Mong chờ thay đổi gì ở ngành giáo dục ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
01/01/2021 07:38 GMT+7

Năm 2021, nhiều chính sách quan trọng liên quan trực tiếp đến nhà giáo và học sinh có hiệu lực thi hành. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để quy định từ văn bản có thể bước vào cuộc sống?

 

Giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vào ngày 29.12.2020, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong năm 2021 cần tập trung giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên (GV).
Người đứng đầu ngành GD-ĐT lưu ý để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới sách giáo khoa (SGK) theo lộ trình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết cần giải quyết căn bản tình trạng thiếu GV ở tất cả các cấp học. Bộ đề nghị các địa phương rà soát, xây dựng đề án phát triển GV trong 5 năm tới để chủ động nguồn nhân lực; khẳng định sẵn sàng phối hợp với các địa phương để tính toán nhu cầu, trình độ cho nhu cầu phát triển địa phương.

Giảm đầu điểm kiểm tra

Năm 2021 cũng là năm đổi mới mạnh mẽ trong việc kiểm tra, đánh giá HS, đặc biệt với cấp THCS và THPT bằng việc Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và HS THPT có hiệu lực thi hành cùng các văn bản hướng dẫn kèm theo. Nhiều thay đổi cụ thể như: giảm số đầu điểm, đa dạng hóa hình thức kiểm tra...

Mong thực thi “lời hứa”

Cả nước hiện có hơn 1,4 triệu GV, cán bộ quản lý giáo dục. Đây là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục và quyết định thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục. Bộ trưởng GD-ĐT nhiều lần khẳng định sẽ nỗ lực để “giảm áp lực cho GV”. Nhà giáo trên cả nước đang mong đợi 2021 sẽ là năm nhiều chính sách có hiệu lực để thực thi “lời hứa” này, đồng thời tiếp nối những khởi đầu của năm 2020 như: chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; gỡ bỏ những quy định về sổ sách không cần thiết, giúp GV tập trung đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Tại các thông tư mới ban hành về điều lệ trường tiểu học, trường học, Bộ cũng khuyến khích tăng cường sổ sách điện tử nhằm tạo chuyển biến trong việc giảm hồ sơ, sổ sách cho GV, số lượng sổ sách của GV tiếp tục được giảm thiểu đáng kể.

Chốt phương án thi THPT 2021

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã có văn bản khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định như năm 2020, nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của HS sau 12 năm học theo chuẩn đầu ra của chương trình, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực của HS, có độ tin cậy và sự phân hóa. Kết quả kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Kỳ thi trong năm 2021 sẽ diễn ra trong 2 ngày với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập, bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tự chọn từ 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đối với HS THPT và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với HS giáo dục thường xuyên. Bộ chịu trách nhiệm ra đề. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu chương trình lớp 12. Về hình thức thi, chỉ duy nhất môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ bao gồm: 70% điểm trung bình của 4 bài thi cộng với 30% điểm trung bình các môn học trong học bạ lớp 12.
Đáng chú ý, gánh nặng về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không phù hợp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ GV. Sự vất vả, tốn kém từ những chứng chỉ này đã khiến GV thêm áp lực, khó khăn khi theo đuổi nghề nghiệp. Để gỡ bỏ khó khăn này cho GV, Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho GV.
Ngày 30.12.2020, ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết đã hoàn tất các quy trình soạn thảo văn bản để ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương GV mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sẽ không còn yêu cầu GV phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định GV dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ thứ hai; không quy định GV dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc. Dự kiến các thông tư này sẽ có hiệu lực từ tháng 2.2021.

Siết quy trình thẩm định, phê duyệt SGK

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết sau những phản hồi về chương trình và một số nội dung SGK tiếng Việt lớp 1, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình biên soạn SGK giáo dục phổ thông; tiếp tục chỉ đạo sát sao việc biên soạn, thẩm định sách từ lớp 2 - 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình. Trước mắt, với SGK lớp 2, lớp 6 sẽ đưa vào sử dụng từ năm học 2021 - 2022, Bộ đã đưa ra những giải pháp nhằm khẳng định quyết tâm này.
Theo ông Độ, một trong những nội dung quan trọng là Bộ sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực nghiệm SGK, thay vì giao quyền chủ động hoàn toàn cho nhà xuất bản như trước. Bên cạnh đó, Bộ sẽ công bố bản mẫu để lấy ý kiến rộng rãi trước khi phê duyệt. Bộ cũng đã có văn bản gửi các sở GD-ĐT đề nghị tổ chức cho GV dạy các môn học, hoạt động giáo dục trên cả nước tham gia góp ý các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6.

Bỏ quy định lỗi thời về kỷ luật, khen thưởng học sinh

Một trong những nội dung bị phản ứng gay gắt trong quy định về kỷ luật học sinh (HS) trong quy định hiện hành về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật HS các trường phổ thông là việc phê bình trước lớp, trước toàn trường; quy định đuổi học HS… Chính vì vậy, dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với HS phổ thông dự kiến ban hành trong năm 2021 sẽ bãi bỏ các quy định này. Thay vào đó, dự thảo thông tư mới yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của HS, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là “kỷ luật tích cực” với từng HS.
Mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường theo dự thảo thông tư mới là “tạm dừng học tập trên lớp”, thay thế cho cụm từ “đuổi học” trong quy định hiện hành. Bên cạnh đó, để chấn chỉnh tình trạng “lạm phát” giấy khen HS giỏi như thời gian qua, dự thảo thông tư mới dự kiến việc tặng giấy khen của hiệu trưởng cho HS sẽ chỉ tiến hành vào cuối mỗi năm học, thay vì cuối học kỳ như hiện nay. Chỉ tặng giấy khen với những HS thực sự xuất sắc, không có giấy khen cho HS học tiên tiến (khá) hay giấy khen từng mặt... như hiện nay.

Công nhận dạy học trực tuyến

Năm 2020, vì đại dịch Covid-19, gần 24 triệu HS - SV của khoảng hơn 53.000 cơ sở GD-ĐT cả nước không thể đến trường. Xác định chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục ĐH tăng cường hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình. Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, VN có gần 80% HS được học trực tuyến. Dựa vào kinh nghiệm và đòi hỏi thực tiễn của hình thức dạy học này, Bộ đã xây dựng dự thảo thông tư ban hành quản lý dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành trong năm 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.