học phí SV SP đã thực hiện tốt vai trò của mình trên bình diện lịch sử. Các giải pháp về chính sách, các đề xuất liên quan đến luật cần đảm bảo để có thể nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên trong tình hình mới. Trong đó tín dụng SP là một trong những giải pháp nhân văn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.