Mối nguy lấy dấu vân tay trẻ 'để thành thiên tài'

24/07/2016 08:58 GMT+7

Hiện nay có nhiều công ty với đủ các tên gọi từ tiếng Anh đến tiếng Việt đua nhau mọc lên, kèm theo lời giới thiệu có 'cánh' về dịch vụ sinh trắc vân tay, định hướng tương lai cho trẻ em.

Đây là một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi, nhưng các chuyên gia cho rằng đang tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường cho trẻ.
Chính xác trên 90% ?
Dịch vụ lấy vân tay trẻ để nhận biết điểm mạnh, điểm yếu ở trẻ từ đó giúp bố mẹ có định hướng, giáo dục con mình gọi tắt là “sinh trắc vân tay” xuất hiện ở VN khoảng 4 năm nay. Trong vai phụ huynh cần tìm hiểu về dịch vụ này tại TP.HCM, PV Thanh Niên đến công ty M tại Q.3, được nữ nhân viên tên Quý giới thiệu “Chỉ cần lấy dấu vân tay ở trẻ, gửi sang Malaysia phân tích từ 5 - 7 ngày sẽ có kết quả. Lúc đó, sẽ có chuyên gia tâm lý đọc kết quả và phân tích cho phụ huynh nghe để từ đó định hướng và giáo dục tốt cho con. Công ty em liên kết với Hội Sinh trắc vân tay châu Á nên chất lượng thì phụ huynh yên tâm, giá 3 triệu đồng/lần”. Chúng tôi lo ngại: ai đảm bảo không bị lộ dấu vân tay, thông tin cá nhân của bé ra ngoài? Quý đảm bảo: “Sau 1 tháng lấy dấu vân tay của bé, công ty sẽ xóa dữ liệu và cam kết với gia đình không để lộ ra ngoài!”.
Nhiều chỗ khác, đưa ra mức giá từ 2 - 3 triệu đồng/lần, kèm theo những ưu đãi đặc biệt. Tại công ty W ở Q.Tân Bình, nhân viên tư vấn tên Đẹp cho biết: “Công ty em mỗi năm làm cho 40.000 khách hàng trên khắp cả nước và kết quả chính xác gần như tuyệt đối. Hiện công ty có chương trình khuyến mãi, nếu anh giới thiệu được 5 khách hàng thì con anh sẽ được miễn phí hoàn toàn”. Tại công ty I ở Q.1, nam nhân viên “nổ”: “Sinh trắc vân tay sẽ cho anh biết con anh có ưu điểm gì, sau đó gia đình phát triển, đảm bảo bé sẽ trở thành “thiên tài” sau này, chính xác trên 90%. Môn khoa học này không chỉ làm cho em bé, mà cho cả người lớn để phát triển tương lai”. Liên hệ với công ty T (Q.Tây Hồ, Hà Nội), nhân viên tại đây cũng nói chắc nịch: “Sinh trắc vân tay không chỉ biết điểm mạnh cho bé để phát triển thành thiên tài, mà có thể phát hiện được bệnh tự kỷ và nhiều bệnh thông thường của trẻ để hướng dẫn chữa bệnh...”.
Tiềm ẩn nhiều mối lo
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho rằng nhiều công ty “nổ” quá so với thực tế, thổi phồng công nghệ này, từ đó khiến phụ huynh ảo tưởng về lợi ích mà phương pháp này mang lại. Theo một cán bộ công an (công tác tại Phòng Quản lý hành chính, Công an TP.HCM), việc lấy dấu vân tay của công dân tại VN hiện thuộc thẩm quyền của ngành công an. Dấu vân tay thuộc tàng thư căn cước công dân phải đảm bảo bí mật tuyệt đối. Việc các công ty tư nhân hiện nay tự ý đứng ra lấy dấu vân tay ở trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về sau.
Ví dụ các công ty lấy dấu vân tay, thông tin cá nhân ở trẻ em để làm dịch vụ, vậy ai đảm bảo những dữ liệu của trẻ sẽ không bị buôn bán về sau này? Dấu vân tay sẽ theo suốt cuộc đời con người, sau vài năm những dấu vân tay của các em bị lấy nhiều năm trước đó có nguy cơ bị bán cho những tổ chức trong và ngoài nước dùng vào mục đích khác, ai sẽ đảm bảo việc này không xảy ra. “Sinh trắc vân tay hiện là một ngành mới, vì vậy các cơ quan nhà nước nên có biện pháp, quy định quản lý loại hình này. Vừa góp phần áp dụng khoa học vào công tác định hướng, giáo dục trẻ phát triển, nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo thông tin cá nhân của trẻ về sau”, vị cán bộ này nói.
