Mong ước công bằng cho giáo dục tiểu học

25/07/2018 09:52 GMT+7

Tôi vẫn hằng mong ước, mỗi buổi sáng trong từng khu phố, trẻ em trong từng căn nhà bước ra đường, choàng vai nhau thân thiện cùng đến với ngôi trường tiểu học của mình.

Các em không phân biệt cha mẹ làm nghề gì, chức tước gì, giàu hay nghèo. Các em chỉ biết một điều là bạn bè học chung dưới mái học đường. Tôi cũng mong ước các bậc cha mẹ nhìn theo bước đi, nghe tiếng nói tiếng cười của các con mình mà chung tay với nhà trường, với thầy cô để giáo dục con em ngày càng tốt hơn, giỏi hơn.
Vào năm 1998, tôi được sang Pháp cùng đoàn giáo dục tiểu học TP.HCM theo chương trình dạy tiếng Pháp. Chúng tôi đến thăm một số trường tiểu học. Xem hồ sơ cha mẹ các em, thu nhập gia đình để đóng tiền ăn ở trường toàn phần, được giảm bao nhiêu phần trăm hay được trợ cấp, miễn phần đóng góp hoặc cấp học bổng. Hiệu trưởng chỉ tiếp nhận và làm nhiệm vụ dạy dỗ HS trong trường…

Năm 2011, tôi đưa đoàn hiệu trưởng tiểu học TP đi học tập các trường tiểu học Singapore. Chúng tôi đến nhiều trường, trong đó có Trường tiểu học Nanyang. Ngôi trường thật lý tưởng. Hiệu trưởng cho biết việc tuyển sinh theo các quy định như sau: Con của viên chức chính phủ được chọn trường cho thuận tiện công việc mà mình đảm trách. Các trường tiểu học ưu tiên tiếp nhận. Con em của những gia đình đang sống xung quanh trường theo bán kính đã được ban hành theo chủ quyền nhà hay hợp đồng thuê nhà. Ngoài các thành phần trên, nhà trường sẽ thông báo số lượng HS được tiếp nhận thêm với cách thức như sau: 50% là sự đóng góp bằng tiền của phụ huynh để phát triển các hoạt động nhà trường. Lấy từ trên cao xuống một cách công khai. 50% là sự đóng góp công sức của các bậc cha mẹ. Phụ huynh đăng ký lao động bằng nhiều hình thức cho nhà trường trong thời gian rảnh rỗi, phù hợp năng lực và thời gian của mình như chụp ảnh, chăm sóc cây cảnh, vào đọc sách trong thư viện, đánh đàn, múa, đóng kịch, kể chuyện… Cuối đợt hội đồng nhà trường sẽ ghi nhận tấm lòng của những ông cha bà mẹ đã tận tụy hết lòng với con em mình và sẽ bình chọn để được nhận vào học. Tất cả đều phải minh bạch, rõ ràng, không gửi gắm, không chiếu lệ và thiên vị...
Trở lại VN, những ông bà, cha mẹ có cháu sắp vào lớp 1 đều lo lắng, hỏi thăm và nhờ giới thiệu vào các trường tiểu học tốt nhất. Tôi trả lời, tất cả các trường tiểu học của TP mình đều tốt, đều dạy theo chương trình nhà nước. Nhưng thật sự không thuyết phục. Tôi đã tiếp một bà mẹ lên tận Sở GD-ĐT để xin cho con mình được vào lớp 1 mà hằng ngày gánh hàng đi bán, mỗi lần ngang trường, chị có một mơ ước lớn lao là con mình được vào học khi đến tuổi lớp 1. Thật ra, tôi chẳng có quyền quyết định gì nhưng cũng hết lòng giới thiệu trường hợp con chị cho hội đồng tuyển sinh nhà trường. Ngày nhà giáo 20.11 năm đó chị lên cho tôi một ít trái cây, vừa cảm ơn vừa khóc. Chị hạnh phúc đưa cháu hằng ngày đến ngôi trường mà chị mơ ước.
Lúc còn phụ trách giáo dục tiểu học TP, tôi luôn dặn dò hiệu trưởng phải thật biết ơn phụ huynh đã tin tưởng nhà trường và mong muốn được đưa con em mình đến học. Nếu xét mà không nhận được thì hiệu trưởng phải gửi thư cảm ơn các bậc cha mẹ và chúc cho các con dù học trường nào cũng là con ngoan trò giỏi. Tôi luôn mong ước tìm sự công bằng cho giáo dục tiểu học vì đó là nền tảng của văn minh, là khởi đầu cho tình yêu thương và hạnh phúc của con người như Bác Hồ đã dạy "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục làm nên". Tôi cũng có đề xuất lên các cấp lãnh đạo tìm sự công bằng cho giáo dục tiểu học. Tôi mong ước hằng năm cứ vào ngày tựu trường, các bậc cha mẹ và con em mình thật hạnh phúc bước vào ngôi trường tiểu học yêu thương để học làm người, và mãi mãi giáo dục tiểu học là niềm tin của mọi gia đình, của xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.