Phụ huynh phải hết sức cảnh giác !
Theo luật sư Đào Duy Tân (Đoàn luật sư TP.HCM), lấy vân tay và phân tích các vấn đề về tính cách, thông tin cá nhân là thuộc quyền thân nhân của con người cần được bảo đảm. Luật sư Tân cho rằng hiện nay có nhiều thứ quan trọng thuộc về nhân thân gắn liền với dấu vân tay nên phải hết sức cẩn thận. Nếu dấu vân tay được kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ tội phạm có thể dùng làm thẻ căn cước, CMND hoặc các thẻ tín dụng giả để phạm pháp... Luật sư Tân cũng cho biết hiện nay luật pháp VN chưa công nhận và chưa có quy định về việc kinh doanh ngành nghề nhân sinh trắc, xem dấu vân tay... Do vậy, các bậc phụ huynh cũng phải hết sức cảnh giác để tránh bị lừa do có thể biến tướng thành những hoạt động mê tín dị đoan.
Còn luật sư Nguyễn Thị Long Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc lấy dấu vân tay trẻ em. Tuy nhiên, dấu vân tay có liên quan đến thông tin cá nhân nên được coi là bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ. Điều 68 luật Hôn nhân và gia đình quy định mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên. Như vậy, nếu cha mẹ đồng ý cho lấy dấu vân tay của con phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu  bị lợi dụng để làm những việc phạm pháp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của con thì cha mẹ cũng phải chịu trách nhiệm. Đây là một vấn đề mới nên các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu và quy định cụ thể để tránh việc một số cá nhân, tổ chức lợi dụng trục lợi.   
Hải Nam
Thế giới còn tranh cãi
Các dịch vụ sinh trắc vân tay đoán vận mệnh khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Indonesia, nhiều phụ huynh đã đưa con ở độ tuổi trung học đến các cơ sở sinh trắc dấu vân tay để hiểu rõ về tính cách, điểm mạnh, yếu..., theo tờ The Jakarta Post. Ở Hồng Kông, sinh viên cũng tìm đến dịch vụ này trước khi quyết định chọn môn chuyên ngành. William Leung, nhân viên tư vấn của Trung tâm phát triển sinh trắc vân tay châu Á tại Hồng Kông, cho biết dấu vân tay cung cấp nhiều thông tin về di truyền học. So với công nghệ như quét não, “phân tích dấu vân tay là cách nghiên cứu não bộ dễ và ít tốn kém hơn. Nó phản ánh rất nhiều về cấu trúc di truyền. Mức độ chính xác là 80%”, tờ China Daily dẫn lời ông Leung.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã bác bỏ lập luận trên. Các chuyên gia về di truyền học thừa nhận dấu vân tay cung cấp thông tin di truyền song cho rằng ít người biết về cơ chế di truyền hình thành dấu vân bàn tay hoặc bàn chân, theo tờ China Daily. Nhiều chuyên gia thần kinh học thậm chí đã bác bỏ mối liên hệ giữa các dấu vân tay và não. “Tôi nghĩ chẳng có chứng cứ khoa học nào hỗ trợ mối liên hệ này”, Giáo sư Virginia Wong, chuyên gia về thần kinh học tại Đại học Hồng Kông, nói. Giới chỉ trích còn chỉ ra rằng không có chuyên viên tư vấn sinh trắc dấu vân tay nào có thể đưa ra lời giải chi tiết dựa trên khoa học, mặc dù họ đều lý giải dựa trên di truyền học, thần kinh học và tâm lý học. Cũng không có dịch vụ sinh trắc học tốt nhất nào là do các nhà khoa học trong những lĩnh vực này thành lập, những người mở dịch vụ trên đều được đào tạo trong các lĩnh vực không liên quan như kinh doanh, thương mại...    
Danh Toại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.